Ngành Ngân hàng cần 'ưu tiên' tín dụng cho nhà ở xã hội
Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi, dòng tiền 2,5 triệu tỷ đồng được bơm ra sẽ tác động toàn diện đến tất cả các lĩnh vực, tạo cú hích cho sự tăng trưởng đầy triển vọng trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngành Ngân hàng cần phải quản trị rủi ro, phân bổ dòng vốn vào các lĩnh vực cụ thể và phù hợp hơn. Đối với thị trường bất động sản cần có sự kiểm soát, điều phối nguồn vốn đúng và trúng với nhu cầu thực, đặc biệt là đối với phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động có nhu cầu sử dụng. Tránh để tình trạng bong bóng xảy ra gây lãng phí và thất thoát như đã từng.
Dòng vốn cần được tập trung lĩnh vực ưu tiên để kiểm soát lạm phát
Thị trường bất động sản có thể đón nhiều làn sóng đầu tư trong thời gian tới khi tín dụng nới lỏng được phát đi, dòng tiền rẻ được bơm ra trong bối cảnh thị trường phục hồi. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng vẫn cần được kiểm soát nhằm tránh rủi ro cho thị trường và nền kinh tế.

NHNN cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16%, tương đương với 2,5 triệu tỷ đồng sẽ được "bơm" ra thị trường.
Sau một thời gian dài giảm dần lãi suất và khối lượng phát hành, đến ngày 5/3/2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức dừng phát hành tín phiếu, phát đi tín hiệu mạnh mẽ về định hướng nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ kéo giảm mặt bằng lãi suất thị trường theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Dù chưa có động thái giảm lãi suất điều hành, nhưng lãi suất huy động đã giảm khá nhanh trong thời gian gần đây, sau khi NHNN “tuýt còi” các ngân hàng tăng lãi suất huy động trên thị trường 1 (nơi diễn ra các giao dịch giữa các định chế tài chính với doanh nghiệp và người dân).
Cụ thể, NHNN cho hay, từ sau cuộc họp với NHNN (ngày 25/2/2025) đến ngày 25/3/2025, đã có 24 ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước điều chỉnh giảm lãi suất như Bản Việt, Hàng Hải, PGBank, SHB, (NCB, VCBNeo, BIDV, Techcombank, OCB),... với mức giảm từ 0,1-1,05%/năm tùy theo từng kỳ hạn.
VARS cho rằng, “dòng tiền rẻ” được bơm ra thị trường chắc chắn sẽ tìm đến các kênh đầu tư có tiềm năng sinh lời tốt và có khả năng tích trữ tài sản lâu dài. Trong bối cảnh vàng đã tăng lên mức cao kỷ lục và biến động lớn, thì bất động sản (BĐS) và chứng khoán sẽ là những lựa chọn hàng đầu để dòng tiền trú ẩn. Đặc biệt là BĐS, vốn nhạy cảm với các chu kỳ tiền tệ có thể sớm phản ứng với đà giảm lãi suất, tạo ra sóng đầu tư mới trong thời gian tới. Nhất là trong bối cảnh thị trường BĐS đang phục hồi và NHNN có nhiều động thái cho thấy sự gia tăng cấp tín dụng cho lĩnh vực BĐS.
Theo số liệu từ NHNN, tính đến cuối tháng 9/2024, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ, tăng 9,15% so với cuối năm ngoái và cao hơn 0,15% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành Ngân hàng đưa ra năm nay, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, nhu cầu thêm 2,5 triệu tỷ đồng cho vay ra nền kinh tế, ngành Ngân hàng sẽ có nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp. Trường hợp nền kinh tế đạt tăng trưởng 10% thì tín dụng tăng 20%, tương ứng với hơn 3-3,2 triệu tỷ đồng bơm ra thị trường. Để tín dụng ngân hàng hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, tín dụng sẽ tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, đầu tư, sản xuất kinh doanh, xuất khẩu… Đặc biệt ngân hàng sẽ tập trung cho tín dụng tiêu dùng như mua nhà ở xã hội.
Nguồn cung BĐS đang trên đà phục hồi, tăng trưởng tích cực
Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, trong năm 2024, thị trường BĐS ghi nhận khoảng 65,376 sản phẩm chào bán mới, gấp khoảng 3 lần so với năm 2023. Nguồn cung BĐS nhà ở năm 2025 dự kiến cũng sẽ phục hồi trên diện rộng với mức tăng khoảng 10% so với năm 2024. Trong trung hạn, nguồn cung nhà ở sẽ tiếp tục xu hướng tăng, từ các dự án BĐS được tháo gỡ khó khăn trong thời gian qua và được cấp phép mới, bao gồm cả các dự án nhà ở xã hội.
Cụ thể, trong năm 2024, đã có 210 dự án BĐS được tháo gỡ (theo thống kê của Bộ Xây dựng), tái triển khai trở lại. Số lượng dự án được cấp phép mới trong năm 2024 cũng tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm trước và sẽ tiếp tục xu hướng tăng. Bởi VARS tin rằng, thời gian tới, khi các bộ Luật mới liên quan đến nhà ở, đất đai và kinh doanh BĐS được triển khai, cùng với kế hoạch sáp nhập các tỉnh, thành, sẽ hạn chế các bất cập, tồn tại, hỗ trợ giảm bớt nhiều thủ tục, pháp lý thực hiện dự án.
Một số dự án đã được khởi công từ cuối năm 2024 được kể đến đầu tiên là dự án Khu nhà ở xã hội Phú Lãm, phường Phú Lãm, quận Hà Đông do Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dự án đủ điều kiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội (căn thuê chuyển bán) sau 05 năm cho thuê. Thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội dự án Khu nhà ở xã hội Phú Lãm từ ngày 20/01/2025 đến hết ngày 10/03/2025.
Tiếp đến là dự án nhà chung cư cao tầng CT2A thuộc Khu nhà ở Thạch Bàn, phường Thạch bàn, quận Long Biên. Dự án do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư với tổng số 414 căn hộ. Sở Xây dựng cho biết, dự án được phép tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội tại sau 05 năm cho thuê.
Một dự án nhà ở xã hội khác cũng đủ điều kiện mở bán, tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua dự kiến vào quý IV năm nay là dự án nhà ở xã hội Hạ Đình được xây dựng tại ô đất NO1 Khu đô thị mới Hạ Đình (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì).
Trước đó, hồi cuối năm 2024, Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng khởi công Dự án khu nhà ở xã hội xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh (Thành phố Hà Nội), với tổng mức đầu tư hơn 630 tỷ đồng. Dự án xây dựng trên khu đất có diện tích 15.286m2, với 4 khối nhà cao 9 tầng + 1 tầng hầm; tổng số căn hộ 466 căn (từ 40m2 đến 76,7m2), dự kiến hoàn thành vào quý IV/2026.
Quá trình tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo nhu cầu BĐS tăng cao ở tất cả các phân khúc, từ căn hộ đến văn phòng cho thuê, nhà xưởng, bất động sản bán lẻ… Để đón đầu cơ hội, doanh nghiệp và nhà đầu tư BĐS cần có chiến lược phù hợp để thích nghi với sự thay đổi của thị trường tín dụng.
Theo đó, doanh nghiệp cần tập trung vào các phân khúc sản phẩm phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân, ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, căn hộ trung cấp để dễ dàng tiếp cận vốn vay. Đồng thời tăng khả năng hấp thụ sản phẩm khi người mua nhà để ở tận dụng lợi thế về tín dụng.