Ngành Nội vụ triển khai nhiệm vụ năm 2025
Sáng 21/12, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định có đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Ngay từ đầu năm 2024, Bộ Nội vụ và các địa phương đã xác định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi, là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần ưu tiên, tập trung nguồn lực để thực hiện; công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành có nhiều đổi mới, quyết liệt, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân, theo đó đã đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ bảo đảm khả thi, cơ bản đồng bộ, liên thông với các quy định của Đảng. Hoàn thành mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 ngay trong năm 2024 để các địa phương tập trung tổ chức đại hội đảng các cấp vào năm 2025; đồng thời trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập mới, nâng cấp nhiều đơn vị hành chính đô thị trong đó có thành phố Huế trực thuộc Trung ương và chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng. Hoàn thành nhiệm vụ tham mưu thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, hiệu quả. Tập trung cao độ tham mưu hoàn thành các đề án, phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ. Tham mưu cho Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương và Thủ tướng Chính phủ phát động được nhiều phong trào, đợt thi đua đặc biệt, có sức lan tỏa sâu rộng, tạo khí thế thi đua hăng say lao động, sản xuất, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau. Công tác cải cách hành chính nhà nước được triển khai quyết liệt và có nhiều đổi mới, tập trung quyết liệt vào việc cải cách thủ tục hành chính và các dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo bảo đảm ổn định, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề phức tạp nổi lên trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Công tác văn thư - lưu trữ; công tác hội, quỹ; công tác thanh niên được thực hiện đầy đủ và toàn diện; hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng đã có nhiều đổi mới, đóng góp tích cực vào việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của lĩnh vực nội vụ.
Tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng đã tham luận với nội dung: "Triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội". Trong đó nhấn mạnh: Tỉnh Nam Định đã thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, bài bản, khoa học và hiệu quả nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Kết quả đã sáp nhập huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định; sắp xếp, sáp nhập 77 đơn vị hành chính cấp xã, thành 26 đơn vị cấp xã mới. Sau sắp xếp, tỉnh Nam Định có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 8 huyện và 1 thành phố), có 175 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 146 xã, 14 phường, 15 thị trấn); giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, 51 đơn vị hành chính cấp xã, là một trong ba tỉnh đầu tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết, là một trong những địa phương có số lượng sắp xếp lớn nhất cả nước. Đến nay, sau gần 4 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 1104, tổ chức bộ máy của thành phố Nam Định mới và 26 đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp hoạt động ổn định, thông suốt; việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức. Các địa phương đã bố trí, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, bảo đảm lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực để đảm nhận những vị trí công việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới. Việc thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính được thực hiện ngay theo đúng quy định tại Nghị định số 29 ngày 3/6/2023 của Chính phủ và chính sách hỗ trợ của tỉnh theo Nghị quyết số 141 ngày 9/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong thời gian tới, tỉnh Nam Định tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về kết quả, tác dụng của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đến các tầng lớp nhân dân để tạo sự đồng thuận trong xã hội, làm cơ sở cho việc triển khai ở giai đoạn 2026-2030. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Các đơn vị sau sắp xếp tiếp tục rà soát các nhiệm vụ, công việc để tất cả các cơ quan, đơn vị hoạt động đồng bộ, hiệu quả, tạo thuận tiện nhất cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính. Có phương án quản lý, sử dụng hiệu quả, điều chuyển tài sản, trụ sở các đơn vị theo phương án và quy định của pháp luật, không được để hoang hóa, xuống cấp tài sản, trụ sở. Đẩy mạnh việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho người dân và doanh nghiệp theo đúng quy định, gắn với việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06. Các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn chuẩn bị tốt các nội dung để tiến hành Đại hội Đảng bộ cấp xã, cấp huyện nhiệm kỳ 2025-2030 theo quy định. Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định cũng đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu đề xuất với Chính phủ giải quyết chế độ, chính sách tỉnh giản biên chế đối với cán bộ cấp xã dôi dư tính thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết như với công chức cấp xã.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, biểu dương những kết quả nổi bật mà ngành Nội vụ đạt được trong năm 2024. Đồng thời đề nghị toàn ngành Nội vụ thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung làm tốt công tác tham mưu để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng xây dựng nền hành chính thông thoáng, thân thiện, phục vụ tốt người dân. Tập trung phát triển chuyển đổi số để xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, hướng tới xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo. Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ nhằm thu hút được những người tài, người có kinh nghiệm làm việc trong hệ thống chính trị. Cùng với đó, phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là triển khai tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước các cấp, tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI trong năm 2025. Thực hiện tốt, có hiệu quả công tác thi đua - khen thưởng, nhất là các phong trào thi đua, đợt thi đua đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ phát động, tạo không khí phấn khởi, hăng say lao động sản xuất trong các tầng lớp Nhân dân để đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo kế hoạch, sẽ hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ. Sau khi hợp nhất, ngành Nội vụ cần phát huy tinh thần đoàn kết, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ mới. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tin tưởng, với bề dày truyền thống, ngành Nội vụ sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước.