Ngành Kiểm sát đã thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm

6 tháng đầu năm 2019, ngành Kiểm sát đã có nhiều đổi mới trong việc quán triệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2019. Trách nhiệm công tố được tăng cường, chất lượng các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử án hình sự tiếp tục được nâng lên, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm.

Quyết liệt, thực chất hơn

Báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2019 của ngành KSND cho thấy, 6 tháng qua, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, toàn Ngành đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới gần 40.000 vụ án hình sự. Các nhóm tội phạm đều tăng, như: Tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia; tội phạm về ma túy; tội phạm về tham nhũng, chức vụ; tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường; tội phạm xâm phạm trật tự xã hội (xảy ra nhiều vụ án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm);.... Tranh chấp dân sự vẫn tiếp tục tăng, khiếu kiện hành chính tuy giảm nhưng có nhiều vụ việc phức tạp....

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và của Quốc hội về các mặt công tác, Viện trưởng VKSND tối cao đã sớm ban hành Chỉ thị công tác năm 2019, xác định rõ 3 mục tiêu, 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, đã cụ thể hóa những nhiệm vụ trong Chỉ thị công tác năm thành 129 nhiệm vụ trong Kế hoạch công tác trọng tâm của VKSND tối cao.

Toàn cảnh Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 của ngành KSND.

Toàn cảnh Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 của ngành KSND.

Theo đó, 6 tháng qua, ngành Kiểm sát đã có nhiều đổi mới trong việc quán triệt, triển khai thực hiện công tác năm 2019 với phương châm quyết liệt, “thực chất” hơn. Đã đổi mới tổ chức hội nghị triển khai công tác, bảo đảm ngắn gọn nhưng có trọng tâm, đáp ứng yêu cầu thiết thực của VKS các cấp trong công tác triển khai; VKSND tối cao đã sớm tổ chức 15 hội nghị quán triệt, hội nghị tập huấn ngay từ 6 tháng đầu năm. Quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm 2019, lãnh đạo VKSND các cấp, đặc biệt là VKSND tối cao chú trọng kiểm tra và trực tiếp chủ trì nhiều hội nghị để kịp thời nắm bắt, chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ, chất lượng việc thực hiện các nhiệm vụ năm 2019. Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKS các cấp đã quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao; tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo đối với công tác chuyên môn của cấp dưới. Đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong Ngành đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, trách nhiệm công tố được tăng cường, chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử án hình sự tiếp tục được nâng lên, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Cụ thể, đã thực hành quyền công tố, kiểm sát 100% vụ án hình sự ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; số cuộc trực tiếp kiểm sát tăng 17,2%; số bản yêu cầu kiểm tra, xác minh, giải quyết tố giác, tin báo tăng 40,6%; số bản yêu cầu điều tra tăng 18%; số lần tham gia hỏi cung bị can tăng 67%; số lần trực tiếp hỏi cung bị can tăng 23%; số vụ án trực tiếp tiến hành hoạt động điều tra tăng 94%;... Nhiều đơn vị đã chủ động triển khai việc “số hóa hồ sơ vụ án” để quản lý, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa; phối hợp với Tòa án tổ chức 2.486 phiên tòa để rút kinh nghiệm, trong đó, nhiều phiên tòa truyền hình trực tuyến;...

Thông qua thực hiện chức năng, toàn Ngành đã không phê chuẩn 261 trường hợp bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt tạm giam và 139 lệnh tạm giam bị can; đã hủy quyết định tạm giữ và không phê chuẩn gia hạn tạm giữ 432 người; yêu cầu bắt tạm giam 9 bị can;... Đồng thời, yêu cầu khởi tố 351 vụ án; đã hủy 4 quyết định khởi tố vụ án, tăng 100%; trực tiếp khởi tố và yêu cầu điều tra 9 vụ, tăng 80%; đã hủy 20 quyết định không khởi tố vụ án, tăng 43% và 28 quyết định khởi tố vụ án; đã yêu cầu thay đổi, bổ sung 32 quyết định khởi tố vụ án, 42 quyết định khởi tố bị can, tăng 23,5%; hủy bỏ 65 quyết định khởi tố bị can không có căn cứ, trái pháp luật; yêu cầu khởi tố 311 bị can, tăng 11%.

