Ngành nông nghiệp vượt 'bão' Covid-19

Là một ngành sản xuất dễ chịu 'tổn thương' bởi thị trường, dịch bệnh, thời điểm này, nông nghiệp Tuyên Quang cũng đang bị tác động không nhỏ do dịch bệnh Covid-19.

Cùng thời điểm này năm trước, diện tích ớt của xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) còn hơn chục ha. Tuy nhiên, thời điểm này, diện tích ớt ở xã này đã giảm xuống chỉ còn chưa đầy 3 ha. Ông Hà Doãn Hộ, Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp Yên Nguyên cho biết, diện tích ớt giảm mạnh là do giá thu mua sản phẩm này đang giảm mạnh. Theo ông Hộ, so với cùng kỳ năm trước, giá thu mua ớt năm nay giảm hơn một nửa, chỉ còn 6 - 7 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc đang bị “đóng băng” bởi dịch bệnh Covid - 19, trong khi đầu ra của ớt Yên Nguyên chủ yếu phụ thuộc vào thị trường này.

Diện tích ớt của người dân xã Ninh Lai (Sơn Dương) đang dần bị thu hẹp lại.

Diện tích ớt của người dân xã Ninh Lai (Sơn Dương) đang dần bị thu hẹp lại.

Tại Sơn Dương, diện tích ớt cũng giảm hơn 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái, còn khoảng 20 ha. Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, nguyên nhân là do giá ớt giảm mạnh, thị trường cũng bị thu hẹp lại, sản phẩm của nông dân trong huyện chủ yếu cung cấp cho các cơ sở chế biến trong nước và tiểu thương một số chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh.

Không chỉ với cây ớt, nhiều nông sản của tỉnh hiện cũng đang gặp khó khăn về đầu ra. Như sản phẩm thịt trâu, bò trong chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo mà nhiều địa phương đang triển khai thực hiện. Anh Phan Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Minh Quang, xã Thanh Tương (Na Hang) cho biết, tổng đàn trâu, bò của hợp tác xã hiện có gần 30 con. Từ cuối năm ngoái đến nay, đầu ra của sản phẩm này đang bị thu hẹp lại do giao thương với phía Trung Quốc nghẽn lại vì dịch bệnh. Ông Minh chia sẻ, việc thị trường xuất khẩu gặp khó cũng là cơ hội để Hợp tác xã tìm hướng đi mới. Hiện, đơn vị này đang tính đến việc đầu tư dây chuyền, máy móc, tiến tới chế biến sâu các sản phẩm từ thịt trâu, bò, đưa thịt trâu bò trở thành sản phẩm đại diện của xã Thanh Tương nói riêng và Na Hang nói chung, tiến tới hình thành sản phẩm chủ lực trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, không phải là tỉnh có sản lượng nông nghiệp xuất khẩu vượt trội, nhưng nông nghiệp Tuyên Quang cũng chịu tác động đáng kể do diễn biến của dịch bệnh Covid - 19. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đại Thành, ngành nông nghiệp cũng nhận thấy trong “nguy” có “cơ”, khi thời điểm này, ngành có cơ hội tiếp tục tái cơ cấu lại sản xuất theo 3 mục tiêu: Thúc đẩy sản xuất trong mọi hoàn cảnh; khống chế dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, không để phát sinh; chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế, có lại đà sản xuất, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu… Giải pháp của ngành nông nghiệp hiện nay là cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng; đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ và tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất… Theo đó, những sản phẩm có cơ hội chinh phục thị trường trong nước sẽ được ưu tiên phát triển. Ngoài xuất bán sản phẩm thô, ngành thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư chế biến sâu nông sản, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/nganh-nong-nghiep-vuot-bao-covid-19!-130438.html