Ngành ngân hàng vượt thách thức để tiên phong thực thi ESG

Việc thực thi Bộ chỉ số ESG (E-Environmental: Môi trường; S-Social: Xã hội và G-Governance: Quản trị) trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam thời gian qua đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để triển khai toàn diện các mục tiêu ESG tham vọng trong lĩnh vực ngân hàng còn đang đặt ra rất nhiều thách thức.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Phó Thống đốc Thường trực NHNN phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Chiều 21/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học "Thực thi ESG trong ngành Ngân hàng: Cơ hội, thách thức và giải pháp".

Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh, hiện nay, trên thế giới, phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội đang trở thành xu hướng giúp định hướng tầm nhìn và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ chỉ số ESG là một trong những thước đo về sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Những lợi ích của việc thực hiện tốt ESG bao gồm giảm thiểu chi phí và rủi ro trong dài hạn thông qua triển khai các công nghệ mới và nâng cao hiệu quả vận hành, phát triển sản phẩm mới, mở rộng thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động và danh tiếng doanh nghiệp… Do đó, ESG đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững.

Bà Michele Wee - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam phát biểu - Ảnh: VGP/HT

Bà Michele Wee - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam phát biểu - Ảnh: VGP/HT

"ESG là vấn đề toàn cầu. ESG thể hiện nỗ lực của các công ty trong việc đánh giá, quản lý, giám sát một cách có hệ thống các rủi ro có tác động tiềm tàng, ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định chiến lược về tài chính của công ty. Do vậy, ESG là một phần của chiến lược cốt lõi của doanh nghiệp. ESG ngày càng trở thành công cụ bắt buộc để các doanh nghiệp tham gia thương mại và đầu tư toàn cầu", PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nói.

Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Trần Phương - Phó Tổng Giám đốc BIDV chia sẻ về những kết quả đạt được cũng như những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong quá trình thực thi ESG tại BIDV.

Để tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nói chung và tổ chức tín dụng (TCTD) nói riêng trong việc tiếp cận và chuyển dịch hoạt động, đóng góp vai trò quan trọng trong mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của quốc gia, lãnh đạo BIDV đề xuất, kiến nghị với các cấp thẩm quyền một số nội dung.

Đại diện các chuyên gia, nhà quản lý và ngân hàng thương mại trao đổi tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Đại diện các chuyên gia, nhà quản lý và ngân hàng thương mại trao đổi tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Thứ nhất, hoàn thiện các khung khổ chính sách, hướng dẫn cho hoạt động huy động vốn và cấp tín dụng xanh, bền vững. Trước mắt, cần sớm ban hành quy định phân loại và xác nhận dự án xanh (taxonomy).

Bên cạnh đó, là định hướng phát triển cụ thể cho từng ngành/nhóm ngành (ưu tiên, nhạy cảm với môi trường - xã hội) đồng thời xem xét, nghiên cứu quy định về phân loại các dự án, khoản vay có tính chất xã hội, bền vững (liên kết giữa môi trường và xã hội) làm cơ sở thống nhất triển khai thực hiện trong hệ thống. Thứ hai, xem xét ban hành các chính sách ưu đãi đủ lớn để khuyến khích nhà đầu tư tài trợ vốn cho các dự án xanh, bền vững và khuyến khích các TCTD đẩy mạnh thực hành ESG (như điểm cộng cho các TCTD nổi bật về hoạt động này).

Nhấn mạnh về những thách thức cần vượt qua, bà Michele Wee - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đã nêu rõ cơ hội, cũng như thách thức để Việt Nam đạt được Net Zero, trong đó, biến đổi khí hậu có lẽ là thách thức cấp bách nhất mà thế giới ngày nay phải đối mặt.

"Vì thế, Chính phủ, các bộ, ngành ở Việt Nam cần tiếp tục đồng hành, phối hợp hài hòa trong xây dựng và hoàn thiện các khung pháp lý cụ thể về tín dụng xanh cũng như các dự án đầu tư kinh doanh có tác động đến môi trường, đặt ra các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, xây dựng danh mục các ngành, lĩnh vực xanh. Các ngân hàng thương mại có thể sử dụng các tiêu chuẩn này để áp dụng chung nhằm đánh giá khi cấp tín dụng xanh", bà Michele Wee góp ý.

Ông Phạm Đỗ Nhật Vinh - Phó Tổng Giám đốc Công ty KPMG Việt Nam cho rằng: ESG tác động đến mọi khía cạnh mô hình hoạt động của ngân hàng như chính sách, khả năng phục hồi, lợi nhuận bền vững, giá trị doanh nghiệp dài hạn. Từ đó, tác giả chỉ ra những thách thức chung về ESG cho các ngân hàng tại Việt Nam và đề xuất các giải pháp sát với thực tiễn để triển khai ESG hiệu quả.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng: "Nhìn chung, các ý kiến tại Hội thảo đều đánh giá việc thực thi ESG trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam thời gian qua đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, để hướng đến toàn diện các mục tiêu ESG tham vọng trong lĩnh vực ngân hàng đang đặt ra rất nhiều thách thức. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và nỗ lực của chính các ngân hàng, mục tiêu ESG đặt ra tại các ngân hàng Việt Nam có thể thực hiện được".

Cụ thể, cơ quan quản lý cần đưa ra các chính sách và quy định bắt buộc liên quan tới ESG để tạo động lực cho các ngân hàng. NHNN cũng cần điều chỉnh các quy định hiện hành để khuyến khích ngân hàng chủ động áp dụng ESG. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần chủ động xây dựng chiến lược, đầu tư công nghệ và phát triển sản phẩm, dịch vụ xanh để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Những nỗ lực tích cực và đồng bộ của các bên liên quan sẽ giúp ngành ngân hàng Việt Nam dần khắc phục được các thách thức và đưa mục tiêu ESG trở thành trọng tâm trong chiến lược phát triển trong thập kỷ sắp tới. Với chiến lược có chủ đích và nỗ lực phối hợp, các ngân hàng có thể vượt qua những trở ngại để hoàn toàn tích hợp các yếu tố ESG như một ưu tiên cốt lõi trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nganh-ngan-hang-vuot-thach-thuc-de-tien-phong-thuc-thi-esg.html