Trách nhiệm công tố được tăng cường, góp phần giảm số tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố vi phạm thời hạn giải quyết và tăng tiến độ giải quyết án 11,8%. Đặc biệt, tỉ lệ người bị bắt, tạm giữ chuyển xử lý hình sự tăng 0,41%; tỉ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa Tòa án, VKS và CQĐT giảm 0,13%; số bị cáo Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội giảm 75%. Số kháng nghị phúc thẩm hình sự tăng 16,8%; tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm được chấp nhận tăng 19,6%, vượt 3,3% so với chỉ tiêu của Quốc hội; tỉ lệ kháng nghị giám đốc thẩm được chấp nhận tăng 3%, vượt 5,4% so với chỉ tiêu của Quốc hội.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Thường trực Tiểu Ban Văn kiện Đại hội XIII phát biểu tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng VKSND tối cao.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Thường trực Tiểu Ban Văn kiện Đại hội XIII phát biểu tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng VKSND tối cao.

Chất lượng công tác được nâng cao

6 tháng qua, công tác xử lý tội phạm kinh tế, tham nhũng được VKSND các cấp tập trung chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đã phối hợp điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế, được Đảng và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao; vai trò, trách nhiệm công tố của VKSND được thể hiện rõ hơn, nhất là việc áp dụng các biện pháp tố tụng trong đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội, xác định tội danh, đặc biệt, đã yêu cầu thu hồi tiền cho Nhà nước, đạt 28%, tăng 22%.

Công tác điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao có nhiều tiến bộ; tiến độ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tăng 9,6%; số vụ án được phát hiện khởi tố tăng 5,4%; đã khởi tố, điều tra một số vụ án phức tạp, nghiêm trọng, trong đó có vụ án dư luận xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Tích cực áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nên số tài sản, tiền thu hồi được trong các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp đạt tỉ lệ cao (51,4%).

Mặt khác, chất lượng công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp được nâng cao. VKS các cấp đã triển khai nhiều biện pháp, nhất là đề cao vai trò chỉ đạo của lãnh đạo VKS các cấp và vai trò thực hiện nhiệm vụ của Kiểm sát viên. Toàn Ngành đã tổ chức 1.136 phiên tòa rút kinh nghiệm; ban hành 303 thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ; số lượng kháng nghị phúc thẩm án dân sự tăng 16,2%, tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm được chấp nhận vượt 15,3% so với chỉ tiêu của Quốc hội;.... tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thụ lý, giải quyết tăng 4,8%.

Đoàn kiểm tra số 1 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với VKSND tối cao (3/2019). Ảnh: PV

Đoàn kiểm tra số 1 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với VKSND tối cao (3/2019). Ảnh: PV

VKS các cấp tăng cường phương thức kiểm sát trực tiếp hoạt động tư pháp, kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật trong công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, hành chính và kiểm sát giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Đã đề nghị và được Hội đồng loại 570 hồ sơ phạm nhân không đủ điều kiện giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, loại 244 trường hợp không đủ điều kiện xét tha tù trước thời hạn; yêu cầu ra 11 quyết định thi hành án, yêu cầu áp giải thi hành án 220 bị án; đề nghị hoãn thi hành án 6 bị án, miễn chấp hành hình phạt 8 bị án, xét hưởng thời hiệu 2 bị án. Thông qua kiểm sát, phát hiện nhiều vi phạm và ban hành 5.376 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục.

Cùng với các kết quả trên, 6 tháng qua, toàn Ngành cũng đã đạt được những kết quả nổi bật khác như: Toàn Ngành đã tập trung thực hiện công tác tổ chức cán bộ; tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; đẩy mạnh hoạt động xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật; mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; hoàn thiện thể chế, bảo đảm công tác thi đua, khen thưởng thực chất hơn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Ngành; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cũng như tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Ngành.

Sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường

VKSND tối cao yêu cầu, trong 6 tháng cuối năm 2019, toàn Ngành tiếp tục triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 48, Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị trong Ngành. Tổng kết việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp. Chuẩn bị các tài liệu phục vụ Viện trưởng VKSND tối cao báo cáo công tác tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa xét xử phúc thẩm đại án xảy ra tại Oceanbank (5/2018). Ảnh: PV

Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa xét xử phúc thẩm đại án xảy ra tại Oceanbank (5/2018). Ảnh: PV

