Ngành ngân hàng cần nắm bắt cơ hội và vượt thách thức của cuộc CMCN 4.0
Toàn ngành ngân hàng cần nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức từ tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) nhằm nâng cao sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển của ngành ngân hàng Việt Nam so với khu vực và thế giới.
Đây là ý kiến của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh tại Diễn đàn Việt Nam về ngân hàng và tài chính (lần thứ 4) năm 2019 được khai mạc tại Học viện Ngân hàng vào ngày 24/10.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh nhận định: những chia sẻ, trao đổi của các chuyên đề sẽ mang lại những giá trị thiết thực cho việc điều hành của Ngân hàng Trung ương và hoạt động của ngành ngân hàng.
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) mở ra nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức to lớn với sự phát triển của lĩnh vực tài chính ngân hàng, đòi hỏi mỗi chủ thể hoạt động lĩnh vực này phải nhanh chóng thay đổi nhận thức, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực và chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp này.
Chính phủ Việt Nam đã xác định rõ vai trò của cuộc CMCN 4.0 đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tận dụng được những cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại có thể giúp các nước đang phát triển như Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển kinh tế với các quốc gia tiên tiến. Ngày 8/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 986/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều biến động khó lường, quan điểm phát triển ngành ngân hàng Việt Nam được xác định bao gồm ổn định hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng, làm tiền đề ổn định tiền tệ-tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững.
Thực hiện Chiến lược được Thủ tướng phê duyệt, thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai có hiệu quả các giải pháp chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, ngành ngân hàng đang nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động thanh toán, đổi mới công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển sản phẩm và dịch vụ ngân hàng hiện đại dựa trên thành tựu của cách mạng số, tăng cường an ninh bảo mật thông qua việc tăng cường hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin tiên tiến.
“Toàn ngành ngân hàng cần nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức từ tác động của cuộc CMCN 4.0 nhằm nâng cao sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển của ngành ngân hàng Việt Nam so với khu vực và thế giới”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Được biết, Diễn đàn Việt Nam về Ngân hàng và tài chính là một diễn đàn học thuật về các chủ đề trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng được tổ chức định kỳ hằng năm, với mục đích tăng cường trao đổi, hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các nhà khoa học đầu ngành trong nước và quốc tế.
Diễn đàn do Hiệp hội Các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam, Học viện Ngân hàng, Hiệp hội Quốc tế vì Sự phát triển của Kinh tế - Tài chính, Trường Kinh doanh IPAG và Trường kinh doanh Nam Champagne (Pháp) phối hợp tổ chức với mục tiêu tạo ra một diễn đàn học thuật cho các học giả, nghiên cứu sinh và nhà làm thực tiễn trình bày kết quả nghiên cứu, thảo luận về các vấn đề thách thức trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tiền tệ và kinh tế vĩ mô.
Các đại biểu sẽ cùng nhau trao đổi và thảo luận trong 3 ngày với các chủ đề tài chính – ngân hàng như: quản trị doanh nghiệp, tài chính doanh nghiệp, định giá và phân bổ tài sản, quản lý danh mục đầu tư và rủi ro, tài chính hành vi, tính hiệu quả của thị trường, thị trường tài chính ở các quốc gia mới nổi, phát triển tài chính xanh và bền vững, thị trường vốn trong bối cảnh hội nhập, liên kết tài chính và vĩ mô, hoạt động ngân hàng tại các quốc gia châu Á, quy định trong hoạt động ngân hàng, fintech...
Diễn đàn được tổ chức với 39 phiên thảo luận, gồm 3 phiên tổng thể, 36 phiên song song với 121 báo cáo được lựa chọn trình bày, giới thiệu, trong đó, 2 phiên chuyên đề về “Ngân hàng Trung ương và hoạt động quản lý” và “Công nghệ tài chính và công nghệ quản lý”.