Ngành ngân hàng cần làm gì để đón làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0?
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang diễn ra với tốc độ nhanh, tác động đến mọi mặt trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Mặc dù không nằm trong 9 khu vực, lĩnh vực được đánh giá là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng làn sóng công nghệ mới này đang tạo ra những thay đổi rõ rệt trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, đặc biệt làm thay đổi kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống. Nhận diện những cơ hội và thách thức đến từ Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với hệ thống ngân hàng, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm giúp ngành Ngân hàng ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0 vào thực tiễn hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Vài nét về Cách mạng công nghiệp 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) kế thừa những thành tựu lớn của CMCN lần 3 để lại, hình thành trên nền tảng cải tiến của cuộc cách mạng số với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, SMAC (nền tảng công nghệ phát triển thông minh bao gồm social, media, mobile, analytics, cloud), công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới... Như vậy, CMCN 4.0 là môi trường thông minh, có kết nối internet, có tập hợp dữ liệu lớn với những đặc điểm như: Tốc độ thay đổi nhanh chóng; Tác động rộng và sâu (mọi mặt cuộc sống và mọi chủ thể - cá nhân, gia đình, doanh nghiệp, quốc gia và toàn cầu); Kết nối, chia sẻ dữ liệu là nhân tố chính; Có tác động tích cực về lâu dài nhưng tiêu cực trong ngắn hạn; Kết hợp nhiều công nghệ, hoạt động khác nhau; Kết nối giữa thực và ảo; Thay đổi dòng thông tin - dữ liệu, tri thức, vai trò của doanh nghiệp và cá nhân.
Hiện nay, có 3 trụ cột quan trọng để phát triển công nghiệp 4.0, đó là: công nghệ vật lý, công nghệ số và công nghệ sinh học. Trong đó, công nghệ số liên quan đến rất nhiều ứng dụng trong lĩnh vực ngân hàng, bao gồm các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, học máy, điện toán đám mây, blockchain…
Cơ hội và thách thức đặt ra cho ngành Ngân hàng từ ứng dụng công nghệ 4.0
Nhận biết được tầm quan trọng và sự tác động mạnh mẽ của CMCN 4.0, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp, hành động nhằm tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0 của toàn hệ thống. Với phương châm đem lại nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích, an toàn cho khách hàng, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đã đẩy mạnh đầu tư ứng dụng các công nghệ vào trong hoạt động, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đem lại sự trải nghiệm tối ưu nhất cho khách hàng sử dụng dịch vụ.
Theo thống kê của Tập đoàn BamBoo Capital, đến năm 2018, việc kinh doanh sử dụng công nghệ số sẽ đóng góp 44% doanh thu ngân hàng (tăng so với mức 32% năm 2014). Số liệu tính toán của Công ty tư vấn kinh doanh AT Kearney đưa ra trong năm 2015 cũng dự báo: Đến năm 2020, tài sản do các chuyên gia tư vấn trực tuyến tự động quản lý sẽ tăng 68%/năm, lên đến 2.200 tỷ USD…
Qua nghiên cứu có thể thấy, làn sóng công nghệ từ CMCN 4.0 đã mang đến những cơ hội lớn cho hệ thống ngân hàng Việt Nam trong quá trình phát triển trên nhiều khía cạnh như: Gia tăng việc tiếp cận thị trường quốc tế cho các ngân hàng trong nước; Tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại; Nâng cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng theo hướng hiện đại, hiệu quả hơn để gia tăng lợi nhuận. Từ đó, giúp các ngân hàng Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Trong thực tế, các công nghệ số, công nghệ mới gắn với CMCN 4.0 không chỉ giúp chuyển dịch kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống từ các chi nhánh, quầy giao dịch, ATM vật lý sang các kênh số hóa, giúp tương tác khách hàng nhiều hơn và hiệu quả hơn; Đồng thời, còn có khả năng thay đổi mô hình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, cấu trúc sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa, từ đó giúp các ngân hàng từng bước chuyển đổi thành ngân hàng số, cung cấp tiện ích, trải nghiệm mới mẻ và đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng.