Tập trung kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án vị trí việc làm của ngành KSND; làm tốt công tác đánh giá đội ngũ cán bộ để sắp xếp, bố trí phù hợp với năng lực, sở trường công tác và yêu cầu tinh giản biên chế; hoàn thiện các quy chế về công tác tổ chức cán bộ. Tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật, thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là tổ chức kiểm tra chéo.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ; tổ chức tập huấn, các lớp bồi dưỡng chuyên sâu, nhất là về những vấn đề mới, lĩnh vực công tác còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, như: Tập huấn chuyên sâu về giải quyết các loại án hình sự (tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tội phạm liên quan đến tín dụng đen, xâm hại trẻ em...); tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng; tập huấn công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính,... Hoàn thiện các quy định, quy chế, quy trình về nghiệp vụ, hệ thống đánh giá chất lượng công tác, đánh giá thi đua, như: Sửa đổi quy chế tổ chức và hoạt động của một số đơn vị thuộc VKSND tối cao; hợp nhất 3 quy chế kiểm sát điều tra; hoàn thiện các quy định về thi đua - khen thưởng, hệ thống chỉ tiêu thống kê, hệ thống biểu mẫu thống kê, hệ thống chỉ tiêu nghiệp vụ cơ bản, chế độ thông tin báo cáo trong Ngành,...

Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao; nghiên cứu thành lập Trung tâm điều tra kỹ thuật số. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; Khẩn trương hoàn thành các đề án tăng cường năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, như các đề án: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2020-2025”; “Tăng cường năng lực Cơ quan điều tra và tăng cường năng lực Kiểm sát viên VKSND trong hoạt động điều tra”; “Đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc cho ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2021-2025” và “Bảo đảm kinh phí cho hoạt động đặc thù ngành Kiểm sát nhân dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”;.... Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền; tích cực thực hiện tuyên truyền về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và kết quả hoạt động của VKSND, về hình ảnh Kiểm sát viên; tổ chức thành công Giải Thể thao Ngành “Cúp Báo Bảo vệ pháp luật lần thứ IX” (hiện Giải Thể thao Ngành đã được tổ chức thành công tốt đẹp); phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tiếp tục sản xuất bộ phim truyền hình nhiều tập về Ngành.

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu

Dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 của ngành KSND, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao cho rằng, trong thời gian tới, một trong những giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế đó là thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng VKSND các cấp phải tiếp tục phát huy và nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Khi lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, người đứng đầu phải toàn tâm, toàn ý, hết lòng, hết sức vì công việc và phải thực sự nêu gương.

Bên cạnh đó, theo đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao, thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng VKSND các cấp cần tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu được nêu trong Chỉ thị công tác năm 2019, Kế hoạch trọng tâm năm 2019 và các văn bản chỉ đạo khác của VKSND tối cao để bảo đảm tiến độ, thời gian. Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu công tác, đặc biệt là các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các nghị quyết mà Quốc hội giao cho ngành Kiểm sát.

Trước tình hình tội phạm hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có ngành Kiểm sát, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu, để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đòi hỏi năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức trong Ngành phải được nâng cao. Riêng đội ngũ cán bộ, công chức của VKSND tối cao và VKSND cấp cao còn cần phải là những người có kinh nghiệm thực tiễn.

Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao lưu ý, thời gian tới, cùng với việc phải tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật, thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thì cũng cần tiếp tục làm tốt công tác phòng ngừa và chống tiêu cực ngay trong nội bộ Ngành. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của VKSND các cấp; công tác thi đua, khen thưởng phải tiếp tục được đổi mới, kịp thời phát hiện và khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình, có những thành tích đột xuất để động viên, nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong toàn ngành KSND.

Cuối tháng 6/2019, Đoàn Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Thường trực Tiểu ban làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban cán sự đảng VKSND tối cao. Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí nhấn mạnh, trong điều kiện thực hiện quy định của các đạo luật mới về tư pháp, nhiệm vụ của ngành KSND tăng lên rất nhiều nhưng ngành KSND đã nỗ lực phấn đấu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, các nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cùng với đó, ngành KSND đã tích cực, chủ động thực hiện nhiều giải pháp đột phá trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là áp dụng các biện pháp tố tụng trong đấu tranh làm rõ hành vi, xác định tội danh, thu hồi tài sản, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng, đồng thời tăng cường trách nhiệm công tố để góp phần phòng ngừa tội phạm, bảo đảm chống oan sai, tập trung phối hợp chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, các cơ quan tư pháp trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng…

VKSND tối cao chỉ đạo, 6 tháng cuối năm 2019, VKS các cấp phải có biện pháp cụ thể để khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót qua sơ kết công tác 6 tháng đầu năm đã chỉ ra, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu công tác, đặc biệt là các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các nghị quyết của Quốc hội và những hạn chế, yếu kém Quốc hội đã chỉ ra qua hoạt động giám sát năm 2018, để bảo đảm khắc phục được các hạn chế này trong năm 2019.

PV

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/ban-tin-kiem-sat/nganh-kiem-sat-da-thuc-hien-tot-hon-nhiem-vu-chong-oan-sai-va-bo-lot-toi-pham-73473.html