Ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đấu tranh phòng chống tiền giả

Tiền giả và tội phạm về tiền giả có thể xảy ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước, trong đó có địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Loại tội phạm này tuy không mới nhưng có nhiều diễn biến phức tạp và mang tính chất nghiêm trọng. NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ và công tác tuyên truyền về chủ trương phòng, chống tiền giả.

Cùng với sự phát triển của công nghệ sao chụp và xử lý hình ảnh, kỹ thuật làm tiền giả ngày càng tinh vi và giống tiền thật về hình thức. Đặc biệt, chất lượng tiền giả loại polymer các mệnh giá lớn được làm gần giống với tiền thật và có nhiều vần seri khác nhau, làm cho người tiêu dùng khó phân biệt. Theo thống kê về số lượng tiền giả thu giữ của NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tiền giả hiện nay cũng tập trung chủ yếu ở các loại mệnh giá này.

Sảnh giao dịch NHNN TP. Hồ Chí Minh

Sảnh giao dịch NHNN TP. Hồ Chí Minh

Tiền Việt Nam bị làm giả không những làm giảm giá trị của đồng tiền do NHNN phát hành mà còn tác động không nhỏ đến an ninh tiền tệ quốc gia, giảm lòng tin của người dân vào chính sách, công tác quản lý, điều hành tiền tệ của Nhà nước. Điều này đòi hỏi trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam cần được nâng cao, quy định cụ thể hơn và khắc phục những bất cập trong quy định của pháp luật về công tác đấu tranh phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.

Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 87/2023/NĐ-CP ngày 8/12/2023 quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam để thay thế Quyết định 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003. Nghị định 87/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 2/2/2024 quy định việc phát hiện, thu giữ, xử lý tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả, tiền nghi hủy hoại trái pháp luật; phát hiện, thu giữ, xử lý tiền bị hủy hoại trái pháp luật; giám định tiền giả, tiền nghi giả; quản lý sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam. Nghị định đã tạo hành lang pháp lý nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế - xã hội trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam, giúp cho công tác này hoạt động đạt hiệu quả hơn, góp phần đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia.

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường chế tài xử lý vi phạm về bảo vệ tiền Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Nghị định 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 88/2019/NĐ-CP nhằm quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ tiền Việt Nam như xử phạt các hành vi: Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện tiền giả loại mới; Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện có dấu hiệu tàng trữ, lưu hành, vận chuyển tiền giả; Bố trí người làm công tác thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả chưa qua tập huấn về kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả hoặc chưa qua nghiệp vụ giám định tiền; Không giao nộp tiền giả theo quy định của pháp luật; Phát hiện tiền giả nhưng không thu giữ; Phát hiện tiền nghi giả nhưng không tạm giữ; Không lập biên bản hoặc thu giữ tiền giả, không đóng dấu, bấm lỗ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả khi thu giữ tiền giả hoặc tạm giữ tiền nghi giả…

Nhận thức rõ tác hại của tiền giả trong phát triển kinh tế xã hội, NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương phòng, chống tiền giả, phát triển các hoạt động thanh toán, giao dịch qua hệ thống ngân hàng để hạn chế sử dụng tiền mặt, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp giao dịch tiếp xúc với tiền để phát hiện ngăn chặn kịp thời. Đồng thời, tại tất cả các điểm giao dịch của hệ thống các TCTD trên địa bàn đều có niêm yết áp phích tiền Việt Nam và cách nhận biết tiền thật, tiền giả nhằm giúp cho người dân biết và nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân nên có thói quen kiểm tra đồng tiền mỗi khi giao dịch tiền mặt để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do nhận phải tiền giả.

Ngọc Tám

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nganh-ngan-hang-tp-ho-chi-minh-dau-tranh-phong-chong-tien-gia-153145.html