Ngành lúa gạo trên hành trình sống còn chuyển đổi từ 'lượng' sang 'chất'
Giảm khối lượng gạo xuất khẩu nhưng vẫn giữ được giá trị kim ngạch cao thông qua nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như gia tăng tỳ lệ sản phẩm chế biến là chiến lược mang tính dài hạn của ngành lúa gạo. Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra là làm sao để hiện thực hóa được mục tiêu này?
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký quyết định phê duyệt chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030.
Chuyển từ “lượng” sang “chất” – hướng đi bền vững
Quan điểm của chiến lược nêu trên nhấn mạnh đến việc nâng cao hiệu quả và xuất khẩu gạo bền vững, giảm “lượng” tăng “chất”; duy trì ổn định và nâng cao kim ngạch thông qua xuất khẩu gạo chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ gạo. Qua đó, góp phần tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa với giá có lợi và giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân; đảm bảo an ninh xã hội, an ninh lương thực trong nước nhưng phải bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu.
Chiến lược cũng nhấn mạnh đến quan điểm phát triển thị trường xuất khẩu đa dạng, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế về kinh tế và hợp tác về đầu tư sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo.
Ngoài ra, chiến lược cũng có quan điểm xuất khẩu phải gắn với phát triển gạo có thương hiệu, nhãn hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với yêu cầu, thị hiếu của từng thị trường…
Chiến lược đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể, bao gồm giảm khối xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn (năm 2022 khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 7 triệu tấn- PV), với kim ngạch đạt tương đương khoảng 2,62 tỉ đô la Mỹ; đặt mục tiêu tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của các thị trường lên khoảng 60%; nâng cao hiệu quả xuất khẩu qua kênh trung gian, nhất là với các thị trường không thuận lợi trong vận chuyển và thanh toán.
Đồng thời, phấn đấu đạt khoảng 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang thương hiệu gạo Việt Nam (Vietnam rice) vào năm 2030.
Trao đổi với KTSG Online liên quan chiến lược nêu trên, ông Phạm Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi, đơn vị đi đầu về sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chế biến sau gạo đánh giá, việc chuyển hướng từ “lượng” sang “chất” của chiến lược ngành lúa gạo là hướng đi hoàn toàn chính xác.
Ông Bình nêu quan điểm, khi nhu cầu tiêu dùng (cả trong nước lẫn thị trường nhập khẩu- PV) tập trung vào phân khúc chất lượng thấp như trước đây, thì việc ưu tiên sản lượng cao để giải quyết vấn đề đói kém là tất yếu. “Rõ ràng, gạo Việt Nam bán ra số lượng nhiều, nhưng thu về (tiền) không được bao nhiêu”, ông nói.
Tuy nhiên, với bối cảnh thị trường đã có những đòi hỏi mới, kể cả người tiêu dùng trong nước cũng có nhu cầu cao hơn khi sẵn sàng bỏ tiền nhiều hơn để mua gạo có chất lượng từ Thái Lan, Đài Loan. “Điều này cũng đã được chứng minh khi gạo ST25 của ông Cua (kỹ sư Hồ Quang Cua, là “cha đẻ” của giống lúa thơm ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019- PV) sản xuất ra không kịp để bán, dù có giá khá cao”, ông dẫn chứng.
Không chỉ vậy, theo ông Bình, bình quân lượng gạo tiêu thụ của người tiêu dùng trên thế giới đang và sẽ tiếp tục giảm, nhưng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, dinh dưỡng. “Ví dụ, ngày xưa ăn 3 chén cơm, thì bây giờ ăn chỉ 1 chén thôi”, ông dẫn chứng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV cũng cho rằng, việc điều chỉnh giảm “lượng” tăng “chất” là chiến lược phù hợp. Bởi lẽ, diện tích sản xuất lúa ở vùng trọng điểm của cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự thay đổi, từ sản xuất 3 vụ giảm xuống còn 2 vụ hoặc từ 2 vụ xuống còn 1 vụ.
“Thậm chí, có một phần khá lớn diện tích sản xuất lúa đã được nông dân chuyển sang cây ăn trái như: tỉnh Vĩnh Long nông dân chuyển sang trồng cam sành, mít; Tiền Giang chuyển sang trồng mít, sầu riêng hay cả Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp… cũng chuyển đổi rất lớn”, ông Thành dẫn chứng.
