Ngành Ngân hàng giảm lãi suất huy động song song với đảm bảo nguồn vốn
Trong bối cảnh các Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) đồng loạt giảm lãi suất huy động vốn, đến hết tháng 5/2023, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh vẫn tăng trưởng 5% so với cuối năm 2022. Nguồn vốn được đảm bảo song song với các đợt giảm lãi suất huy động là điều kiện để ngành Ngân hàng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nâng cao khả năng hỗ trợ, phục hồi và phát triển các thành phần kinh tế.
Từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất huy động vốn tại các NHTMCP đã giảm đáng kể, dao động từ 0,5 - 1%/năm. Hiện nay, lãi suất huy động tại các NHTMCP phổ biến ở mức 0,2 - 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 5 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 - 6 tháng; 6 - 7,3%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 - 12 tháng; 7,3 - 8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng.
Song song với giảm lãi suất huy động, các NHTMCP đã triển khai các giải pháp tăng khả năng huy động vốn, đảm bảo cân đối nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay, hỗ trợ phục hồi và phát triển các thành phần kinh tế.
Là NHTMCP lớn trên địa bàn tỉnh, đến hết tháng 5/2023, tổng nguồn vốn của Vietcombank Vĩnh Phúc (VCB) đạt 9.985 tỷ đồng, tăng 561 tỷ đồng so với cuối năm 2022.
Từ đầu năm 2023 đến nay, VCB đã liên tục 5 lần giảm lãi suất huy động vốn; trong đó, đối với khách hàng là tổ chức, VCB giảm 0,8%/năm với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng, 0,5%/năm đối với tiền gửi trên 6 tháng; đối với khách hàng cá nhân, ngân hàng đã giảm 0,8%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng, 0,5%/năm đối với tiền gửi từ 6 - 12 tháng và 0,6%/năm đối với tiền gửi trên 12 tháng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc VCB Vĩnh Phúc cho biết: “Để đảm bảo nguồn vốn trong hoạt động, chi nhánh đã xây dựng kế hoạch huy động vốn linh hoạt, hiệu quả, trọng tâm là gia tăng tỷ trọng nguồn vốn giá rẻ.
Hiện nay, chi nhánh đang đẩy mạnh dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính Nhà nước…, đồng thời, gia tăng phát triển các tài khoản cá nhân, khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử để tăng nguồn vốn huy động không kỳ hạn.
Mặt khác, chi nhánh triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển khách hàng huy động vốn mới, huy động vốn từ khu vực dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội, giữ vững và nâng cao thị phần đối với các khách hàng cũ, đặc biệt là nhóm khách hàng có đóng góp cao về nguồn vốn.
Với lợi thế là ngân hàng tiên phong đối với các giao dịch ngoại hối, chi nhánh đang tập trung phát triển nhóm khách hàng là doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, duy trì và phát triển mối quan hệ với các khách hàng hiện hữu để tận dụng nguồn tiền nhàn rỗi từ nhóm khách hàng tiềm năng này”.
Với tổng dư nợ luôn nằm trong top đầu của hệ thống Agribank Vĩnh Phúc, đến hết tháng 5/2023, tổng nguồn vốn huy động của Agribank chi nhánh Thổ Tang (Vĩnh Tường) đạt 900 tỷ đồng, tăng 40 tỷ đồng so với cuối năm 2022.
Đánh giá về tình hình huy động vốn những tháng đầu năm, ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Agribank chi nhánh Thổ Tang cho biết: “Mặt bằng lãi suất huy động có giảm, song thời điểm hiện tại, các hoạt động đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, vàng… tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn và sinh lời ổn định.
Tổng dư nợ 5 tháng đầu năm của chi nhánh đạt 1.340 tỷ đồng, giảm 60 tỷ đồng so với cuối năm 2022, trong khi huy động vốn vẫn đạt mức tăng trưởng ổn định. Nắm bắt vấn đề này, thời gian qua, chi nhánh đã đẩy mạnh triển khai các sản phẩm huy động vốn ưu đãi của hệ thống Agribank đến với khách hàng.
Do đặc thù hoạt động trên địa bàn phát triển thương mại - dịch vụ, ngoài nguồn vốn huy động tại địa phương, chi nhánh cũng nhận được vốn điều hòa từ hội sở chính để tăng nguồn thu, bù đắp thanh khoản, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế”.
Theo số liệu từ NHNN tỉnh, đến hết tháng 5/2023, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 115.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2022; trong đó, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế đạt 37.280 tỷ đồng, giảm 5,6% so với cuối năm 2022, chiếm 32,4% tổng nguồn vốn; tuy nhiên, tiền gửi tiết kiệm lại có mức tăng trưởng mạnh, đạt 76.600 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm cuối năm 2022, chiếm 66% tổng nguồn vốn.
Mới đây, NHNN đã thông báo 2 quyết định điều hành lãi suất quan trọng, trong đó, giảm 0,5%/năm lãi suất tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng và trần lãi suất huy động.
Biện pháp hạ lãi suất điều hành của NHNN là cơ sở để các NHTMCP, tổ chức tín dụng trên địa bàn giảm lãi suất huy động, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, nâng cao khả năng hỗ trợ, phục hồi và phát triển các thành phần kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.