Ngành Kiểm sát tỉnh: Tăng cường tự đào tạo qua các cuộc thi nghiệp vụ
Những năm gần đây, ngành Kiểm sát tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên. Trong đó, công tác tự đào tạo thông qua các cuộc thi về chuyên môn nghiệp vụ được xem là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Lãnh đạo, cán bộ Phòng 10 (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh) trao đổi nghiệp vụ.
Mới đây, ngành Kiểm sát tỉnh đã tổ chức cuộc thi "Viết dự thảo và trình bày bài phát biểu của kiểm sát viên (KSV) tại phiên tòa dân sự sơ thẩm". Tham gia cuộc thi, các thí sinh phải xây dựng dự thảo bài phát biểu dựa trên nghiên cứu hồ sơ vụ việc cụ thể. Trên cơ sở đó, ban tổ chức chọn ra 10 bài thi xuất sắc nhất từ phần thi viết để tiếp tục tranh tài ở phần trình bày. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia tích cực của cán bộ, KSV từ Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp trong tỉnh.
Chia sẻ về cảm nhận của mình về cuộc thi, KSV Vũ Thị Năm (Phòng 10), người giành giải Nhất, cho biết: Đây là dịp để chúng tôi được học hỏi, rèn luyện và trao đổi kinh nghiệm, từ đó nâng cao nghiệp vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thông qua các cuộc thi, cấp trên có thêm cơ sở để đánh giá chất lượng đội ngũ KSV và kiểm tra viên đang công tác trong lĩnh vực kiểm sát việc giải quyết vụ, việc dân sự, hôn nhân, gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp.
Đồng chí Đỗ Quang Chung, Trưởng phòng 10: Bài phát biểu của KSV khi tham gia phiên tòa là một thủ tục bắt buộc, phản ánh kết quả nghiên cứu hồ sơ và hoạt động kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự, hôn nhân, gia đình. Chính vì vậy, cuộc thi được tổ chức là sân chơi bổ ích về nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, KSV, đồng thời là cơ hội để cán bộ, kiểm sát viên khẳng định năng lực, kinh nghiệm tích lũy được của bản thân…
Cũng trong quý II-2025, cuộc thi “Kỹ năng báo cáo kết quả nghiên cứu vụ án hình sự trong giai đoạn xét xử sơ thẩm” đã được tổ chức với 80 bài dự thi đến từ các đơn vị thuộc VKSND hai cấp trong tỉnh. Cuộc thi được tổ chức qua 2 vòng. Vòng 1 là thi viết báo cáo kết quả nghiên cứu vụ án hình sự trong giai đoạn xét xử sơ thẩm đối với 1 vụ án về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Kết thúc vòng 1, 10 đồng chí đạt điểm cao nhất tiếp tục dự thi ở vòng thuyết trình.

Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trao giải cho các cá nhân đạt giải cuộc thi Kỹ năng báo cáo kết quả nghiên cứu vụ án hình sự trong giai đoạn xét xử sơ thẩm.
Với tinh thần nghiên túc, trách nhiệm và sáng tạo, nhiều thí sinh đã thể hiện sự đầu tư kỹ lưỡng khi xây dựng sơ đồ tư duy khoa học, giúp hệ thống hóa nội dung báo cáo một cách logic, dễ hiểu. Bên cạnh đó, một số đồng chí còn ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tăng tính trực quan và thuyết phục cho phần trình bày, để lại ấn tượng tốt cho ban giám khảo và các thí sinh tham dự cuộc thi.
Theo đồng chí Nguyễn Thái Bình, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh, việc tổ chức hai cuộc thi trong năm 2025 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tự đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng cho KSV. Thông qua cuộc thi đã lựa chọn được những cán bộ, KSV tiêu biểu xuất sắc có thành tích cao để kịp thời khích lệ, khen thưởng, đồng thời đã tạo ra một đợt học tập, nghiên cứu sâu rộng, sôi nổi ở tất cả các đơn vị và mỗi cán bộ, KSV.
Cuộc thi cũng là dịp để từng cán bộ tự kiểm tra, nhìn nhận, đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ kiểm sát, kỹ năng làm bài thi của bản thân. Kết quả cuộc thi của cá nhân và đơn vị là một trong những căn cứ để nhận xét đánh giá, xếp loại công chức và bình xét thi đua, khen thưởng.
Không chỉ riêng năm nay, hằng năm ngành Kiểm sát tỉnh đều tổ chức các cuộc thi nội bộ nhằm tạo sân chơi về nghiệp vụ cho KSV, kiểm tra viên và chuyên viên nghiệp vụ. Cụ thể như: Xây dựng cáo trạng; viết luận tội… Đáng chú ý, trong năm 2023, VKSND tỉnh đã tổ chức thành công cuộc thi báo cáo án bằng sơ đồ tư duy. Từ cuộc thi này đã tạo ra sức hút, lan tỏa việc thực hiện báo cáo án bằng sơ đồ tư duy.
Nếu năm 2022, VKSND hai cấp trong tỉnh mới thực hiện được 29 sơ đồ tư duy thì đến hết tháng 10-2024, con số này đã tăng lên là 1.345 sơ đồ. Ban đầu, các vụ án được lựa chọn để xây dựng sơ đồ tư duy là vụ án có nhiều người tham gia tố tụng, diễn biến phức tạp, nhiều mốc thời gian khác nhau, nhiều hành vi có dấu hiệu tội phạm. Đến nay, KSV được yêu cầu báo cáo bằng sơ đồ tư duy đối với 100% vụ khởi tố mới.
Có thể thấy, việc tổ chức các cuộc thi nghiệp vụ đã trở thành động lực thúc đẩy tinh thần học hỏi, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát tỉnh Thái Nguyên. Những hoạt động này không chỉ nâng cao chất lượng chuyên môn mà còn góp phần hiện đại hóa công tác tư pháp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Với những kết quả đạt được, ngành Kiểm sát tỉnh Thái Nguyên đang khẳng định vai trò tiên phong trong công cuộc cải cách tư pháp, đồng thời tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển trong tương lai…