Ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Tránh lạm dụng sinh ra nhiều giấy phép con

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, có hai loại ý kiến khác nhau.

Ngày 23-3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, có hai loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, giữ lại phụ lục 1, 2 và 3 như Luật Đầu tư hiện hành trên cơ sở rà soát quy định Danh mục ban hành kèm theo để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, vì đây là những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân nên cần phải quy định trong luật theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.

Đồng thời, tại khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật đã quy định căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo thủ tục rút gọn.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, vì cho rằng Luật không bãi bỏ việc cấm kinh doanh các sản phẩm nêu trên mà chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết cho phù hợp với thực tiễn thay đổi nhanh chóng của các sản phẩm này, đồng thời bảo đảm thực thi cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế cũng như yêu cầu quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ.

Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 (ảnh: Quốc hội)

Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 (ảnh: Quốc hội)

Đồng thời, trên thực tế, Danh mục các chất ma túy, tiền chất ma túy, Danh mục các hóa chất bị cấm và Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đang được quy định tại các Nghị định của Chính phủ.

Thẩm tra Dự luật, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với loại ý kiến thứ nhất. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ủng hộ quan điểm của Thường trực Ủy ban Kinh tế. Theo Hiến pháp, việc hạn chế quyền tự do kinh doanh phải được quy định bởi luật. Vì vậy, cần thiết giữ lại phụ lục 1, 2, 3 Luật Đầu tư hiện hành, đồng thời rà soát kỹ để cập nhật với các quy định mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng ý rà soát, sửa đổi, bổ sung, bỏ 12 ngành nghề, sửa đổi 19 ngành nghề, bổ sung 6 ngành nghề mới. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nêu rõ quan điểm không đồng tình với đề nghị giao Chính phủ quy định, vì theo một nguyên tắc rất cơ bản của Hiến pháp là những vấn đề liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật quy định.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhất trí cần giữ lại phụ lục số 1, 2, 3 Luật Đầu tư hiện hành. Việc sửa đổi danh mục này có thể được tiến hành ở bất kỳ kỳ họp nào của Quốc hội, vì thủ tục rất đơn giản, trên cơ sở rà soát lại quy định danh mục ban hành kèm theo để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành với đề nghị bãi bỏ 12 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và bổ sung, sửa đổi 19 ngành nghề và bổ sung 6 ngành nghề để phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát thêm, cân nhắc thật kỹ việc bổ sung vào danh mục này theo hướng phải tuân thủ đúng quy định tại Điều 7 luật hiện hành.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định sự đồng tình với quan điểm cần giữ lại danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện theo phụ lục số 1, 2, 3 của Luật Đầu tư hiện hành để phù hợp với Hiến pháp.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, UBTVQH thống nhất giữ nguyên các phụ lục số 1, 2, 3 luật hiện hành để theo đúng tinh thần của Hiến pháp, có thể sửa đổi theo thủ tục rút gọn. Nếu loại bỏ hay bổ sung cũng đều phải đánh giá tác động.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nganh-nghe-kinh-doanh-co-dieu-kien-tranh-lam-dung-sinh-ra-nhieu-giay-phep-con-185090.html