Ngành nông nghiệp nêu giải pháp phục hồi sản xuất sau bão Yagi

Chiều 9/9, Bộ NN&PTNT tổ chức cuộc họp để thông tin về một số giải pháp trước mắt khắc phục khó khăn trong sản xuất nông nghiệp sau cơn bão Yagi (bão số 3).

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại cuộc họp. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại cuộc họp. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Tại cuộc họp, Bộ NN&PTNT cho biết, tính đến ngày 9/9, bão Yagi đã gây ngập úng, thiệt hại cho 124.593 ha lúa, trong đó tập trung ở Hải Phòng với 7.005 ha, Thái Bình với 29.000 ha, Hà Nội với 15.563 ha, Hưng Yên với 12.119 ha, Hải Dương với 18.500 ha, Hà Nam với 11.220 ha....

Diện tích hoa màu bị ngập úng, thiệt hại ở mức 22.047 ha, tập trung tại Hải Phòng với 1.600 ha, Nam Định với 2.500 ha, Thái Bình với 3.345 ha, Hà Nội với 1.205 ha, Bắc Ninh 2.293 ha, Hải Dương với 2.900 ha...

Khoảng 6.887 ha cây ăn trái bị hư hại, trong đó Hải Phòng bị ảnh hưởng lớn nhất với 1.650 ha, Thái Bình với 1.385 ha, Hưng Yên với 1.841 ha, Hải Dương với 900 ha, Nghệ An với 798 ha...

Đối với thủy sản, hơn 1.500 lồng bề nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi, trong đó tập trung ở Quảng Ninh với 1.000 lồng bè, Hải Dương với 300 lồng bè...

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh – Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT, hiện có 85.000 ha lúa, rau màu bị ngập úng. Các địa phương đang vận hành tối đa các trạm bơm, các hệ thống công trình thủy lợi để tiêu hệ thống nước. Nếu chạy hết tốc lực, dự kiến 2 - 3 ngày sẽ tiêu hết phần nước ngập úng tại khu vực sản xuất phía Bắc.

Trong khi đó, ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, bão đã khiến các lồng nuôi biển bị hư hỏng, trong đó lồng nuôi hàu bị đứt rất nhiều, phần hàu còn lại gió bão đập vào cũng bị rơi rụng. Trước tình hình này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã chỉ đạo, đối với cá còn sống thì tiếp tục chăm sóc, đồng thời thu gom cá chết, khung lồng gãy và phao trên khu vực biển.

Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, ngay sau khi bão đi qua, các địa phương phải thực hiện tổng vệ sinh, sát trùng chuồng trại, tiêm phòng vật nuôi tại các địa phương bị ảnh hưởng bão, bởi khi đó mầm bệnh đã lưu hành, sức đề kháng của gia súc, gia cầm lại giảm mạnh khiến nguy cơ diễn ra dịch bệnh rất lớn. Ông Long cũng lưu ý về nguy cơ vận chuyển trái phép động vật từ nước ngoài vào Việt Nam khi nhu cầu tăng lên mà ảnh hưởng bão lũ khiến nguồn cung thu hẹp.

Về phương hướng khắc phục hậu quả mưa bão trong các lĩnh vực cụ thể, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu với diện tích cây trồng, cần có hướng dẫn chi tiết để hồi phục lại diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng và hướng dẫn cụ thể cho từng đối tượng như chuối, cây có múi. Đồng thời, chỉ đạo xuống giống và quy trình canh tác để chuẩn bị rau màu dịp tết. Với diện tích lúa không thể phục hồi thì phải chuẩn bị cho vụ xuống giống vụ đông xuân.

Đối với chăn nuôi, tập trung tái đàn, tăng thức ăn dinh dưỡng và chú trọng an toàn sinh học.

Đối với thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến giao Cục Thủy sản tổ chức hội nghị về phục hồi thủy sản thời gian tới, đặc biệt về nuôi biển sau cơn bão Yagi, từ đó hướng đến xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn trên cơ sở tổng kết cơn bão Yagi.

Đối với thú y, tập trung giải pháp phòng chống dịch bệnh. Từ đầu năm 2024 đến nay, tỷ lệ tiêm phòng vaccine còn hạn chế khiến các dịch bệnh như dịch tả lợn châu phi, viêm da nổi cục, tai xanh vẫn chưa chấm dứt. Do đó, để đảm bảo đủ thực phẩm trước, trong và sau tết, Bộ NN&PTNT và cơ quan liên quan phải thực hiện quyết liệt việc tiêm phòng vaccine.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nganh-nong-nghiep-neu-giai-phap-phuc-hoi-san-xuat-sau-bao-yagi-33218.html