Trong khi đó, ông Bình của Công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi cho rằng, trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước ngày càng phát triển, thậm chí cả việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông…, cũng dẫn đến thu hẹp diện tích lúa rất nhiều. “Do đó, chúng ta không thể giữ tư duy như ngày xưa, tức lấy số lượng để mang về nhiều kim ngạch hơn”, ông nhấn mạnh và tái khẳng định, tư duy mới của chiến lược ngành hàng lúa gạo là đúng.
Làm sao để thành công?
Định hướng chiến lược đúng, nhưng câu hỏi được đặt ra, đó là làm sao để hiện thực hóa hay nói cách khác làm sao để có thể nâng cao được chất lượng sản phẩm lúa gạo cũng như gia tăng phân khúc sản phẩm chế biến để mang lại giá trị cao?
Theo ông Bình, mỗi kí lô gam gạo nếu xuất thô giúp mang về cho Việt Nam 10.000 đồng, thì khi chế biến ra các loại sản phẩm sau gạo như: phở, hủ tiếu, bánh tráng…, có thể mang về 50.000-60.000 đồng, tức giá trị tăng cao hơn gấp 5-6 lần. “Thậm chí, như đơn vị của chúng tôi, khi làm ra bánh gạo lứt có thể bán lên đến 150.000 đồng/kg, tức giá trị tăng gấp 15 lần so với bán thô”, ông dẫn chứng và khẳng định, chế biến sâu là con đường giúp nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam lên rất nhiều lần.
Tuy nhiên, muốn sản phẩm chế biến có mặt ở châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…, đòi hỏi phải có sự đầu tư về mặt công nghệ, khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, phải đào tạo đội ngũ lao động có trình độ để sản phẩm đạt tiêu chuẩn của thị trường như: HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Points), BRC (British Retail Consortium), tiêu chuẩn FDA của Mỹ hay Halal cho người hồi giáo…
Theo gợi ý của vị lãnh đạo Công ty Bích Chi, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, lĩnh vực có liên quan đến hàng triệu người sản xuất, thì Nhà phải có chính sách miễn giảm thuế, ưu đãi cho nhà đầu tư, đặc biệt là sản xuất sản phẩm liên quan đến nông sản thực phẩm chế biến. “Đây là lĩnh vực rất khó, chỉ người Việt Nam mới làm, chứ nhà đầu tư nước ngoài thường không quan tâm, họ chỉ tập trung vào công nghiệp ô tô, điện tử, dệt may thôi”, ông cho biết.
Ông Thành của Phước Thành IV thì cho rằng, chế biến sản phẩm sau gạo là lĩnh vực còn khá mới đối với doanh nghiệp Việt Nam, cho nên, cần có những nghiên cứu, nhất là về thị trường. “Sau gạo có thể làm được rất nhiều sản phẩm, nhưng nhu cầu thị trường như thế nào phải nghiên cứu kỹ”, ông cho biết và gợi ý, bên cạnh có những chương trình xúc tiến thương mại, thì Nhà nước phải giữ vai trò nghiên cứu thị trường, cung cấp thông tin định hướng để doanh nghiệp biết được thị trường đang cần gì sau gạo.
Trong khi đó, để nâng cao chất lượng lúa gạo Việt Nam, bên cạnh phải có giống mới đạt tiêu chuẩn chất lượng, thì quy trình sản xuất phải theo hướng an toàn, hướng hữu cơ.
“Rõ ràng, để làm được việc này, thì phải đầu tư về khoa học kỹ thuật, đầu tư chất xám, có liên kết, chứ bỏ nông dân tự bơi trên mảnh đất của họ, thì không có cách nào xoay chuyển được”, ông Bình nhấn mạnh.
Để đạt mục tiêu như kỳ vọng, chiến lược phát triển thị trường lúa gạo Việt Nam đến năm 2023 cũng đặt ra yêu cầu đối các bộ ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp kinh doanh phải triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, bao gồm hoàn thiện thể chế; có giải pháp về nguồn cung gạo cũng như phía cầu; về hỗ trợ xuất khẩu và phát triển năng lực khối tư nhân.