Ngành ngân hàng với hệ sinh thái số thông minh trong kỷ nguyên mới
Ngành ngân hàng xây dựng hệ sinh thái số thông minh, lấy dữ liệu làm nền tảng, khách hàng làm trung tâm trong kỷ nguyên số.
Hành trình số hóa toàn trình, toàn dân
Ngày 26/5/2025, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Họp báo công bố sự kiện “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2025”. Sự kiện năm nay đánh dấu năm bản lề trong quá trình tổng kết việc triển khai Quyết định 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 về Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sự kiện cũng diễn ra trong bối cảnh các nghị quyết lớn về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được ban hành, trong đó đặc biệt là Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Phát biểu tại buổi họp báo, bà Lê Thị Thúy Sen, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng, nhấn mạnh: “Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW và 68-NQ/TW, Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định Nghị quyết 57 là một trong bốn trụ cột thể chế nền tảng, có ý nghĩa chiến lược nhằm thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tinh thần đó đã được cụ thể hóa thành chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2025 là ‘Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số’”.
Theo bà Lê Thị Thúy Sen, ngành ngân hàng luôn là một trong những lĩnh vực tiên phong trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Việc tổ chức sự kiện năm nay với chủ đề: “Hệ sinh thái số thông minh trong kỷ nguyên mới” chính là minh chứng cho quyết tâm ấy. “Chủ đề này không chỉ bám sát tinh thần chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, mà còn thể hiện rõ thông điệp: ngành ngân hàng lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, thúc đẩy ứng dụng các sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái số thông minh, kết nối liên thông và an toàn, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số”, bà Sen khẳng định.

Họp báo công bố sự kiện “Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2025”. Ảnh: Duy Minh
Chia sẻ thêm về lý do lựa chọn chủ đề “Hệ sinh thái số thông minh trong kỷ nguyên mới”, đại diện Ban Tổ chức cho biết, đó là xuất phát từ nhu cầu cấp thiết phải xây dựng một hệ sinh thái tài chính số hiện đại, minh bạch, góp phần hiện thực hóa khát vọng vươn tầm quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn mới. Chủ đề đồng thời phản ánh tinh thần của Nghị quyết 57, lấy khách hàng làm trung tâm, ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu tài chính đa dạng. Hệ sinh thái số không còn dừng lại ở các dịch vụ ngân hàng đơn lẻ mà hướng tới liên thông với các ngành kinh tế khác, trở thành động lực then chốt cho phát triển kinh tế số.
Chủ đề của sự kiện cũng phù hợp với định hướng chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình. Điều này thể hiện qua yêu cầu tạo sự liên kết mạnh mẽ giữa ngân hàng với các lĩnh vực như: y tế, giáo dục, thương mại, logistics..., đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính số tiện ích, an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, thanh toán không dùng tiền mặt, một trong những cấu phần cốt lõi của hệ sinh thái số thông minh tiếp tục được nhấn mạnh trong năm 2025.
Một yếu tố trọng tâm khác của chủ đề là vai trò của dữ liệu như một nguồn tài nguyên chiến lược. Khai thác và ứng dụng dữ liệu hiệu quả, an toàn và bền vững là cam kết của ngành ngân hàng trong việc tối ưu hóa dịch vụ, hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng, chính xác cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Chủ đề “Hệ sinh thái số thông minh trong kỷ nguyên mới” cũng được đánh giá là sự tiếp nối và phát triển từ năm 2024 với chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”. Năm nay, ngành ngân hàng nhấn mạnh vào sự hội tụ của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, blockchain và sự tương tác mạnh mẽ giữa các thành phần trong hệ sinh thái số. Mục tiêu là xây dựng một hệ sinh thái tài chính thông minh, linh hoạt, bền vững, đáp ứng tốt yêu cầu của thời đại.
