Ngành nhựa tiên phong mở đường và kết nối sản xuất xanh

Tốc độ tăng trưởng ngành nhựa Việt Nam trong 5 năm qua luôn đạt ở mức hai con số từ 12-15%/năm.

Khách hàng tham quan triển lãm quốc tế ngành nhựa và cao su lần thứ 21 tại Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN

Khách hàng tham quan triển lãm quốc tế ngành nhựa và cao su lần thứ 21 tại Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN

Với lợi thế này, nhiều doanh nghiệp nhựa đang tiên phong mở đường và kết nối sản xuất xanh, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng cũng như xu hướng thị trường toàn cầu.

Báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho thấy, ngành nhựa có gần 4.000 doanh nghiệp trên cả nước; trong đó, 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam. Tổng doanh thu ngành nhựa đã đạt trên 25 tỷ USD, xuất khẩu chiếm 22%.

Doanh nghiệp nhựa Việt Nam đã và đang sản xuất đầy đủ các chủng loại sản phẩm nhựa phục vụ cho tiêu dùng nội địa và thị trường xuất khẩu; trong đó, sản phẩm nhựa Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia trên thế giới và có mặt ở nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha, Nhật Bản...

Đến nay, Việt Nam có thể sản xuất được các loại nguyên liệu, gồm: PVC, PP, PET, PS, PE... với tổng công suất gần 3 triệu tấn/năm. Một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành nhựa đó là bao bì, các loại tấm, phiến, màng, các sản phẩm dùng trong vận chuyển đóng gói, nhựa gia dụng, đồ dùng trang trí.

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa tăng trưởng đều qua các năm từ 3 tỷ USD trong năm 2018 lên đến 5,5 tỷ USD trong năm 2022, với mức tăng trưởng trung bình từ 12-20%/năm. Nguồn nguyên liệu trong nước đáp ứng 30% nhu cầu thị trường nội địa, còn lại 70% được nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ông Hồ Đức Lam cũng chia sẻ thêm, cùng với những bước chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam, ngành nhựa Việt Nam đã có những bước tiến liên tục để theo kịp và hỗ trợ hiệu quả hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là chuyển đổi sản xuất xanh. Về phía Hiệp hội Nhựa Việt Nam sẽ thúc đẩy xây dựng chiến lược phát triển cho ngành nhựa Việt Nam giai đoạn 2023-2030, giúp doanh nghiệp có định hướng phát triển ngành và đầu tư bài bản; đa dạng chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tạo cầu nối cho doanh nghiệp hội nhập thị trường toàn cầu.

Ghi nhận thực tế tại công ty DUYTAN Recycling cho thấy, doanh nghiệp lựa chọn con đường khó khi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy nhựa tái chế rộng 65.000 m2, có tổng công suất 100.000 tấn/năm, với dây chuyền sản xuất hiện đại nhập khẩu mới từ châu Âu.

Ngoài những tiêu chuẩn ISO cho hệ thống quản lý, sản phẩm của công ty đáp ứng tiêu chuẩn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chứng nhận từ Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA)... là minh chứng cho chất lượng sản phẩm hạt nhựa tái sinh an toàn cho sức khỏe, phù hợp để sản xuất bao bì cho thực phẩm, đồ uống.

Tính đến thời điểm này, đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ tái chế "Bottle to Bottle" - mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa tạo ra một vòng lặp chai nhựa mới giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch. Đáng chú ý, ngày 30/10/2023, DUYTAN Recycling đạt Chứng nhận Doanh nghiệp Công nghệ cao do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp và cũng là một trong những bước tiến quan trọng đối với doanh nghiệp khi không nhừng nỗ lực kiểm soát và nâng cao chất lượng sản xuất theo xu hướng xanh hóa sản phẩm.