Nghiên cứu cho thấy, với sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0, các ngân hàng Việt Nam đã bước đầu tiếp cận và mở rộng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp đến những người dân hiện chưa có tài khoản ở vùng sâu, vùng xa với chi phí hợp lý, góp phần đẩy mạnh phổ cập tài chính quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 còn giúp các ngân hàng nâng cao lợi nhuận, đảm bảo tính sẵn sàng cao cho hệ thống ngân hàng trong bối cảnh mới. Theo thống kê của Tập đoàn BamBoo Capital, đến năm 2018, việc kinh doanh sử dụng công nghệ số sẽ đóng góp 44% doanh thu ngân hàng (tăng so với mức 32% năm 2014). Số liệu tính toán của Công ty tư vấn kinh doanh AT Kearney đưa ra trong năm 2015 cũng dự báo: Đến năm 2020, tài sản do các chuyên gia tư vấn trực tuyến tự động quản lý sẽ tăng 68%/năm, lên đến 2.200 tỷ USD…
Không chỉ vậy, CMCN 4.0 còn tạo ra những bước tiến mới trong thay đổi cách giao tiếp và xử lý nghiệp vụ thông qua tương tác và giao tiếp điện tử của hệ thống ngân hàng. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, sự xuất hiện của điện thoại thông minh đã thay đổi cách con người giao tiếp và tương tác, kéo theo sự thay đổi trong kênh phân phối, mạng lưới bán hàng và cách thiết kế sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng. Bùi Quang Tiên (2017) cho rằng, nhờ ứng dụng kỹ thuật số, các sản phẩm của ngân hàng có thể tích hợp được với nhiều sản phẩm dịch vụ phụ trợ để làm hài lòng khách hàng. Theo thống kê, lượng tài khoản cá nhân mở tại các NHTM trên cả nước đạt khoảng 68,7 triệu tài khoản, khoảng 70 NHTM đã cung cấp dịch vụ thanh toán qua internet và khoảng 36 NHTM cung cấp dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Cùng với đó, NHNN cũng đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 21 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán).
Tóm lại, việc áp dụng các nguyên tắc của CMCN 4.0, các vấn đề như giao diện lập trình ứng dụng, phân phối liền mạch hay phân tích thông minh sẽ là xu hướng ứng dụng phổ biến trong hoạt động phát triển sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao của các ngân hàng. Ngoài ra, dữ liệu lớn và phân tích hành vi khách hàng cũng đang trở thành xu hướng tương lai trong thời đại công nghệ số, nhờ vào việc công nghệ hỗ trợ có thể thu thập dữ liệu bên trong và bên ngoài thông qua tổ chức phân tích hành vi khách hàng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại giá trị gia tăng, góp phần tiết giảm chi phí và hỗ trợ cho các quá trình ra quyết định…
Bên cạnh những cơ hội mở ra từ CMCN 4.0, ngành Ngân hàng cũng đang đối diện với khá nhiều thách thức trong việc ứng dụng công nghệ 4.0, cụ thể như: Còn thiếu khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách liên quan đến việc vận hành các dịch vụ, phương tiện thanh toán trực tuyến, điện tử mới, hiện đại, tiền ảo, thẻ ảo, tiền điện tử… Đây là những vấn đề mới và phức tạp, cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tế.
Mô hình kinh doanh, quản trị và thanh toán cũng cần được xem xét lại để phù hợp với xu hướng quản trị thông minh trí tuệ nhân tạo, mô hình ngân hàng di động, ngân hàng không giấy, ngân hàng số, thanh toán điện tử. Đặc biệt, sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số cũng kéo theo sự gia tăng lỗ hổng bảo mật, khiến tội phạm công nghệ cao hoạt động ngày càng thường xuyên. Do vậy, thách thức cho toàn ngành Ngân hàng Việt Nam nói chung và cho lĩnh vực thanh toán nói riêng trong bối cảnh CMCN 4.0 chính là vấn đề an toàn cho hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán. Vấn đề bảo mật thông tin và vấn đề về các loại tội phạm công nghệ cao cũng đặt ra những thách thức về trình độ, năng lực, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin. Chưa kể, sự cạnh tranh giữa các ngân hàng số và các công ty tài chính - công nghệ Fintech ngày càng tinh vi và khốc liệt hơn. Sự bùng nổ của tiền kỹ thuật số đã, đang tác động tới hệ thống thanh toán và thị trường tiền tệ và trở thành thách thức lớn đối với hệ thống ngân hàng...
