Ngành ngân hàng Lâm Đồng đạt và vượt các chỉ tiêu cao hơn so với chỉ tiêu chung của cả nước

Ngày 14/1/2021, ngành ngân hàng Lâm Đồng tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa và đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp, Công an tỉnh, Văn phòng UBND và Văn phòng HĐND – Đoàn ĐBQH, cùng lãnh đạo các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Năm 2020 là năm ngành kinh tế gặp rất nhiều biến động, làm thay đổi kết cấu, chuỗi cung ứng của toàn xã hội, giảm công ăn việc làm, làm nhiều ngành nghề bị đình trệ. Nhờ triển khai kịp thời các nhiệm vụ, toàn ngành ngân hàng nói chung và trên dịa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng, có những kết quả rất khả quan. Ngành ngân hàng tiếp tục triển khai các chính sách như tam nông, ưu tiên đầu tư, ưu tiên chống dịch theo các Chỉ thị 01, 02 của Ngân hàng Nhà nước, các chỉ thị của Thủ tướng cũng như của tỉnh Lâm Đồng, giúp ngành kinh tế giảm thiếu tối đa ảnh hưởng của Covid-19.

Cuối năm, huy động vốn đạt trên 66 ngàn tỉ, dư nợ đạt trên 100 ngàn tỉ, đều tăng so với năm trước. Với sự quyết tâm cao của toàn ngành, sự nỗ lực vượt qua khó khăn của các đơn vị, giúp ngành ngân hàng hoàn thành gần như toàn bộ các chỉ tiêu. Các chỉ tiêu đều đạt và vượt cao hơn so với chỉ tiêu chung của ngành ngân hàng cả nước.

Kết quả hoạt động của ngành ngân hàng Lâm Đồng là nỗ lực vượt bậc trong tình hình khó khăn chưa từng có

Kết quả hoạt động của ngành ngân hàng Lâm Đồng là nỗ lực vượt bậc trong tình hình khó khăn chưa từng có

Trong đó, đến cuối năm 2020, số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 66.806 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm và đạt 127,6% chỉ tiêu định hướng của ngành. Tổng dư nợ cho vay đạt 115,587 tỷ đồng, tăng 13,5% và đạt 96,4% chỉ tiêu định hướng của ngành, đứng thứ 12 toàn quốc. Đây là năm đầu tiên tốc độ tăng trưởng vốn cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dự kiến của toàn ngành là các khoản nợ xấu tăng, nhưng kết quả khá tốt, nợ xấu chiếm 0,53% tổng dư nợ, so với đầu năm tăng 22,95%, nhưng thấp hơn tỷ trọng nợ xấu chung của cả nước 2,09% và có khá nhiều đơn vị xử lý nợ xấu rất tốt. Đến cuối năm 2020, có 53/54 TCTD trên địa bàn có chênh lệch thu nhập lớn hơn chi phí, với số tiền gần 3,5 ngàn tỷ đồng.

Các chương trình tín dụng đầu tư theo chủ trương của Chính phủ như nông nghiệp phát triển nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao, các chương trình được nhà nước khuyến khích… có dư nợ chiếm khoảng 60% tổng dư nợ toàn ngành, đứng đầu là các ngân hàng thương mại nhà nước như Agribank, Vietcombank, BIDV…

Tuy nhiên, trong năm 2020, ngoài kết quả đã đạt được, còn có những vấn đề phải rút kinh nghiệm để các hoạt động trong năm 2021 khắc phục, như: Đầu tư không chính thức vào các lĩnh vực rủi ro (bất động sản, đất đai ở những ngân hàng có quy mô chưa lớn, hay có hệ thống kiểm tra, kiểm soát chưa chặt chẽ, thẩm định chưa chặt chẽ… dẫn đến nợ xấu tăng 114 tỷ).

Các đại biểu tham dự hội nghị đề xuất nhiều ý kiến để bảo đảm an ninh, an toàn tiền tệ và tránh nguy cơ lạm phát, bong bóng trong phát triển kinh tế, xử lý nợ xấu…

Đại diện các ngành đề xuất giải pháp trong công tác phối hợp đảm bảo an toàn hệ thống tiền tệ

Đại diện các ngành đề xuất giải pháp trong công tác phối hợp đảm bảo an toàn hệ thống tiền tệ

Theo ông Trương Quốc Thụ - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng: Trong năm 2021, chỉ tiêu huy động vốn tăng 13% trở lên, dư nợ cho vay 12%, nợ xấu không quá 1%. Đồng thời, nhận định ngành kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và chưa thể phục hồi như giai đoạn trước Covid-19, nên ngành ngân hàng Lâm Đồng vẫn tiếp tục thực hiện Chỉ thị 01/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các chỉ đạo của Thủ tướng, của tỉnh; toàn ngành tiếp tục thực hiện các chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kép về phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; các chỉ đạo về thanh toán không dùng tiền mặt; xử lý nợ xấu; đảm bảo an toàn hệ thống và ứng dụng công nghệ số là kim chỉ nam trong phát triển và tiếp tục phát huy kết quả về thủ tục hành chính của ngành ngân hàng và trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa, cho biết: Về cơ bản nước ta nói chung và Lâm Đồng nói riêng đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, khó khăn vẫn đang tồn tại và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Khó khăn của cả nước nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng cần sự chia sẻ, hỗ trợ của hệ thống ngân hàng để đạt đến mục tiêu là phát triển phồn thịnh, ổn định, sức khỏe của hệ thống tài chính tiền tệ tốt… Chính vì vậy, định hướng phát triển trong thời gian tới sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp, như đẩy mạnh phát triển công nghiệp – xây dựng và dịch vụ; trong đó, nông nghiệp công nghệ cao vẫn là lĩnh vực chủ đạo trong ngắn hạn, để đến năm 2030 có thể chủ động các khoản chi của tỉnh và đóng góp vào nguồn ngân sách của Trung ương.

Từ năm 2021 trở đi, ngành ngân hàng nên có những kịch bản cung ứng vốn cho nền kinh tế; tăng cường sự kiểm tra, kiểm soát theo mục tiêu đảm bảo hệ thống tiền tệ an toàn tuyệt đối; quan tâm giám sát hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn như hệ thống các ngân hàng thương mại; ứng dụng công nghệ số để giảm chi phí, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt; mở rộng mạng lưới tín dụng đến vùng sâu, vùng xa; thông tin kịp thời đến chính quyền địa phương và các ban ngành góp phần làm tăng hiệu quả xử lý các vấn đề liên quan; cố gắng hạn chế thấp nhất tình trạng tín dụng đen trên địa bàn; phản hồi kịp thời đến UBND tỉnh Lâm Đồng tình hình hoạt động của ngành.

LÊ HOA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202101/nganh-ngan-hang-lam-dong-dat-va-vuot-cac-chi-tieu-cao-hon-so-voi-chi-tieu-chung-cua-ca-nuoc-3039287/