Ngành Kiểm sát triển khai số hóa hồ sơ vụ án
ĐBP - Thực hiện chủ trương về số hóa hồ sơ, thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh đã thực hiện số hóa các hồ sơ vụ án, phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống oan sai, nâng cao kỹ năng trình độ của kiểm sát viên trong công tác thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử.
Một vụ án hình sự được Viện VKSND tỉnh công bố tài liệu bằng hình ảnh, chứng cứ tài liệu số hóa tại phiên tòa.
Việc số hóa hồ sơ vụ án đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu, đem lại những lợi ích thiết thực, giúp khai thác và tra cứu tài liệu nhanh chóng, phục vụ hiệu quả cho hoạt động tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa. Đánh giá tầm quan trọng số hóa hồ sơ vụ án, tiến đến xây dựng hồ sơ điện tử, thời gian qua, Viện KSND tỉnh triển khai đồng bộ công tác số hóa hồ sơ vụ án hình sự, dân sự, hành chính kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định pháp luật. Từ đó quy định các quy trình thực hiện số hóa đối với từng loại hồ sơ vụ án; cách thực hiện việc số hóa hồ sơ, lập hồ sơ, sử dụng hồ sơ số hóa; sử dụng hồ sơ số hóa khi báo cáo án truy tố, xét xử; sử dụng hồ sơ số hóa tại phiên tòa, và công tác quản lý, lưu trữ, khai thác hồ sơ số hóa. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tập huấn trong toàn ngành về việc thực hiện số hóa hồ sơ vụ án; tổ chức các phiên tòa giả định trong việc sử dụng số hóa hồ sơ vụ án tại phiên tòa.
Nói về những lợi ích trong công tác số hóa hồ sơ vụ án, ông Vũ Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho biết: Số hóa hồ sơ vụ án phục vụ cho việc công bố, trình chiếu tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa, bảo đảm sự thuyết phục trong quá trình xét hỏi và tranh tụng. Từ hồ sơ vụ án đã được số hóa, việc truy xuất các chứng cứ, tài liệu liên quan trong vụ án như biên bản, lý lịch, các quyết định tố tụng, chứng cứ buộc tội, gỡ tội… giúp cho kiểm sát viên trong quá trình xét xử tự tin hơn khi đưa ra những tài liệu, thông tin mang tính chính xác và thuyết phục cao. Nhất là đối với những vụ án có mâu thuẫn trong lời khai của các bị can, bị cáo hoặc người tham gia tố tụng khác; có bị cáo phản cung, chối tội hoặc những vụ án chứng cứ chưa vững chắc, có luật sư tham gia bào chữa... cần thiết phải công bố tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quan điểm truy tố tại phiên tòa. Cùng với đó, công tác số hóa hồ sơ vụ án sẽ đảm bảo việc lưu trữ (đã số hóa) một cách khoa học, thuận tiện và bảo mật. Khi hồ sơ vụ án được lưu trữ bằng số hóa tạo thuận lợi, tiết kiệm được thời gian tìm kiếm, giảm không gian lưu trữ, quản lý tài liệu vĩnh viễn, hạn chế hư hỏng, mất mát tài liệu do các yếu tố bên ngoài, giúp cho việc lưu trữ, truy xuất, chia sẻ và tìm kiếm thông tin một cách dễ dàng.
Thông thường, một hồ sơ vụ án hình sự (đối với vụ án cố ý gây thương tích), cơ quan điều tra thu thập các tài liệu, lời khai, nhân chứng liên quan đến bị cáo, các tài liệu khác với khoảng 500 bút lục; về nguyên tắc là phải sao lục, lập hồ sơ kiểm sát đúng như hồ sơ gốc và mất khoảng 1 gam giấy. Nhưng khi số hóa thì chỉ lập một lần, lưu giữ và sử dụng mãi mãi. Trên cơ sở đó, giúp kiểm sát viên có thể truy xuất, khai thác dữ liệu mọi lúc mọi nơi, phục vụ cho công tác nghiệp vụ được nhanh chóng kịp thời, tiết kiệm thời gian.
Cũng theo ông Vũ Trung Thành, thời gian qua Viện KSND tỉnh đã tăng cường hoạt động số hóa hồ sơ, đảm bảo mỗi cán bộ kiểm sát viên, kiểm tra viên, chuyên viên thành thạo thao tác số hóa hồ sơ và trình chiếu hồ sơ tại phiên tòa. Đặc biệt, nhằm tận dụng nguồn tài liệu số hóa có hiệu quả, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, Viện KSND tỉnh tổ chức các cuộc thi viết cáo trạng, luận tội, báo cáo, trích cứu tài liệu... từ đó đa dạng hóa hình thức học tập pháp luật hàng ngày, không còn mang tính thụ động tiếp nhận kiến thức, tạo điều kiện cho kiểm sát viên, kiểm tra viên, chuyên viên đã chủ động trong công việc, qua đó kịp thời phát hiện những thiếu sót, khuyết điểm để uốn nắn, thống nhất cách làm khoa học, hiệu quả nhất.
Cùng với đó, công tác quản lý, lưu trữ, khai thác hồ sơ số hóa là vô cùng quan trọng, do đó Viện KSND tỉnh quy định các hồ sơ vụ án được lữu giữ tập trung tại thiết bị lưu trữ do bộ phận phụ trách công nghệ thông tin, hoặc cán bộ có trách nhiệm được giao trực tiếp quản lý. Thiết bị lưu trữ phải đảm bảo dung lượng cần thiết, không kết nối mạng internet, không sử dụng vào các hoạt động khác; hồ sơ số hóa được lưu trữ đồng thời trên thiết bị máy tính và ổ cứng.
Với công tác số hóa hồ sơ vụ án, ngành Kiểm sát Điện Biên đã từng bước thực hiện hiệu quả trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án theo quy định của pháp luật, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm; chống oan sai, bỏ lọt tội phạm.