Hệ sinh thái số thông minh: Từ dữ liệu đến trải nghiệm khách hàng
Sự kiện “Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2025” sẽ chính thức diễn ra vào ngày 29/5/2025 tại Văn phòng Chính phủ, số 01 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội. Dự kiến, sự kiện quy tụ đông đảo lãnh đạo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, đại diện các bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, UBND TP. Hà Nội, các tổ chức tín dụng, các công ty cung ứng giải pháp chuyển đổi số, các tổ chức quốc tế, chuyên gia trong và ngoài nước...
Tại sự kiện, các diễn giả sẽ trình bày những tham luận xoay quanh các chủ đề lớn: thành tựu nổi bật trong chuyển đổi số ngành ngân hàng; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; kết nối và chia sẻ dữ liệu mở; xây dựng hệ sinh thái dữ liệu liên ngành; các giải pháp hướng tới tài chính số thông minh, linh hoạt và bền vững. Cùng với đó là triển lãm các sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số với sự tham gia của 19 đơn vị đến từ ngân hàng thương mại, công ty trung gian thanh toán và các doanh nghiệp cung ứng giải pháp công nghệ trong nước.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại họp báo. Ảnh: Duy Minh
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết, sau 4 năm triển khai Quyết định 810, hoạt động chuyển đổi số của ngành đã ghi nhận nhiều thành quả tích cực, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Một trong những dấu ấn nổi bật là việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng số và đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ. Hầu hết các nghiệp vụ cơ bản như mở tài khoản, gửi tiết kiệm, chuyển tiền, mở thẻ... đều đã được số hóa hoàn toàn. Nhiều tổ chức tín dụng tại Việt Nam có tỷ lệ giao dịch qua kênh số đạt trên 90%.
Đến nay, hơn 87% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ. So với cùng kỳ năm 2023, năm 2024 ghi nhận mức tăng 56,68% về số lượng và 32,79% về giá trị giao dịch không dùng tiền mặt; qua Internet tăng gần 50% về số lượng và 33,12% về giá trị; qua điện thoại di động tăng hơn 54% về số lượng và 34% về giá trị. Đặc biệt, giao dịch qua QR Code tăng gấp đôi về số lượng và gần gấp đôi về giá trị. Tính đến tháng 3/2025, toàn ngành đã xử lý hơn 5,2 tỷ giao dịch không dùng tiền mặt, với tổng giá trị vượt 80 triệu tỷ đồng, tăng 44,43% về số lượng và tăng 24,34% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024
Trong khi đó, công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin luôn được chú trọng. Ngân hàng Nhà nước liên tục phối hợp với các bộ, ngành để triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống, tăng cường truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát định hướng chuyển đổi số của Đảng và Chính phủ, ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục tập trung và đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, các kế hoạch do Ngân hàng Nhà nước ban hành để thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng, các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 71/NQ-CP;
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật thúc đẩy và tháo gỡ khó khăn trong thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số ngành ngân hàng;
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước trong triển khai Đề án 06;
Thứ tư, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành Ngân hàng đảm bảo an ninh, an toàn, chú trọng việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung ngành ngân hàng tiến đến ra quyết định dựa trên dữ liệu;
Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế để cập nhật xu hướng công nghệ mới, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo;
Thứ sáu, tiếp tục triển khai phối hợp liên ngành: tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để mở rộng hệ sinh thái số và phát triển dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số;
Thứ bảy, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp.
Sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2025 dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Thời báo Ngân hàng và Vụ Thanh toán đầu mối phối hợp tổ chức. Sự kiện có sự tham gia của các ngân hàng thương mại như: Vietcombank, VietinBank, Agribank, MB, Techcombank, VPBank, BIDV, Nam A bank, SHB, TPbank, Kien Long Bank, HDBank, OCB, LPBank, Ngân hàng số Vikki, MSB, ACB, PVCombank, Eximbank; Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPay), Công ty cổ phần MISA, Tập đoàn FPT.
Ngày 11/5 được chọn là Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng. Đây là ngày Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành ngân hàng ký ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 810/QĐ-NHNN). Việc ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng có thể xem là cột mốc, có ý nghĩa quan trọng giúp ngành xác định rõ định hướng, kế hoạch hoạt động trong xu thế chuyển đổi số...