Giải pháp giúp hệ thống ngân hàng ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0
Trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới hiện nay, đòi hỏi đặt ra với ngành Ngân hàng là phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ vào trong hoạt động, đem lại sự trải nghiệm tối ưu nhất cho khách hàng sử dụng dịch vụ, cụ thể:
Về phía cơ quan quản lý, NHNN tiếp tục rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện hành lang pháp lý tạo thuận lợi, hỗ trợ cho sự phát triển, hoạt động của ngân hàng số. Bên cạnh đó, triển khai nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán quốc gia quan trọng như Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; đồng thời, thúc đẩy việc sớm ra đời và đưa vào vận hành Hệ thống bù trừ điện tử tự động phục vụ cho các giao dịch thanh toán bán lẻ với tính năng hoạt động 24x7x365, thanh toán thời gian thực, xử lý đa kênh, đa phương tiện. Đồng thời, tiếp tục triển khai các mô hình thanh toán mới tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng, triển khai Chiến lược Quốc gia về phổ cập tài chính tại Việt Nam; Thúc đẩy thanh toán điện tử dịch vụ công trong khu vực Chính phủ. Nghiên cứu, ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực ngân hàng. Đặc biệt, là cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ…
Về phía hệ thống NHTM, cần tích cực hơn nữa trong việc nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp, công nghệ mới đột phá như: Các giải pháp thanh toán đổi mới, sáng tạo (thanh toán di động qua mã QR chuẩn hóa, số hóa thông tin thẻ - Tokenization, công nghệ thanh toán thẻ chíp đối với thẻ nội địa…); xây dựng nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu mở qua giao diện lập trình ứng dụng, các công nghệ mới như: Phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện lợi, giá cả hợp lý theo hướng số hóa, thông minh, đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng trong kỷ nguyên số; Đầu tư thích đáng để có được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp Fintech, để tận dụng mô hình kinh doanh tinh gọn, khai thác được những ưu thế quản lý rủi ro vững mạnh, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong cung ứng dịch vụ, đem lại lợi ích thiết thực về giảm chi phí, tăng tiện ích, thuận lợi cho khách hàng và góp phần đắc lực phổ cập tài chính địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Không chỉ vậy, các NHTM cần tăng cường thu thập, phân tích, khai thác dữ liệu khách hàng từ việc ứng dụng, triển khai các công nghệ mới, đột phá như phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chia sẻ dữ liệu mở thông qua hợp tác, tạo dựng hệ sinh thái số, kết nối mới với các nền tảng số bên ngoài... qua đó, nắm bắt hành vi, sở thích, thấu hiểu nhu cầu, mong muốn khách hàng để tăng cường trải nghiệm, tạo sự hài lòng và gắn kết khách hàng.
Đối với vấn đề an ninh bảo mật, các NHTM cần tiếp tục đầu tư nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, đồng thời tăng cường công tác cảnh báo, khuyến cáo khách hàng cần cẩn trọng khi giao dịch ngân hàng điện tử. Có thể thấy, muốn thực hiện tốt việc bảo mật an ninh lĩnh vực ngân hàng - tài chính đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ từ 3 phía: khách hàng, ngân hàng và cơ quan quản lý. Nếu thiếu bất cứ thành phần nào, việc đảm bảo an toàn an ninh toàn hệ thống sẽ khó thực hiện. Theo đó, các ngân hàng và các định chế tài chính cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trung tâm Dự phòng dữ liệu (khôi phục dữ liệu sau thảm họa); Nâng cấp hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao; Đảm bảo việc mở rộng phạm vi hoạt động (nếu có) được ổn định, an toàn, mang lại hiệu quả lâu dài.
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020;
2. Viện Chiến lược ngân hàng (2016), Báo cáo đánh giá tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và một số định hướng hoạt động của ngành Ngân hàng Việt Nam;
3. Vụ Thanh toán (2016), Báo cáo kết quả triển khai Quyết định số 2453/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015;
4. Bùi Quang Tiên (2017), Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành Ngân hàng Việt Nam và cơ hội, thách thức đối với lĩnh vực thanh toán;
5. Cấn Văn Lực (2018), Cơ hội, thách thức và giải pháp đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.