Ngành Kiểm sát: Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật

Cùng với việc nâng cao chất lượng công tác kiểm sát, thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp trong tỉnh luôn quan tâm, chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đại Từ phối hợp tổ chức phiên tòa xét xử lưu động tại thị trấn Hùng Sơn, góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở.

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đại Từ phối hợp tổ chức phiên tòa xét xử lưu động tại thị trấn Hùng Sơn, góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở.

Hàng năm, ngành Kiểm sát tỉnh thụ lý, giải quyết khối lượng công việc rất lớn. Chỉ tính riêng năm 2024, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp trong tỉnh đã kiểm sát giải quyết gần 2.500 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; kiểm sát điều tra 1.879 vụ/3.265 bị can; thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự 1.752 vụ/3.341 bị cáo.

Bên cạnh đó, ngành kiểm sát giải quyết hơn 5.200 vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính; kiểm sát việc tạm giữ 1.199 người, tạm giam 2.502 người; lãnh đạo và kiểm sát viên VKSND hai cấp đã tiếp gần 260 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận, phân loại, xử lý và giải quyết hơn 800 đơn…

Đồng chí Đỗ Quang Chung, Trưởng phòng 10, Viện Kiểm sát tỉnh Thái Nguyên, Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Luật gia VKSND tỉnh, cho biết: Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, VKSND hai cấp tỉnh Thái Nguyên đã trực tiếp và gián tiếp tác động đến nhận thức pháp luật của hàng chục nghìn lượt người mỗi năm. Qua đó đã truyên truyền, phổ biến và giáo dục nhiều chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, giải thích pháp luật cho những người bị xử lý về hình sự như bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự; các đương sự trong vụ án dân sự, hành chính, vụ việc thi hành án và những người khác có liên quan.

Thông qua công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, VKSND hai cấp luôn chủ động lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó có phương án trực tiếp trả lời, giải thích cặn kẽ, “thấu tình, đạt lý” cho công dân; không để xảy ra các vụ việc khiếu kiện bức xúc, kéo dài, khiếu kiện đông người hoặc gây mất ổn định về an ninh, trật tự xã hội.

Một trong những hình thức hiệu quả nhất đó là lồng ghép phổ biến pháp luật vào các phiên tòa. Với hoạt động tham gia xét xử mỗi năm khoảng 2.500 vụ án hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, VKSND hai cấp trong tỉnh đã lồng ghép để phổ biến, giáo giục pháp luật trong nhân dân. Các quy định của pháp luật được phổ biến trực tiếp tại phiên tòa như: Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm; các biện pháp đấu tranh, chống vi phạm, tội phạm và giải pháp phòng ngừa tội phạm.

Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về đất đai, quyền sở hữu, hợp đồng, giao dịch cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, thừa kế, hôn nhân và gia đình,... cũng đã được kiểm sát viên tham gia phiên tòa xét xử các vụ án dân sự, hành chính phổ biến, phân tích, giáo dục tới hàng nghìn người có mặt tại phiên tòa xét xử những vụ án này.

Đặc biệt, trong số những vụ án đã xét xử hàng năm có trên 200 vụ án điểm được điều tra, truy tố, xét xử nhanh nhằm mục đích phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm; hơn 150 vụ án hình sự được xét xử lưu động, thu hút được nhiều lượt người dân tham dự.

Các vụ án được xét xử lưu động là các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc những vụ án được dư luận xã hội quan tâm như: Giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,... Tại phiên tòa, bản cáo trạng và bản luận tội của VKSND được công bố như “một lời cảnh tỉnh” cho tất cả mọi người về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, về cách ứng xử của mỗi công dân trước pháp luật và trách nhiệm của xã hội; của cơ quan, tổ chức, gia đình, nhà trường và của từng cá nhân trong công tác quản lý, giáo dục con, em mình.

Ngoài ra, từ năm 2014, VKSND tỉnh đã đưa vào hoạt động chính thức Trang thông tin điện tử, với tên miền “vksndthainguyen.gov.vn”. Nội dung đăng tải tập trung chủ yếu vào việc thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các mặt hoạt động của VKSND hai cấp tỉnh Thái Nguyên trong việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; các sự kiện, tin tức thời sự về pháp luật trên địa bàn tỉnh; các thông tin chuyên đề về đấu tranh, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; cung cấp và cho phép tải miễn phí các văn bản quy phạm pháp luật... Đến nay, đã có hơn 2.000 tin, bài được đăng tải lên Trang, thu hút hơn 6 triệu lượt truy cập.

Thời gian tới, ngành Kiểm sát Thái Nguyên tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan để đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Thu Huyền

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phap-luat/202504/nganh-kiem-sat-tang-cuong-pho-bien-giao-duc-phap-luat-e4318fb/