Ngành nông nghiệp năm 2024: Vượt thách thức, lập kỷ lục
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của ngành nông nghiệp trong năm 2024 vẫn đạt mức kỷ lục 62,5 tỷ USD, với xuất siêu đạt đỉnh mới gần 18 tỷ USD.
Ngày 27/12, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ: "Năm 2024, ngành NN&PTNT thực hiện kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen".
Bên cạnh những biến động từ thị trường, ảnh hưởng thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán, mưa bão tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, toàn ngành còn phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn tại các tỉnh, thành phố phía Nam, đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Bắc.
Tuy nhiên, năm 2024, ngành NN&PTNT với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp trước những khó khăn, thách thức từ các tình huống bất thường của thực tiễn sản xuất, kinh doanh đã đạt các mục tiêu phát triển.
Kết quả, năm 2024, toàn ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện, với GDP toàn ngành ước đạt 3.3%. "Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%", Thứ trưởng Tiến chia sẻ.
Báo cáo về kết quả thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là đẩy mạnh khai thác xa bờ và chế biến hải sản, ông Lê Tấn Hổ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ thường xuyên của tỉnh.
Theo đó, tỉnh Phú Yên tiếp tục cơ cấu lại đội tàu khai thác thủy sản, giảm dần khai thác vùng ven bờ, gắn với chế biến xuất khẩu. Tỉnh cũng tập trung duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chuỗi liên kết trong khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đại dương.
Đến năm 2024, tỉnh có 672 tàu khai thác vùng khơi, sản lượng khai thác ước đạt 65 nghìn tấn, trong đó cá ngừ đại dương ước đạt 4.000 tấn. Có 20 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, trong đó có 9 doanh nghiệp thu mua, chế biến cá ngừ đại dương. Giá trị sản xuất thủy sản năm 2024 tăng 11,9% so với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vượt 0,6% kế hoạch.
"Định hướng về kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, thủy sản trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục cơ cấu lại đội tàu khai thác thủy sản, mục tiêu giảm dần tàu thuyền, khai thác vùng ven bờ, phát triển khai thác xa bờ. Đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản và thủy sản", ông Hổ nói.
Bên cạnh đó, ông Hổ cũng đề xuất Chính phủ, Bộ NN&PTNT quan tâm, hỗ trợ tỉnh Phú Yên thực hiện các dự án phát triển thủy sản giai đoạn 2026-2030, như dự án Khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại thị xã Sông Cầu và dự án nâng cấp Cảng cá Đông Tác.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, rau quả là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, hiện có mặt trên hơn 60 thị trường. "Năm 2023, rau quả tăng trưởng xuất khẩu 67%. Năm 2024, tiếp đà tăng trưởng 27%, ngoài sản phẩm tươi, rau quả Việt Nam còn có các mặt hàng như chế biến, chế biến sâu", ông Bình nói
Kết quả xuất khẩu 7,2 tỷ USD của năm 2024, theo ông Bình, là do sự tích lũy thành quả của các năm trước. Các loại cây ăn quả đa số đều cần thời gian đầu tư dài, từ 3-5 năm. Số lượng rau quả xuất khẩu chính ngạch ngày càng tăng. Ví dụ, Trung Quốc hiện cấp phép 15 mặt hàng rau quả, góp phần những sản phẩm như sầu riêng, chuối, dừa… tăng trưởng tích cực.
Cuối cùng, thị phần của rau quả Việt Nam tiếp tục tăng, chẳng hạn từ vị trí thứ 3 lên thứ 2 ở Trung Quốc, hay Hoa Kỳ tăng trưởng hơn 30%, Thái Lan tăng hơn 80%.
Các hoạt động xúc tiến thương mại về rau quả được các cấp, các ngành, hiệp hội ngành hàng ngày càng quan tâm, đầu tư. Kết hợp với 16 FTA thế hệ mới, ngành rau quả ngày nay có rất nhiều cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng.
Theo đánh giá của ông Bình, trong thành công của ngành rau quả có sự đóng góp không nhỏ của Bộ NN&PTNT, cũng như các đơn vị trực thuộc như Cục Trồng trọt, Cục BVTV… Nhờ đó, thông tin thị trường, các yêu cầu về kiểm dịch, vai trò cầu nối… được duy trì, ổn định.