Ngành Nông nghiệp Sóc Trăng đạt thành quả tích cực trong thực hiện chuyển đổi số
Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng đã quán triệt, triển khai kịp thời đến tất cả đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành các văn bản có liên quan về chuyển đổi số...
Ngày càng nhiều nông dân ứng dụng thiết bị máy bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: THÚY LIỄU
Trên cơ sở nội dung của Nghị quyết số 07-NQ/TU, Sở NN&PTNT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm túc công tác chuyển đổi số tại đơn vị. Cùng với đó, chỉ đạo cho Tổ thực hiện chuyển đổi số tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, ngành Nông nghiệp tỉnh sử dụng tốt các phần mềm quản lý văn bản điều hành, một cửa điện tử; thực hiện chữ ký số, phần mềm kế toán và quản lý tài sản… có 100% cán bộ, công chức sử dụng thư công vụ để trao đổi công việc và sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành; 100% văn bản đến (trừ văn bản mật) xử lý trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành; trên 99% văn bản đi được ký số; 100% hồ sơ thủ tục hành chính được công khai và cập nhật lên phần mềm một cửa bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận và khai thác thông tin đảm bảo; 100% cán bộ, công chức, viên chức người lao động sử dụng di động 4G/5G và có tài khoản thanh toán điện tử.
Trong lĩnh vực chuyên môn, đến nay ngành Nông nghiệp tỉnh đã tiếp cận và ứng dụng khá tốt một số phần mềm của Bộ NN&PTNT và các đơn vị trực thuộc bộ. Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật đã ứng dụng phần mềm nhập liệu báo cáo dịch hại trên cây trồng (PPDMS) cập nhật tình hình thiệt hại, dịch bệnh; ứng dụng phần mềm quản lý mã số vùng trồng, cơ cấu chuyển đổi cây trồng, sử dụng phần mềm quan trắc môi trường nước, sử dụng hệ thống bẫy đèn thông minh, ứng dụng hệ thống phun tưới tự động trong trồng trọt và thiết bị máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật… Từ đó giúp người dân có kế hoạch sản xuất, quyết định thời gian xuống giống hợp lý, góp phần hỗ trợ tích cực cho công tác khuyến cáo sản xuất, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, thông tin về giá cả thị trường trên tất cả các lĩnh vực, gồm: chăn nuôi và thú y, thủy sản, thủy lợi và phòng chống thiên tai, quản lý chất lượng nông lâm sản - thủy sản. Trong lâm nghiệp đã ứng dụng phần mềm quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã, phần mềm cập nhật diễn biến rừng (FRMS), phần mềm cơ sở dữ liệu mùa vụ trồng rừng (của Tổng cục Lâm nghiệp) để thực hiện báo cáo, thống kê định kỳ…
“Trong công tác thực hiện Dự án Chuyển đổi số lĩnh vực ngành Nông nghiệp theo Đề án số 03/ĐA-UBND tỉnh Sóc Trăng, ngày 6/10/2022 về việc chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở NN&PTNT đã tiến hành việc đồng bộ, kết nối, quản lý cơ sở dữ liệu tại các đơn vị trực thuộc sở. Song song đó, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các ban ngành liên quan xây dựng phần mềm “Trung tâm giám sát, điều hành nông nghiệp (IOC)” và đầu tư trang thiết bị phục vụ khai thác, quản lý như: đầu tư, trang bị hệ thống màn hình ghép (8 màn hình 55 inch) tại phòng họp và hội trường, phục vụ hiển thị cơ sở dữ liệu chuyên ngành nông nghiệp theo thời gian thực. Trang bị 1 máy chủ, là cơ sở để chạy phần mềm của Trung tâm Giám sát, điều hành nông nghiệp và 3 máy vi tính thay thế cho các máy vi tính đã xuống cấp, cấp thiết bị tin học, điện tử phục vụ cho cán bộ phụ trách làm công tác quản lý, điều hành, khai thác cơ sở dữ liệu chuyên ngành nông nghiệp”, đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng thông tin.
Để hoạt động chuyển đổi số ngành Nông nghiệp tỉnh hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh đề xuất đến Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh và Tổ công tác triển khai Đề án 03 tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân nghiên cứu các công nghệ số, hoạt động dữ liệu số về NN&PTNT phục vụ xã hội, phát triển nền kinh tế số. Tăng cường nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, các phần mềm ứng dụng, đường truyền internet tốc độ cao nhằm tạo điều kiện cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ được kịp thời. Rà soát, quy hoạch các khu vực sản xuất tập trung để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ cho chuyển đổi số. Phân bổ kinh phí, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực thực hiện chuyển đổi số cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cán bộ, công chức phụ trách công tác chuyển đổi số.