Ngành nông nghiệp, một năm vượt khó thành công

Năm 2021 sản xuất nông nghiệp của tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai năm 2020, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản, cùng với diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là COVID-19 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, dân sinh trên địa bàn tỉnh. Song với sự chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với sự chủ động của Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc kịp thời tham mưu tỉnh ban hành nhiều đề án, phương án sát đúng với tình hình thực tế sản xuất cũng như phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả nên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

 Từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông nội đồng ở Cam Lộ - Ảnh: PV

Từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông nội đồng ở Cam Lộ - Ảnh: PV

Năm 2021, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 3,02%, vượt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu năm 2021 là 2,5 đến 3%). Tổng sản lượng lương thực ước đạt 29,46 vạn tấn, vượt 13,2 % kế hoạch. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 47.609 tấn, đạt 116,3% kế hoạch. Tổng sản lượng thủy sản 36.041 tấn, đạt 97,4% kế hoạch. Trồng rừng tập trung 9.493, đạt 136,5 % kế hoạch, tỉ lệ che phủ rừng 50%, đạt 100% kế hoạch. Tỉ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 92,14%, đạt 100% kế hoạch. Chương trình xây dựng nông thôn mới đến cuối năm 2021 có thêm 6 xã về đích, đạt kế hoạch đề ra.

Cùng một lúc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống COVID-19, vừa khôi phục, phát triển sản xuất nông nghiệp, trong lúc đó thời tiết diễn biến phức tạp trong cả 2 vụ nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương nên năm 2021 toàn tỉnh vẫn đạt diện tích gieo trồng cây lương thực hơn 54.820 ha, đạt 101,9% so với kế hoạch. Trong đó, đối với cây lúa gieo trồng hơn 50.437 ha, đạt 102% kế hoạch năm, toàn tỉnh duy trì lúa chất lượng cao 38.000 ha, mở rộng diện tích cánh đồng lớn lên 11.000 ha, tăng 300 ha so với năm 2020, diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sản xuất hữu cơ và canh tác tự nhiên 1.390 ha. Năng suất thu hoạch lúa bình quân đạt 55,4 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha so với năm trước, nâng tổng sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 29,46 vạn tấn, cao nhất từ trước đến nay, tăng hơn 7.000 tấn so với năm 2020 và vượt 13,2 % kế hoạch.

Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp. Trên cơ sở rà soát, kiểm tra, đánh giá hiện trạng, tranh thủ các nguồn lực đã khẩn trương khắc phục hệ thống thủy lợi, đê điều, đường giao thông nội đồng, phục vụ sản xuất, nhất là nguồn nước cho sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, nhằm giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm thuộc tất cả các nguồn vốn đã được giao; Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, xây lắp huy động nhân lực, máy móc, thiết bị, tranh thủ thời gian thuận lợi để thi công, đảm bảo yêu cầu tiến độ đề ra cũng như kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc để các dự án được triển khai thực hiện theo đúng tiến độ; tạo điều kiện thuận lợi trong các khâu kiểm soát hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Do đó, tình hình triển khai, tiến độ giải ngân của các dự án đều đạt kế hoạch đề ra. Cùng với đó, ngay từ đầu năm, ngành đã chỉ đạo thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về diễn biến khí hậu, thời tiết, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn các biện pháp ứng phó, đánh giá mức độ an toàn của các công trình trên địa bàn, tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng, quản lý, khai thác, bảo vệ an toàn các công trình khi có mưa bão xảy ra.

Cùng với đầu tư xây dựng cơ bản, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, khoa học và công nghệ trong năm 2021 luôn được ngành quan tâm. Song song với đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, ngành đã chỉ đạo tăng cường tập huấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, đào tạo nghề, đã thực hiện 18 loại hình mô hình trình diễn thuộc ngân sách tỉnh, hỗ trợ xây dựng thành công 11 mô hình trình diễn khôi phục sản xuất thích ứng với thiên tai, điển hình như mô hình trồng đậu xanh trên đất bị bồi lắng sau bão lũ tại xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông được Trung tâm Khuyến nông triển khai trên diện tích 15 ha, gồm 80 hộ dân tham gia, năng suất thu được 1,5 - 1,6 tấn/ha đã mang về cho các hộ gia đình một nguồn lợi lớn.

Đặc biệt, để nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích hoặc một chu kỳ chăn nuôi, ngành đã tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết với các địa phương, các HTX và nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Trong đó đáng chú ý là các địa phương đã liên kết với Công ty Nafood Tây Bắc mở rộng diện tích chanh leo lên gần 100 ha, liên kết với Công ty Cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị phát triển lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên hơn 240 ha, liên kết với Sumitomo sản xuất trên diện tích 3.500 m2 tại Gio Linh, Triệu Phong, Vĩnh Linh và thành phố Đông Hà.

Trong công tác phát triển nông thôn và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngành đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương lựa chọn, hỗ trợ các xã đăng ký đạt chuẩn năm 2021, phối hợp với UBND các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng về kế hoạch xây dựng huyện nông thôn mới đến năm 2025; tham mưu UBND tỉnh thống nhất phương án hỗ trợ huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2025. Đồng thời phát triển sản phẩm nông sản OCOP của tỉnh, rà soát, đánh giá kiện toàn hệ thống hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn; hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP và các nông sản có chất lượng, giá trị lên sàn thương mại điện tử, góp phần giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm trong tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp làm gián đoạn, đứt gãy khâu phân phối. Toàn tỉnh hiện có 57/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo dự báo, sản xuất nông nghiệp năm 2022 tiếp tục có những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và COVID-19. Song với nhiều chính sách mới, quan trọng, mang tính đột phá cao của Chính phủ, của tỉnh cho giai đoạn 2021-2025 được ban hành, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu trên cơ sở định hướng theo 3 trụ cột chính về kinh tế, xã hội, môi trường, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết, để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành năm 2022 ngành nông nghiệp tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau: Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương đã ban hành theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tạo ra những điểm sáng, kết quả tích cực để dẫn dắt cho sản xuất phát triển. Tập trung rà soát các vùng chuyên canh tập trung. Huy động nguồn lực đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng một số vùng sản xuất tập trung như cây dược liệu, cây ăn quả, chăn nuôi thủy sản và lâm nghiệp. Đây là cơ sở thu hút, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất gắn với chế biến và xuất khẩu sản phẩm.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ mới, công nghệ sinh học, công nghệ số vào sản xuất. Nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trên quy mô lớn. Khảo nghiệm, thử nghiệm các giống cây trồng vật nuôi mới nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Tiếp tục đồng hành hỗ trợ, đào tạo chuyển đổi số cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, thúc đẩy bán hàng thông qua các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội.

Phan Việt Toàn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=163923&title=nganh-nong-nghiep-mot-nam-vuot-kho-thanh-cong