Ngành may mặc khốn đốn vì thiếu đơn hàng
Thiếu đơn hàng sản xuất, sụt giảm doanh thu từ xuất khẩu,… là những khó khăn mà doanh nghiệp may mặc đang phải hứng chịu. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, quý 2/2020 là giai đoạn đỉnh điểm của tình trạng thiếu đơn hàng sản xuất và nhiều doanh nghiệp có khả năng mất thanh khoản.
Thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam chỉ rõ, trong 2 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu dệt may Việt Nam đã giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị xuất khẩu hàng may mặc giảm 2,3% do sự sụt giảm nhu cầu hàng may mặc tại Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc và Nhật Bản. Đến tháng 3, tình hình dịch bệnh bắt đầu chuyển biến phức tạp tại Mỹ và châu Âu, khiến nhiều khách hàng ở hai thị trường này cũng thông báo giãn hoặc hủy các đơn hàng may mặc.
Theo giới chuyên gia trong ngành, tính tới thời điểm hiện tại tình hình dịch bệnh đã bắt đầu được kiểm soát tại thị trường Trung Quốc, nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp may và đầu ra cho các doanh nghiệp sợi đã dần ổn định trở lại. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh lại dần trở nên nghiêm trọng tại thị trường Mỹ và EU (hai thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn nhất thế giới) và hiện chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Đặc biệt, từ giữa tháng 3 các khách hàng lớn ở Mỹ và EU đã thông báo giãn hoặc hủy đơn hàng may mặc của Việt Nam. Đối với các đơn hàng chưa sản xuất thì đã bị hủy. Đối với các đơn hàng đã sản xuất thì hoãn thời gian giao hàng từ 3 – 4 tháng để chờ đợi các tín hiệu phục hồi từ thị trường. Riêng đơn hàng đã giao, khách hàng yêu cầu lùi thời gian thanh toán thêm từ 60 – 90 ngày, thậm chí 120 ngày.
Dự báo, nhu cầu dệt may toàn cầu trong thời gian tới có nguy cơ sụt giảm mạnh và các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, mức độ ảnh hưởng chính xác tính đến thời điểm hiện tại là rất khó dự báo. Hiệp hội Dệt may Việt Nam quan ngại, quý 2/2020 là giai đoạn đỉnh điểm của tình trạng thiếu đơn hàng sản xuất và nhiều doanh nghiệp có khả năng mất thanh khoản do vốn bị tồn đọng ở nguyên phụ liệu và thành phẩm.
Trước những khó khăn, thách thức của ngành dệt may, một số quan điểm cho rằng, ngoài những thị trường truyền thống ngành may mặc cần tìm kiếm thị trường khác. Đồng thời, xem kỹ phát triển thị trường nội địa. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản, bởi vì xét quy mô nhỏ ở từng doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp có thể tìm kiếm các thị trường ngách, bù đắp một phần thiệt hại từ thị trường Mỹ và EU. Nhưng xét đến quy mô toàn ngành, việc tìm kiếm thị trường khác có dung lượng đủ lớn để thay thế cho thị trường Mỹ và EU là không khả quan.
Còn đối với thị trường nội địa, theo giới kinh doanh trong ngành, nhu cầu dệt may nội địa chỉ khoảng 5 tỷ USD/năm, trong khi năng lực sản xuất của cả ngành vào khoảng 40 tỷ USD/năm.