Ngành Nông nghiệp đạt tăng trưởng cao trong khó khăn

Dù tình hình kinh tế khó khăn, trong 9 tháng của năm 2023, ngành Nông nghiệp Đồng Nai vẫn giữ mức tăng trưởng cao với giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 37,4 ngàn tỷ đồng, tăng gần 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng theo hướng sinh học tại xã Hưng Lộc (H.Thống Nhất) đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: B.Nguyên

Mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng theo hướng sinh học tại xã Hưng Lộc (H.Thống Nhất) đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: B.Nguyên

Đặc biệt, các mục tiêu, nhiệm vụ đột phá về nông nghiệp và phát triển kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 như phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ nông sản… đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

* Giữ mức tăng trưởng tốt

Trong đó, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Hiện tổng đàn heo hơn 2,4 triệu con; đàn gà hơn 23 triệu con; đàn trâu, bò hơn 99,7 ngàn con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong 9 tháng đạt 517 ngàn tấn, tăng hơn 6,3% so với cùng kỳ năm 2022, đạt gần 77,5% so với kế hoạch năm 2023. Ngoài ra, sản lượng trứng các loại đạt 1.017 triệu quả, tăng gần 6,6% so với cùng kỳ.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang, công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật ra - vào tỉnh được kiểm soát chặt chẽ. Ngành thú y Đồng Nai đã hoàn thành công tác tiêu độc khử trùng đợt 1-2023; cấp gia hạn 42 giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 657 cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh, duy trì được 5 vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và bệnh Newcastle ở cấp huyện. Khó khăn hiện nay là tình hình dịch tả heo châu Phi đang có xu hướng diễn biến phức tạp. Ngành thú y đang tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; tập trung công tác kiểm tra để sớm phát hiện và xử lý nhanh nếu có ổ dịch mới phát sinh, kiểm soát không để lây lan ra diện rộng; tuyên truyền để người chăn nuôi ý thức thực hiện triệt để công tác đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh.

Về lĩnh vực trồng trọt, sản xuất cây hàng năm, cây lâu năm đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, các mặt hàng cây ăn trái đạt sản lượng cao, với hơn 434,7 ngàn tấn. Trong đó, các cây trồng có giá trị xuất khẩu, cho lợi nhuận tốt đều tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, chuối đạt gần 152 ngàn tấn, tăng hơn 13,8%; bưởi 65,5 ngàn tấn, tăng gần 14,8%...

Tình hình nuôi thủy sản phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh trên đối tượng nuôi. Tổng sản lượng thủy sản khoảng 54 ngàn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ, đạt 71% so với kế hoạch. Đa phần sản phẩm thủy sản được tiêu thụ ổn định, đặc biệt cá lăng, cá diêu hồng, cá lóc đang có giá tiêu thụ tốt, người nuôi có lợi nhuận.

Ngành Nông nghiệp Đồng Nai đang tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản và thị trường xuất khẩu; kêu gọi đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, theo lợi thế, thế mạnh của từng địa phương; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư bằng chính sách hỗ trợ.

* Triển khai hiệu quả nhiều nhiệm vụ đột phá

Trong 9 tháng của năm 2023, ngành Nông nghiệp Đồng Nai thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đột phá về phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ nông sản…

Một số kết quả nổi bật như: toàn tỉnh đã xây dựng được 6/8 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ với quy mô 12,2ha, đạt 75% chỉ tiêu kế hoạch năm; hình thành 45/40 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, vượt 12,5% kế hoạch; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh tiêu thụ qua hợp đồng liên kết đạt 40%; tỷ lệ các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt 52%...

Đạt được kết quả trên là nhờ ngành Nông nghiệp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong 9 tháng của năm 2023, các địa phương tập trung hỗ trợ triển khai nhân rộng 62 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, nhân rộng được hơn 1,6 ngàn ha cây trồng các loại, 150,4 ngàn gia súc, gia cầm và gần 1,2 ngàn ha cây trồng ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Công tác tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được các địa phương chú trọng triển khai thực hiện. Riêng công tác khuyến nông thường xuyên của ngành Nông nghiệp đang triển khai xây dựng và nhân rộng 30 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả gồm: 19 mô hình trồng trọt; 6 mô hình chăn nuôi; 5 mô hình thủy sản. Trong đó có 8 mô hình sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm (VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học), 22 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Hiện nay, Sở NN-PTNT đang phối hợp với các địa phương chọn điểm, chọn hộ để triển khai xây dựng mô hình, tiến độ thực hiện bảo đảm theo kế hoạch đề ra.

Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ cho biết, một trong 4 nhiệm vụ đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI là tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; công nghiệp chế biến sâu nông sản và các dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Dự kiến đến năm 2025, các chương trình trên đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, về công tác quy hoạch, các địa phương của tỉnh đã xác định được 98 vùng sản xuất tập trung, 8 vùng sản xuất công nghệ cao với quy mô hơn 6,5 ngàn ha và 10 khu vực đủ điều kiện phát triển vùng nông nghiệp hữu cơ với quy mô 21,4 ngàn ha.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202311/nganh-nong-nghiep-dat-tang-truong-cao-trong-kho-khan-6925163/