Ngành ngân hàng hóa giải sức ép

Năm 2024, ngành ngân hàng tiếp tục thể hiện sức chống chịu tốt trước những sức ép đến từ biến động vĩ mô quốc tế cũng như nền kinh tế trong nước. Điều này kỳ vọng tiếp tục duy trì trong năm 2025 với dự báo có nhiều biến động phức tạp.

Ngành ngân hàng có đóng góp quan trọng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô trong năm qua.

Ngành ngân hàng có đóng góp quan trọng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô trong năm qua.

Lãi suất đi ngang

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng đạt 12,81% tính đến ngày 18/12/2024, tăng 0,31 điểm phần trăm trong vòng 10 ngày, trước đó đạt 12,5% vào ngày 7/12/2024 với mức tăng 0,6 điểm phần trăm chỉ trong một tuần, phản ánh nhu cầu tín dụng tăng tốc về cuối năm.

“Điều này khuyến khích các ngân hàng cạnh tranh thông qua việc tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động để thu hút vốn mới và thực tế, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động từ những tuần cuối của tháng 11/2024”, TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế đánh giá.

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, bước sang năm 2025, dư địa điều hành chính sách tiền tệ của NHNN có thể hạn chế hơn trong bối cảnh chỉ số đồng đô-la Mỹ (DXY) có thể “duy trì cao hơn trong thời gian dài hơn” do các chính sách của Tổng thống Donald Trump.

“Mặc dù hiện tại chúng tôi chưa nhận thấy động cơ để NHNN tăng lãi suất điều hành vào năm 2025, đặc biệt khi các ngân hàng trung ương khác trong khu vực đang theo xu hướng cắt giảm. Việc mặt bằng lãi suất huy động tăng lên, dù ở tốc độ vừa phải, sẽ tiếp diễn trong thời gian tới và xu hướng này chịu tác động lớn từ nhu cầu tín dụng cũng như áp lực tỷ giá dai dẳng”, ông Hinh nói, đồng thời cho rằng, bất chấp những trở ngại, NHNN sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao ở mức 14-15% để hỗ trợ kế hoạch tăng trưởng GDP đầy tham vọng trong năm 2025.

Nhu cầu tín dụng tăng sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh huy động vốn giữa các ngân hàng. Theo đó, dự báo lãi suất huy động bình quân 12 tháng có thể tăng khoảng 0,3%/năm lên mức 5,2-5,3%/năm vào cuối năm 2025.

“Nhìn chung, lãi suất huy động bình quân năm 2025 sẽ tăng nhẹ, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với thời điểm trước dịch Covid-19 (khi lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân đạt 6,8-7%/năm). Điều này giúp duy trì môi trường lãi suất cho vay thấp, khuyến khích người dân mở rộng đầu tư, kinh doanh và tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Hinh bình luận.

Đồng quan điểm, một lãnh đạo cao cấp Vietcombank cho rằng, nhiều khả năng lãi suất huy động sẽ duy trì đi ngang đến từ nỗ lực thúc đẩy tín dụng trong năm 2025 của NHNN cùng với định hướng “tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp”.

Tương tự, mặt bằng lãi suất cho vay cũng duy trì ở mức thấp cho giai đoạn 2024-2025 theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế khi xét đến các yếu tố: Lãi suất huy động tăng nhẹ tạo áp lực nhất định lên lãi suất cho vay; room tín dụng dồi dào làm tăng cạnh tranh tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng và giúp duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp.

“Mặt bằng lãi suất cho vay trong ngắn hạn sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu… theo các chương trình ưu đãi về lãi suất, dẫn đến lãi suất có thể tiếp tục giảm nhẹ. Đồng thời, lãi suất ở nhóm ngành có mức độ hồi phục nhanh hơn và rủi ro hơn như bất động sản và xây dựng sẽ điều chỉnh tăng theo đà tăng của lãi suất huy động”, vị lãnh đạo Vietcombank nói.

Tỷ giá: Áp lực không nhỏ

Theo ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối Ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, mối quan ngại về tỷ giá có thể tái diễn như một vấn đề đối với cơ quan điều hành.

Việt Nam từng bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách “quốc gia thao túng tiền tệ” vào tháng 12/2020, trước khi được xóa khỏi danh sách này vào tháng 4/2021.

Dẫu vậy, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách giám sát gần đây nhất của Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Mặc dù việc có tên trong danh sách có ít tác động trực tiếp trong ngắn hạn, nhưng có khả năng các nhà chức trách Hoa Kỳ sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu thương mại của Việt Nam.

“Bên cạnh các tác động từ chính sách điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế, đây cũng là một những yếu tố cân nhắc cho xu hướng tỷ giá sắp tới.

Trong khi đó, với sự phục hồi chưa đồng đều cùng mục tiêu tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, kỳ vọng NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 4,5%/năm cho đến cuối năm 2025”, ông Khoa nói.

Tỷ lệ nợ nhóm 2 giảm cùng với LLR, nhưng tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng cho thấy áp lực đáng kể từ việc nợ xấu tăng trong quý cuối năm 2024. Nhu cầu tín dụng yếu trong 10 tháng đầu năm 2024 góp phần đáng kể vào xu hướng này. Ước tính, tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm 2024 sẽ không thấp hơn cuối quý III/2024.

