Ngành Nông nghiệp Tuyên Quang: Nỗ lực vượt khó

2020 là năm có nhiều khó khăn với ngành Nông nghiệp và nông nghiệp Tuyên Quang cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên với sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của ngành, cùng với sự nỗ lực vượt khó của bà con nông dân, nên năm 2020 có 15/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt trên 9.200 tỷ đồng, tăng 4,18 % so với năm 2019.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang tham quan gian hàng tại Hội chợ OCOP Tuyên Quang năm 2021 và công bố chỉ dẫn địa lý Cam sành Hàm Yên.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang tham quan gian hàng tại Hội chợ OCOP Tuyên Quang năm 2021 và công bố chỉ dẫn địa lý Cam sành Hàm Yên.

Theo đó, ngành Nông nghiệp Tuyên Quang đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và chuyển đổi theo hướng sản xuất tập trung, đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá “Phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững”. Sản xuất nông nghiệp đã chuyển dần sang sản xuất hàng hóa với hướng đi là lựa chọn một số cây, con có ưu thế, phù hợp với khí hậu của tỉnh để phát triển thành những vùng chuyên canh lớn, gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ thương mại.

Trong trồng trọt, công tác chỉ đạo sản xuất được triển khai đồng bộ, chặt chẽ theo mùa vụ. Các đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tích cực phối hợp với cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống, tổ chức sản xuất theo khung thời vụ tốt nhất.

Cùng với đó, tiếp tục hướng dẫn các huyện, thành phố phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các xã có điều kiện gắn với tiêu thụ sản phẩm; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách của tỉnh đã ban hành để hỗ trợ chăn nuôi, tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi có hợp đồng liên kết.

Về thủy sản, tỉnh tiếp tục duy trì, phát huy lợi thế nuôi cá hàng hóa bằng lồng trên sông, hồ thủy điện, hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản áp dụng kỹ thuật nuôi cá đặc sản theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Lâm nghiệp tiếp tục phát triển hiệu quả, bền vững gắn với phát triển công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn.

Năm 2020, sản lượng lương thực của tỉnh đạt 34,7 vạn tấn, đạt 100,7% kế hoạch; diện tích cây ăn quả tăng trên 8%. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 78.275 tấn, vượt kế hoạch 2,5%. Sản lượng thủy sản tăng 7,9% so với năm 2019. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát chặt chẽ. Trồng rừng đạt 10.766,4ha, vượt 4% kế hoạch, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt gần 910.000m3, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Duy trì độ che phủ của rừng trên 65%.

Bên cạnh việc triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực, ngành cũng nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống khuyến nông; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, thu hút đấu tư nông nghiệp, nông thôn. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tiếp tục được nâng cấp và hiện đại hóa. Công tác dự báo, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh hại thực hiện tốt, kết hợp với đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, giảm chi phí và tổn thất sau thu hoạch.

Có thể khẳng định, năm 2020 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức thì đây là một nỗ lực lớn của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Kết quả đạt được là khá toàn diện, đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Bên cạnh đó, nhằm xây dựng, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục duy trì kết nối với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa nông sản trên địa bàn tỉnh đến các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch; phối hợp với Siêu thị VinMart Tuyên Quang giới thiệu, bày bán các sản phẩm nông lâm thủy sản tại siêu thị.

Hiện nay, toàn tỉnh có 90 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu, trong đó có 47 sản phẩm đã được bảo hộ của Cục Sở hữu Trí tuệ, 43 sản phẩm đã được Cục Sở hữu Trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ; có trên 100 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 24 cơ sở được chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Theo kết quả thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong năm 2020 đã có 79 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và công nhận, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó có 17 sản phẩm hạng 4 sao và 62 sản phẩm hạng 3 sao trên địa bàn 42 xã, phường, thị trấn. Nhiều xã có trên 02 sản phẩm OCOP như Hồng Thái, Thổ Bình, Mỹ Bằng... các sản phẩm như Lạc Chiêm Hóa và Cam sành Hàm Yên đã có phương án mở rộng quy mô sản xuất, liên kết vùng nguyên liệu với các xã khác.

Nhằm tôn vinh, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh cũng như các tỉnh, thành trong cả nước, tháng 01 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức Hội chợ OCOP Tuyên Quang và công bố chỉ dẫn địa lý Cam sành Hàm Yên với quy mô 266 gian hàng. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại là cầu nối để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh tăng cường hoạt động liên kết mở rộng giao thương hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với các hoạt động đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, công tác thông tin truyền thông, phổ biến kiến thức pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản cũng được ngành quan tâm và đẩy mạnh dưới nhiều hình thức. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được tăng cường, triển khai quyết liệt và kịp thời.

Về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã được ngành Nông nghiệp Tuyên Quang thực hiện hiệu quả. Hết năm 2020 có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh lên 47/124 xã. Hoàn thành hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Trong năm, ngành đã triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng đối với 22 cụm công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn; tuyên truyền vận động người dân đầu tư xây dựng các công trình chuồng trại hợp vệ sinh, từ đó góp phần cải thiện vấn đề vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe và đời sống cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2020 là 95%.

Tuyến đường mẫu tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn.

Tuyến đường mẫu tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn.

Năm 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng là năm đầu tiên thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Định hướng tổng thể phát triển ngành Nông nghiệp là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị gia tăng cao và xây dựng nông thôn mới; đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Ngành Nông nghiệp tỉnh đề ra chỉ tiêu cơ bản: Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng trên 4% so với năm trước; sản lượng lương thực đạt trên 34 vạn tấn. Trồng rừng 10.350ha, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 955.000m3, khai thác tre nứa nguyên liệu 30.000 tấn; làm tốt công tác bảo vệ rừng, duy trì độ che phủ của rừng trên 65%. Hoàn thành lắp đặt 100km kênh mương nội đồng bằng cấu kiện bê tông thành mỏng đúc sẵn.

Ngành cũng xác định phát triển ổn định vùng chuyên canh cây ăn quả, cây công nghiệp và một số cây trồng có lợi thế. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng toàn diện, đi vào chiều sâu; từng bước hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, duy trì, giữ vững 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu có thêm 8 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới.

Để ổn định và phát triển nông nghiệp bền vững, ngành Nông nghiệp Tuyên Quang sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tập trung củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; hướng dẫn tổ chức chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh; làm tốt công tác phòng chống thiên tai; quản lý, khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi, công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân và phục vụ tái cơ cấu ngành.

Năm 2020 đã khép lại với những nỗ lực vươn lên của ngành Nông nghiệp Tuyên Quang trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Bước sang năm 2021, để nông nghiệp, nông thôn tiếp tục có những bước khởi sắc, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phối hợp với các cấp, các ngành liên quan thực hiện các chỉ tiêu về sản xuất nông lâm nghiệp được UBND tỉnh giao, tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, tiếp tục phấn đấu hoàn thành những nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

An Nhiên

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nganh-nong-nghiep-tuyen-quang-no-luc-vuot-kho-299478.html