Ngành Lưu trữ sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số để phát huy giá trị tư liệu
Năm 2025, ngành Lưu trữ sẽ có rất nhiều hoạt động đặc biệt hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập. Các hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, quan tâm đẩy mạnh lưu trữ số.
Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Lưu trữ Việt Nam (3/1/1946-3/1/2026), Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hơn 20 hoạt động nổi bật dưới nhiều hình thức như triển lãm, xuất bản ấn phẩm, hội thảo khoa học, hội thi văn nghệ, giải bóng đá và nhiều hoạt động khác.
Thông tin đến báo chí ngày 14/1, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho hay Luật Lưu trữ năm 2024 đã quy định ngày 3/1 hàng năm là “Ngày Lưu trữ Việt Nam” nhằm khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác lưu trữ và ghi nhận công lao, đóng góp của người làm lưu trữ.
Do đó, lần đầu tiên, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước sẽ cùng nhiều đơn vị thực hiện các hoạt động nhằm tuyên truyền về truyền thống tốt đẹp của ngành Lưu trữ qua 80 năm xây dựng và phát triển, hoàn thành xuất sắc các sứ mệnh, nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Đây cũng là cơ hội thể hiện sự nỗ lực của ngành Lưu trữ trong việc đoàn kết, đổi mới phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ, thiết thực phục vụ công cuộc xây dựng kinh tế-xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước, hứa hẹn tạo bước đột phá, quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đáp ứng yêu cầu kiến thiết quốc gia.
Mở đầu chuỗi hoạt động là triển lãm “Nghề Lưu trữ, Người Lưu trữ, Ngày Lưu trữ” giới thiệu khoảng 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật thu thập từ các cơ quan lưu trữ của Đảng, Nhà nước, các cơ sở đào tạo chuyên ngành và các cán bộ làm công tác lưu trữ. Đây là những tài liệu về những mốc son lịch sử, những khoảnh khắc về ký ức về nghề và ngày lưu trữ. Các tư liệu hiện đang được triển lãm tại Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, 12 Đào Tấn, Hà Nội.
Theo Cục trưởng Đặng Thanh Tùng, năm 2025, ngành Lưu trữ sẽ có rất nhiều hoạt động đặc biệt nhằm gìn giữ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, quan tâm đẩy mạnh lưu trữ số.
Hiện nay, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đang phối hợp với lưu trữ của Pháp xây dựng hồ sơ về khối tài liệu thời kỳ thuộc Pháp (1858-1954), hy vọng sẽ được UNESCO ghi danh là Di sản Tư liệu Thế giới.
Bên cạnh đó, Cục cũng tăng cường hợp tác với các nước trong trong Hội đồng Lưu trữ quốc tế (ICA), Chi nhánh khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Lưu trữ quốc tế (SARBICA) và Hiệp hội Lưu trữ quốc tế các nước có sử dụng tiếng Pháp (AIAF) và các nước mà Việt Nam có quan hệ song phương như Hàn Quốc, Indonesia, Singapore…
Trong thời gian tới, ngành Văn thư và Lưu trữ sẽ tập trung vào các nhiệm vụ: Đổi mới nhận thức, tư duy quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hành lang pháp lý; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số; nâng cao năng lực hoạt động nghiệp vụ lưu trữ của các trung tâm lưu trữ quốc gia; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về văn thư, lưu trữ; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người làm công tác văn thư, lưu trữ; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chất lượng hoạt động dịch vụ lưu trữ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bảo đảm chất lượng./.