Liên quan đến sản xuất xanh, ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững công ty DUYTAN Recycling chỉ ra rằng, xu thế bao bì đúng hiện nay xoay quanh 3 cụm từ tiết chế, tái sử dụng và sử dụng được nhiều lần, nên sử dụng nhựa và sản phẩm tái chế sẽ giúp nền kinh tế tuần hoàn được áp dụng, cũng như nhân rộng hơn. Vì vậy, giải pháp ưu tiên phát triển bao bì của nhà sản xuất hiện nay chính là sử dụng chất liệu tái chế với thiết kế thân thiện với môi trường.

Tương tự, hòa trong dòng chảy hội nhập thị trường thương mại tự do và nền kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh... không ít đơn vị hoạt động trong ngành nhựa và những ngành liên quan đã xác định phát triển bền vững là kim chỉ nam trong mọi hoạt động vận hành doanh nghiệp. Những đơn vị này, vừa tập trung đầu tư xây dựng nhà máy tái chế, vừa tích cực tham gia đóng góp sáng kiến liên quan đến "con đường sản xuất xanh".

Đặc biệt, trên cơ sở tăng cường hợp tác đầu tư, liên doanh; đồng thời trở thành nhà cung cấp, tham gia chuỗi cung ứng của một số nhãn hàng toàn cầu, gồm: Coca Cola, Nestle, Lavie, Unilever, Suntory Pepsico... đã giúp nhiều doanh nghiệp nhựa và những ngành liên quan thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn. Hay một số doanh nghiệp Việt Nam đã nâng tầm thương hiệu và là thành viên chính thức của các Hiệp hội Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam); Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam (VWRA)...

Cụ thể, DKSH Việt Nam vừa công bố mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Elementis - công ty hóa chất chuyên dụng toàn cầu để phân phối sản phẩm và phát triển thị trường tại Việt Nam, cũng như trong khu vực. Hợp tác giữa DKSH và Elementis còn hướng đến tăng cường sản xuất và những nỗ lực phát triển bền vững tại Việt Nam, tiếp nối thành công trong quan hệ hợp tác tại Trung Quốc của Elementis.

Ở góc độ chuyên gia trong lĩnh vực thị trường tiêu dùng, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá, chính sự chuyển đổi chuẩn hóa quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu “xanh” của thị trường đã giúp doanh nghiệp tiếp cận nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Về phía người tiêu dùng khi bình chọn cho Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thì yếu tố bảo vệ môi trường cũng là một trong những yếu tố then chốt tác động đến quyết định của họ.

Theo phân tích của bà Vũ Kim Hạnh, để sản xuất kinh doanh hiệu quả doanh nghiệp cần phải siết chặt quản lý chi phí, chỉ nên tập trung vào một số sản phẩm thiết yếu, quan trọng theo hướng tiêu chuẩn xanh. Bên cạnh chuyển hướng sản xuất xanh, doanh nghiệp cần đồng hành cùng Chính phủ, hiệp hội nâng cao nhận thức về tiêu dùng xanh nhằm nhận được sự hưởng ứng tiêu dùng của cộng đồng xã hội và giảm áp lực cân bằng giá thành sản phẩm tiêu chuẩn xanh khi giá sản phẩm tăng do nguyên liệu được sử dụng gần thiên nhiên, nguyên liệu tái chế, yếu tố bảo vệ môi trường.

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó hơn một nửa thải ra biển. Tuy nhiên, sau cam kết “Net-Zero” vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP-26) và các hiệp định thương mại thế hệ mới, đến nay chủ đề phát triển bền vững càng được doanh nghiệp, cũng như cộng đồng xã hội quan tâm.

Cùng với đó, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh đã và đang thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn với chu trình sản xuất khép kín, chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Do đó, trên thị trường Việt Nam đã xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm sử dụng nhựa tái chế, hay nói cách khác là được tái sinh vòng đời trong sản xuất kinh doanh, tiêu dùng... là những tín hiệu đáng khích lệ về xử lý rác thải nhựa nói riêng và chuyển đổi sản xuất xanh trong cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Mỹ Phương/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nganh-nhua-tien-phong-mo-duong-va-ket-noi-san-xuat-xanh/314953.html