Còn ông Đinh Quang Hinh đánh giá, việc ông Donald Trump chính thức nhậm chức cùng với lộ trình chính sách tiền tệ năm 2025 của Fed sẽ có những tác động lớn đến diễn biến đồng USD, ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá tiền đồng ở 2 góc độ:

Thứ nhất, liên quan đến tác động chính sách của ông Trump đối với “đồng bạc xanh”, các biện pháp hiện được đề xuất như áp thuế nhập khẩu và giảm thuế doanh nghiệp Mỹ có thể gây áp lực lạm phát, buộc Fed phải đánh giá cẩn thận dữ liệu kinh tế sắp tới của Mỹ trước khi có những bước cắt giảm lãi suất tiếp theo, điều này khiến USD mạnh hơn.

Tuy nhiên, trước đây, ông Trump từng bày tỏ lo ngại về tác động bất lợi của việc USD mạnh lên đối với hàng xuất khẩu của Mỹ.

“Mặc dù chỉ số DXY tăng mạnh kể từ khi ông Trump đắc cử do những lo ngại về thuế quan, nhưng chúng tôi tin rằng, tân Tổng thống Mỹ cuối cùng sẽ tìm cách hạ nhiệt đồng USD để hỗ trợ xuất khẩu của nước này”, ông Hinh nói.

Thứ hai, đối với triển vọng chính sách tiền tệ năm 2025 của Fed, biểu đồ Dot plot mới nhất được công bố vào ngày 18/9/2024 cho thấy mức cắt giảm lãi suất 1%/năm so với mức cuối năm 2024. Trong khi các dự báo của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào tháng 9/2024 gợi ý về 4 lần cắt giảm lãi suất, thì kỳ vọng của thị trường hiện nghiêng về kịch bản 2 lần cắt giảm trong năm 2025.

“Ngay cả khi Fed điều chỉnh quỹ đạo nới lỏng của mình, định hướng chung vẫn hướng tới lập trường trung lập và thân thiện hơn so với giai đoạn thắt chặt trước đây. Nhìn chung, mặc dù việc Fed cắt giảm lãi suất trong thời gian tới có thể gây áp lực giảm giá đối với USD, nhưng ‘đồng bạc xanh’ có thể vẫn ‘mạnh hơn trong thời gian dài’ do các chính sách dự kiến của ông Trump, từ đó gây áp lực không nhỏ lên tỷ giá VND”, ông Hinh nhận định.

Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng 25.100-25.500 đồng/USD trong năm 2025.

Tăng cường trích lập dự phòng

Trong bối cảnh điều hành chính sách tiền tệ vẫn đối mặt với không ít thách thức, bà Trần Thị Khánh Hiền cảnh báo, tăng trưởng tín dụng sẽ có sự đóng góp đáng kể hơn đến từ mảng bán lẻ trong năm 2025 nên có thể dẫn đến tỷ lệ nợ xấu (NPL) cao hơn so với tín dụng doanh nghiệp. Do đó, các ngân hàng có xu hướng tăng cường trích lập dự phòng nhiều hơn nhằm giữ tỷ lệ nợ xấu thấp hơn năm 2024.

Diễn biến trên thị trường cho thấy, tỷ lệ LLR (dự phòng bao nợ xấu) của các ngân hàng niêm yết có xu hướng giảm kể từ năm 2022, thậm chí còn thấp hơn so với mức trước dịch Covid-19.

Tỷ lệ LLR của các ngân hàng niêm yết đạt 83,5% vào cuối quý III/2024, tăng 1,5% theo quý nhưng giảm 13,2% so với cuối năm 2023. Mặc dù quý III/2024 cho thấy sự phục hồi nhẹ, nhưng bộ đệm dự phòng của các ngân hàng niêm yết vẫn còn yếu, tương đương với mức trong thời điểm diễn ra dịch Covid-19.

Trong khi đó, chất lượng tài sản của các ngân hàng niêm yết đã giảm nhẹ so với quý trước. Tỷ lệ nợ xấu tăng trong ba quý liên tiếp, đạt 2,25% trong quý III/2024, tăng 32 điểm cơ bản so với cuối năm 2023.

Xu hướng này sẽ còn kéo dài chủ yếu do sự phục hồi chậm chạp của các ngành xây dựng, nông nghiệp, dầu khí và doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng với tác động của cơn bão số 3 (Yagi), đã gây ra thách thức cho cả cá nhân và doanh nghiệp trong nỗ lực phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ nhóm 2 giảm cùng với LLR, nhưng tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng cho thấy áp lực đáng kể từ việc nợ xấu tăng trong quý cuối năm 2024. Nhu cầu tín dụng yếu trong 10 tháng đầu năm 2024 góp phần đáng kể vào xu hướng này. Ước tính, tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm 2024 sẽ không thấp hơn cuối quý III/2024.

Dự báo cho năm 2025, theo bà Hiền, tỷ lệ nợ nhóm 2 giảm sẽ tạo cơ sở vững chắc để giảm áp lực từ nợ xấu gia tăng. Ngoài ra, dự kiến tăng trưởng tín dụng nhanh hơn sẽ giúp giảm tỷ lệ nợ xấu.

Các ngân hàng tăng đáng kể trích lập dự phòng và thu hồi nợ xấu trong năm 2024 dự kiến sẽ tăng cường hoạt động cho vay vào năm 2025, bất chấp nợ xấu tăng vọt.

“Chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng có thể đẩy mạnh trích lập dự phòng trong năm 2025 để cải thiện tỷ lệ LLR, đặc biệt khi Thông tư 02 có khả năng không được gia hạn, dẫn đến nguy cơ tỷ lệ nợ xấu tăng đột biến tại các ngân hàng có chất lượng tài sản thấp”, bà Hiền nói.

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nganh-ngan-hang-hoa-giai-suc-ep-post360850.html