Ngành ngân hàng phấn đấu huy động vốn tăng 10 - 12%

Đó là một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Hội nghị sơ kết hoạt động Ngân hàng tỉnh Bắc Kạn 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.

Ông Đoàn Sỹ Quý, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh chủ trì Hội nghị.

6 tháng đầu năm trong bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và tại địa phương còn nhiều khó khăn, kinh tế phục hồi chậm, thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Hệ thống ngân hàng tỉnh đã bám sát chủ trương, định hướng, triển khai kịp thời, có hiệu quả các cơ chế, chính sách, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp, thực hiện kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tham gia các hội nghị đối thoại của lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư. Đối thoại với công nhân viên chức lao động, thực hiện các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn, hấp thụ vốn tín dụng...

Đến hết ngày 30/6/2024, các chỉ tiêu cơ bản tăng trưởng theo lộ trình kế hoạch, tổng huy động vốn ước đạt 15.040 tỷ đồng, tăng 4,5% so với 31/12/2023, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 13.850 tỷ đồng, tăng 7,8% so với 31/12/2023, tăng 18,1% so với cùng kỳ, tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,9% trong tổng dư nợ.

Ngành ngân hàng tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh có khoảng 192 nghìn người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng, đồng thời tăng cường giải pháp kỹ thuật đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán và bảo mật dữ liệu thông tin khách hàng. Phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng chống tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng, phối hợp ngăn chặn thành công hàng chục vụ việc khách hàng chuyển tiền do bị lừa đảo, giảm thiệt hại hàng tỷ đồng.

Tiếp tục thực hiện trả lương qua tài khoản, tuyên truyền, triển khai trả lương hưu, thanh toán bảo hiểm xã hội, chi trả trợ cấp xã hội qua tài khoản ngân hàng; phối hợp đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công, thanh toán hóa đơn điện tử, phối hợp với Kho bạc Nhà nước thu chi ngân sách nhà nước không dùng tiền mặt, thực hiện các giải pháp góp phần chống thất thu ngân sách nhà nước. Đáp ứng đầy đủ, kịp thời tiền mặt cho lưu thông, chấp hành và đảm bảo an toàn kho quỹ, phòng chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.

Tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát nội bộ năm 2024 theo tiến độ, đảm bảo hoạt động ngân hàng tuân thủ pháp luật, kiểm soát rủi ro, chủ động phòng chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm. Thực hiện quản lý ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng theo đúng pháp luật; chấp hành chế độ tài chính, kế toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn trong thực hiện công tác tín dụng như: Việc kiểm soát nợ xấu trong điều kiện nền kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương phục hồi chậm, thiếu dự án hiệu quả, khả năng hấp thụ vốn thấp; việc triển khai, vận động thanh toán không dùng tiền mặt đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội còn khó khăn, nhất là ở địa bàn huyện, tâm lý, thói quen sử dụng tiền mặt, khách hàng lớn tuổi khó khăn trong tiếp cận công nghệ…

Hội nghị tập trung thảo luận, thống nhất đề ra các các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: Phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024; huy động vốn tăng từ 10 - 12%; dư nợ tín dụng tăng từ 8 - 10% so với cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% trong tổng dư nợ; hoạt động ngân hàng đảm bảo an toàn, hiệu quả, phát triển bền vững, góp phần vào thực hiện nhiệm vụ ngành Ngân hàng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương năm 2024./.

Nguyễn Nghĩa - Hồng Bính

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/nganh-ngan-hang-phan-dau-huy-dong-von-tang-10-12-post64343.html