Ngành ngân hàng: Đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh tếTin khác47 năm sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nướcChủ động nắm bắt 'cơ hội vàng' phục hồi, phát triển du lịch Xứ Lạng
Những năm qua, ngành ngân hàng tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm gia tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng qua kênh chính thức, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân và doanh nghiệp.'Thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, phát triển đa dạng các mô hình giao dịch mới, ứng dụng công nghệ, phát triển ngân hàng số; đa dạng các sản phẩm tín dụng ưu đãi phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân; cải tiến, đổi mới thủ tục giao dịch theo hướng tinh gọn, hiện đại nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn vay, góp phần tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn thông qua các kênh tín dụng chính thức'.
Năm 2015, gia đình ông Lô Văn Đức, khu Thống Nhất, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng đầu tư chăn nuôi thỏ với số lượng khoảng 500 con, một phần từ nguồn vốn của gia đình và một phần vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Chi Lăng (Agribank Chi Lăng) với số tiền 100 triệu đồng. Nhờ chăn nuôi hiệu quả, đầu năm 2021, gia đình ông tiếp tục vay 400 triệu đồng tại Agribank Chi Lăng để mở rộng quy mô chuồng trại và tăng đàn lên 1.000 con thỏ/lứa, trung bình mỗi tháng, gia đình ông xuất bán ra thị trường 300 con thỏ thịt, thu về 30 triệu đồng.
Ông Đức cho biết: Thời điểm cần vốn, đã có lúc tôi tính đến việc vay “nóng” ở bên ngoài cho nhanh, nhưng sau khi được tư vấn, tôi đã đến Agribank Chi Lăng. Thực tế cho thấy, việc vay vốn tại đây rất thuận lợi, thủ tục nhanh gọn, giải ngân kịp thời, lãi suất ưu đãi. Lượng vốn vay đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh của gia đình, do vậy, gia đình tôi yên tâm phát triển kinh tế.
Không chỉ gia đình ông Đức, thời gian qua, Agribank Lạng Sơn đã đẩy mạnh phát triển, cung ứng các sản phẩm để người dân được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng nhanh chóng, thuận lợi. Ông Trịnh Xuân Đoan, Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Những năm qua, ngân hàng đã đẩy mạnh cung ứng vốn cho địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Đến nay, tổng dư nợ của chi nhánh đạt 11.258 tỷ đồng, tăng 86 tỷ đồng so với 31/12/2021, với 44.558 khách hàng vay vốn, trong đó, cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn chiếm 66% tổng dư nợ. Ngoài ra, Agribank Lạng Sơn đã đơn giản hóa tối đa thủ tục cho vay đối với các khoản vay tiêu dùng nhỏ lẻ ở khu vực nông thôn với hạn mức vay thấu chi 30 triệu đồng. Góp phần nâng cao đời sống người dân và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn.
Tương tự, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Lạng Sơn (BIDV Lạng Sơn) cũng triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi đối với khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp.
Ông Bế Văn Ánh, Giám đốc BIDV Lạng Sơn cho biết: Nhằm đảm bảo nguồn vốn cho người dân phát triển kinh tế, BIDV Lạng Sơn đã giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi COVID-19; triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng ngắn hạn hỗ trợ cho vay khách hàng cá nhân sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi dịch; gói tín dụng phục vụ nhu cầu mua nhà ở, mua ô tô, nhu cầu đời sống với lãi suất ưu đãi, thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5% – 1,0%/năm.
Ngoài hai ngân hàng trên, thời gian qua, việc phát triển mạng lưới nhằm gia tăng tiếp cận đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của Nhân dân luôn được các ngân hàng trên địa bàn tỉnh chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 16 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) cấp tỉnh; 12 chi nhánh cấp huyện, thành phố; 48 phòng giao dịch. Ngành ngân hàng đã tập trung triển khai nhiều chương trình tín dụng.
Để đảm bảo nguồn vốn cho vay phát triển kinh tế, Ngân hàng Nhà nước tỉnh thường xuyên chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhu cầu tiêu dùng chính đáng phục vụ đời sống của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, ngành ngân hàng đã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; chỉ đạo các TCTD tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến.
Nhờ các giải pháp đó, đến nay, tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn đạt 37.618 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2021. Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 18.306 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng dư nợ toàn địa bàn, với 108.869 khách hàng còn dư nợ. Các chương trình tín dụng chính sách tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt trên 3.301 tỷ đồng, chiếm 8,8% dư nợ toàn địa bàn, với 81.269 hộ còn dư nợ. Đặc biệt, các ngân hàng đã không ngừng đổi mới, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tạo thuận lợi cho khách hàng khi có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Với sự chủ động của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, ngành ngân hàng đã góp phần quan trọng hỗ trợ nguồn vốn cho người dân, doanh nghiệp để phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.