Ngành Ngân hàng Nghệ An: Nỗ lực đẩy mạnh tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế

Những nỗ lực từ ngành Ngân hàng góp phần để Nghệ An duy trì ổn định đà tăng trưởng, kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc trong thời gian qua…

Từ đầu năm 2024 đến nay, ngành Ngân hàng trên địa bàn Nghệ An đã triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế ở địa phương... Từ đó, đóng góp có hiệu quả vào việc hỗ trợ, phục hồi tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Nghệ An.

6 tháng đầu năm 2024, ngành Ngân hàng Nghệ An dẫn đầu khu vực Bắc Trung bộ với kết quả hoạt động đến 30/6/2024, nguồn vốn huy động đạt 250.987 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 18.642 tỷ đồng, bằng 8% (cùng kỳ năm trước 7,4%); tổng dư nợ toàn địa bàn đạt 309.828 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 14.049 tỷ đồng, bằng 4,7% (mức cùng kỳ năm trước 2,7%)…

Trong đó, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và địa bàn nông thôn đạt 141.198 tỷ đồng, tăng 6,6% so với đầu năm, chiếm 45,6% dư nợ. Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP đạt 20.330 tỷ đồng, chiếm 6,6% tổng dư nợ. Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp tục được triển khai và nâng quy mô từ 15.000 tỷ thành gói 30.000 tỷ đồng, đến ngày 30/6/2024, doanh số giải ngân lũy kế đạt 27.045 triệu đồng.

Bên cạnh đó, triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An đã công bố danh sách 2 dự án đáp ứng điều kiện pháp lý để tiếp cận vay vốn theo Nghị quyết 33/NQ-CP. Từ đầu năm 2024 đến nay, để đẩy mạnh gói tín dụng 120.000 tỷ, NHNN chi nhánh Nghệ An cũng đã tổ chức nhiều buổi làm việc giữa đơn vị với TCTD, và giữa các TCTD với doanh nghiệp.

Ngành Ngân hàng trên địa bàn Nghệ An đang nỗ lực đẩy mạnh tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế.

Ngành Ngân hàng trên địa bàn Nghệ An đang nỗ lực đẩy mạnh tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế.

Trao đổi với phóng viên thoibaonganhang.vn, bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc NHNN chi nhánh Nghệ An cho biết, các TCTD trên địa bàn cũng đã nỗ lực tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trên ở địa phương một cách có hiệu quả. Kết quả, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các NHTM đã giảm mạnh trong năm 2023 và tiếp tục có xu hướng giảm trong các tháng đầu năm 2024 (năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm so với năm 2022 và đến 31/5/2024 giảm khoảng 0,9%/năm so với cuối năm 2023).

NHNN chi nhánh tỉnh cũng tăng cường chỉ đạo các TCTD trên địa bàn theo dõi việc thực hiện công bố lãi suất cho vay, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, gói tín dụng và các loại lãi suất cho vay khác từ hội sở chính... Qua đó, nhằm cung cấp thêm thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay.

Đặc biệt, thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, ngành Ngân hàng trên địa bàn Nghệ An đã đẩy mạnh thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Lũy kế từ ngày 24/4/2023 đến 30/6/2024, đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 194 lượt khách hàng với tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu lại là 1.705 tỷ đồng.

Song song với đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ nền kinh tế, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an ninh an toàn trong hoạt động thanh toán và các hệ thống thông tin ứng dụng.

Theo đó, ngành Ngân hàng Nghệ An đã thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội, đến ngày 15/5/2024 đã mở được 219.846 tài khoản an sinh xã hội/294.015 đối tượng có nhu cầu, đạt 74,78%. NHNN chi nhánh Nghệ An cũng phối hợp với Sở Giáo dục đào tạo, Sở Y tế, đẩy mạnh thanh toán học phí, viện phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đề ra…

 Mặt bằng lãi suất cho vay giảm, góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt khó.

Mặt bằng lãi suất cho vay giảm, góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt khó.

Những nỗ lực từ ngành Ngân hàng góp phần để Nghệ An duy trì ổn định đà tăng trưởng, kinh tế xã hội có nhiều khởi sắc trong thời gian qua. Theo ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội của địa phương tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, có sự chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các ngành, lĩnh vực…

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, Nghệ An tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP 6 tháng ước đạt 6,76%, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 26 cả nước, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (6,15%). Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,13%; khu vực công nghiệp, xây dựng ước tăng 9,95%; khu vực dịch vụ ước tăng 5,85%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 6,77%; Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng ước tăng 10,03% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.350,5 triệu USD, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.018,45 triệu USD, tăng 53,33% so với cùng kỳ năm 2023…

Tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ nền kinh tế địa phương, cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Thu, trong thời gian tới ngành Ngân hàng trên địa bàn tập trung thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu; triển khai các gói tín dụng đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nỗ lực tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trong đó chú trọng thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo đúng quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số. Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số; Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, trong đó thực hiện kế hoạch triển khai ứng dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, tăng cường công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hệ số tín nhiệm và niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào cơ chế, chính sách và hoạt động của ngành Ngân hàng.

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nganh-ngan-hang-nghe-an-no-luc-day-manh-tin-dung-ho-tro-nen-kinh-te-154349.html