Ngành ngân hàng triển khai nhiệm vụ năm 2023

Ngày 12/1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Nguyễn Thành Nam - TUV, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh dự hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng tỉnh năm 2023

Năm 2022, ngành ngân hàng đã bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), triển khai, thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, nhất là chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, cơ chế lãi suất, hạn mức tăng trưởng tín dụng. Mặt bằng lãi suất, thị trường ngoại tệ và vàng giữ ổn định; nguồn vốn huy động từ dân cư duy trì tăng trưởng khá; dư nợ tín dụng tăng trưởng cao, nguồn vốn tiếp tục được đầu tư vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; nợ xấu trong tầm kiểm soát; thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao; thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn đảm bảo an toàn, phát triển ổn định, góp phần thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát.

Năm 2022, tổng nguồn vốn huy động đạt 75.850 tỉ đồng, tăng 5.134 tỉ đồng so với năm 2021; tiền gửi dân cư giữ mức tăng trưởng khá (tăng 15,1% so với cùng kỳ). Tổng dư nợ cho vay đạt 91.896 tỉ đồng, tăng 10.204 tỉ đồng (tăng 12,5%) so với năm 2021, vượt kế hoạch năm 2022. Phú Thọ có quy mô nguồn vốn huy động đứng thứ 4/8, quy mô dư nợ đứng thứ 2/8 tỉnh trong Cụm thi đua NHNN khu vực 4. Nợ xấu chiếm 0,51% tổng dư nợ toàn địa bàn.

Trong năm 2022, hệ thống ngân hàng đã triển khai kịp thời và có hiệu quả đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Qua đó, đã có trên 800.000 khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt với tổng giao dịch đạt gần 909.000 tỉ đồng. Đến nay, 100% các doanh nghiệp nộp thuế điện tử và các khoản phí, lệ phí điện, nước và các khoản phí khác cũng được thực hiện qua hệ thống ngân hàng.

Năm 2023, ngành ngân hàng toàn tỉnh, đặt ra mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 6-8%; tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 10-12%; nợ xấu dưới 2%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Để đạt mục tiêu trên, hội nghị tập trung thảo luận và thống nhất các giải pháp: NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và NHNN Việt Nam, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - xã hội để tham mưu và định hướng chỉ đạo, quản lý, điều hành thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng trên địa bàn đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng và phục hồi kinh tế, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội địa phương… Chỉ đạo đẩy mạnh triển khai tốt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường huy động vốn tại chỗ, tranh thủ nguồn vốn của cấp trên, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với các hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính để giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán... hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Hệ thống ngân hàng toàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống Tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; tập trung thanh tra những vấn đề dễ phát sinh rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, những vấn đề nổi cộm mà dư luận xã hội và các cơ quan quản lý quan tâm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cho cán bộ; chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và các quy định khác có liên quan về công tác cán bộ.

Lệ Oanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/nganh-ngan-hang-trien-khai-nhiem-vu-nam-2023/190308.htm