Ngành Nông nghiệp Hà Nội: Khai thác lợi thế, tạo sức bật tăng trưởng
Với việc tập trung khai thác lợi thế, mục tiêu tăng trưởng 2,64% của ngành Nông nghiệp Hà Nội trong năm 2023 đến thời điểm này có thể khẳng định là đạt được và dự kiến có sự bứt phá. Bởi trong những tháng cuối năm, ngoài sức tiêu thụ mạnh từ thị trường, đây cũng là thời điểm thu hoạch của nhiều cây trồng, vật nuôi có giá trị.
Khai thác tốt thế mạnh
Hiện hàng trăm gốc bưởi Diễn tại xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) bước vào giai đoạn chín, chuẩn bị cung ứng ra thị trường. Ông Nguyễn Văn Oánh - người dân xã Nam Phương Tiến cho biết, bưởi Diễn của gia đình ông được trồng hữu cơ, bảo đảm chất lượng, có tem nhãn. Với hơn 100 cây bưởi, mỗi cây khoảng 120-150 quả, đây là nguồn thu nhập lớn đối với gia đình dịp cuối năm.
“Không chỉ gia đình tôi, hầu hết các hộ trong thôn Bé của xã Nam Phương Tiến đều tất bật trong vụ thu hoạch cuối năm. Năm nay, nắng nhiều nên bưởi khá đậm vị, vỏ vàng óng, chất lượng tốt”, ông Oánh chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lê Văn Trẻo - một trong những chủ trang trại ấp trứng gà, vịt ở xã Liên Châu (huyện Thanh Oai), cho hay, từ tháng 8-2023, các trang trại chăn nuôi trong xã đã tăng nhập con giống, thuê thêm nhân công, chuẩn bị cho thị trường cuối năm. Sản phẩm nông sản của Liên Châu cung ứng ra thị trường dịp cuối năm sẽ bảo đảm ổn định.
Ở các huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn… bà con nông dân đang tất bật sản xuất, chuẩn bị cung ứng nông sản cho thị trường cuối năm.
Theo Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Nguyễn Doãn Thắng, để bảo đảm hiệu quả sản xuất, huyện khuyến khích nông dân chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ, tận dụng phế phẩm ủ phân bón cho cây trồng, giúp giảm chi phí sản xuất. Huyện cũng chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng trồng cây vụ đông, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tập trung vào những cây trồng, vật nuôi tạo sức bật về kinh tế.
Còn Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, vụ đông năm nay, huyện tập trung trồng rau an toàn, cây ăn quả, cây cảnh và đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi công nghệ cao, chất lượng bảo đảm. Đây là những mặt hàng nông sản có nhu cầu lớn trong những tháng cuối năm nên huyện hướng dẫn người dân sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, ngày từ đầu năm, Sở đã cùng các địa phương chủ động triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển trong năm 2023. Đặc biệt, các địa phương như: Đông Anh, Thường Tín, Thanh Oai, Quốc Oai… đã, đang mở rộng quy mô đàn gia súc, gia cầm, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch một số loại cây trồng như bưởi, chuối, hoa cắt cành; đặc biệt là chăm sóc các vườn cây trồng giá trị cao như đào, quất cảnh, hoa lan, hoa ly…, phục vụ cho thị trường cuối năm nay.
Phấn đấu vượt mục tiêu
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định: Ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng 2,64% trong năm nay và phấn đấu vượt mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là, cùng với bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm, ngành Nông nghiệp Hà Nội quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, duy trì tăng trưởng trên tất cả lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong đó, ngành tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn vật nuôi, xây dựng kế hoạch tái đàn, phát triển chăn nuôi gia cầm; triển khai gieo trồng hơn 28 nghìn héc ta cây vụ đông, tập trung vào những nhóm cây/con có giá trị kinh tế cao như rau an toàn, hữu cơ, chăn nuôi giống con đặc sản, bản địa; phát triển các vùng hoa cây cảnh có giá trị kinh tế cao như đào, quất, hoa lan, hoa ly, hoa chậu cảnh…
Điểm nhấn quan trọng trong sản xuất nông sản, thực phẩm đáp ứng nhu cầu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán là ngành Nông nghiệp cùng các địa phương của thành phố tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sản xuất nâng cao chất lượng nông sản từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản, cung ứng cho người tiêu dùng.
Đặc biệt, thành phố cũng quan tâm phát triển công nghiệp chế biến nông sản với đa dạng sản phẩm lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng dịp Tết như: Gạo, bún, miến, bánh đa, bánh kẹo, rau, củ, quả, giò, chả, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, hải sản, thịt lợn. Đáng chú ý, các loại thịt đã được cung ứng đa dạng gồm thịt mát, thịt đông lạnh, thịt lợn sơ chế, thịt lợn ăn liền.
Với sự chủ động của ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương và bà con nông dân, mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của Thủ đô dự báo sẽ bứt phát mạnh mẽ trong năm 2023, qua đó tạo tiền đề quan trọng cho năm 2024 đạt nhiều thắng lợi lớn hơn nữa.