Ngành ngân hàng phát động 'Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số'
Đây là hoạt động hiệu triệu toàn ngành Ngân hàng không ngừng đổi mới, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để hỗ trợ kinh tế phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.
Sáng 27/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị phát động phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và “Bình dân học vụ số” của ngành ngân hàng, gắn với việc triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị.
Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, với sự tham dự của toàn thể Ban Lãnh đạo NHNN, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, các tổ chức tín dụng cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành tại điểm cầu trung tâm và các điểm cầu NHNN khu vực.
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: “Quán triệt nội dung, tinh thần tại Nghị quyết số 57 và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ và nhất quán, ngày 5/3/2025, NHNN đã ban hành Quyết định số 1364 Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết 57 và Nghị quyết số 03 của Chính phủ.
Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Lãnh đạo NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc của ngành Ngân hàng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, đồng thời xác định và xây dựng kế hoạch, các nhóm vấn đề cụ thể, rõ ràng, đảm bảo Kế hoạch nhất quán với kế hoạch của Chính phủ và Kế hoạch phát triển của Ngành.”
Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng tập trung vào bảy nội dung: nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy; hoàn thiện thể chế, chính sách; tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng; phát triển và trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý; thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; và tăng cường hợp tác quốc tế.
Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu chiến lược, NHNN phát động hai phong trào thi đua lớn trong toàn ngành gồm “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và “Bình dân học vụ số”.
Đây là lời phát động và hiệu triệu toàn ngành ngân hàng không ngừng đổi mới, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để hỗ trợ nền kinh tế phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh nội dung, tinh thần tại Nghị quyết số 57 tại hội nghị. Ảnh: SBV
Việc triển khai hai phong trào có ý nghĩa thúc đẩy sự vào cuộc đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng thể của toàn ngành trong thực hiện các mục tiêu đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đồng thời phổ cập tri thức số với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm và hiệu quả nhất. Qua đó, khẳng định vai trò của người đứng đầu trong việc hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành ngân hàng và đất nước.
Các mục tiêu cụ thể bao gồm: khơi dậy khát vọng phát triển quốc gia, lan tỏa tinh thần chủ động sáng tạo, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành ngân hàng trong học tập, rèn luyện kỹ năng số; lan tỏa các mô hình hiệu quả, sáng kiến giá trị; xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số, văn hóa học tập suốt đời; làm chủ tương lai số, phát triển công nghệ chiến lược, ứng dụng công nghệ trong thử nghiệm đồng bộ trên mọi mặt; thúc đẩy văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu; và thu hút, phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao.
Có thể nói, ngành ngân hàng tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong chuyển đổi số với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Các sản phẩm dịch vụ sáng tạo được đẩy mạnh, hình thành hệ sinh thái số thông minh, kết nối liên thông, an toàn. Mục tiêu hướng tới là chuyển đổi số toàn diện, toàn dân, toàn trình, qua đó góp phần tăng tốc phát triển kinh tế số.
Đến nay, ngành ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong chuyển đổi số. NHNN không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy hoạt động số hóa trong lĩnh vực ngân hàng.
Hạ tầng kỹ thuật được chú trọng đầu tư, nâng cấp và phát triển liên tục. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng số luôn được đặt lên hàng đầu.
Nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích, thân thiện đã được triển khai, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng. Nhiều nghiệp vụ cơ bản như tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay… đã được số hóa hoàn toàn.
Một số tổ chức tín dụng hiện ghi nhận trên 90% giao dịch được thực hiện qua kênh số. Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đạt trên 87%, trong khi thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng tích cực.
NHNN cũng là cơ quan dẫn đầu bảng xếp hạng cải cách hành chính trong suốt bảy năm liên tiếp, khẳng định vai trò tiên phong trong đổi mới.
Tại hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết: “Quán triệt nội dung, tinh thần tại Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03, Nghị quyết số 71 của Chính phủ, NHNN đã nghiên cứu, rà soát đầy đủ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ ngành Ngân hàng được giao để ban hành Kế hoạch triển khai của ngành ngân hàng tại Quyết định số 1364 ngày 05/3/2025 với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ và nhất quán.”
Các nhiệm vụ của kế hoạch đã được phân công cụ thể đến các đơn vị thuộc NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Một số kết quả nổi bật sẽ được giới thiệu trong phim tài liệu phát ngay sau bài phát biểu.
Để hai phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và “Bình dân học vụ số” thực sự đi vào chiều sâu, lan tỏa mạnh mẽ và mang lại kết quả thiết thực, ngành ngân hàng xác định bốn nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Đó là: truyền thông và phát động văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số, văn hóa học tập suốt đời; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sáng kiến số có tính thực tiễn và khả thi cao, lựa chọn các sáng kiến tiêu biểu để nhân rộng; rà soát, cập nhật và hoàn thiện các quy định pháp luật thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tăng tốc triển khai hạ tầng tính toán, lưu trữ, dữ liệu; cập nhật xu hướng công nghệ và phát triển văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu; đồng thời xây dựng và phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao.
Về kết quả thực tiễn, trong năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng 56,68% về số lượng và 32,79% về giá trị.
Giao dịch qua kênh Internet tăng 49,73% về số lượng và 33,12% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 54,08% về số lượng và 34,03% về giá trị; giao dịch qua mã QR tăng 104,65% về số lượng và 97,14% về giá trị.
Tính đến tháng 3/2025, tổng số giao dịch TTKDTM đạt hơn 5,2 tỷ giao dịch với tổng giá trị vượt 80 triệu tỷ đồng, tăng 44,43% về số lượng và 24,34% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Đáng chú ý, 100% dịch vụ công của NHNN đủ điều kiện đã được nâng lên mức toàn trình; toàn bộ dịch vụ công toàn trình đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, 99% hồ sơ công việc tại NHNN được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng. Tất cả các giao dịch trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa của NHNN được xác thực điện tử.