Ngành quản lý quỹ qua những chặng đường phát triển
Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, ngành quản lý quỹ đã có nhiều sự thay đổi cả về số lượng quỹ đầu tư chứng khoán, quy mô tài sản quản lý, cũng như loại hình quỹ đầu tư.
Ngành quản lý quỹ tại Việt Nam bắt đầu hình thành kể từ năm 2003 với sự ra đời của Công ty Liên doanh Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một loại hình tổ chức kinh doanh chứng khoán mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, ngành quản lý quỹ đã có nhiều sự thay đổi cả về số lượng quỹ đầu tư chứng khoán, quy mô tài sản quản lý, cũng như loại hình quỹ đầu tư. Thực tiễn cho thấy tầm quan trọng của các nhà đầu tư tổ chức đối với sự ổn định và bền vững của thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Trong đó, quỹ đầu tư chứng khoán là một nhà đầu tư tổ chức giữ vai trò quan trọng.
Sự phát triển của ngành quỹ trong nước
Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường có 45 công ty quản lý quỹ đang hoạt động bình thường, 4 công ty thuộc dạng tái cấu trúc. Tổng vốn điều lệ tại thời điểm hiện tại của các công ty đang hoạt động đạt gần 3.500 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của các công ty quản lý quỹ tăng đều qua các năm, từ hơn 3.600 tỷ đồng năm 2015 đến 4.300 tỷ đồng tháng 6/2020. Kết quả hoạt động kinh doanh của phần lớn các công ty quản lý quỹ là tương đối ổn định, có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều qua các năm.
Trong giai đoạn vừa qua, tổng tài sản quản lý (AUM) của các công ty quản lý bao gồm hoạt động quản lý danh mục đầu tư và hoạt động quản lý quỹ có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Nếu như vào thời điểm cuối năm 2015, AUM tại các công ty quản lý quỹ là hơn 124 nghìn tỷ đồng thì đến thời điểm tháng 6/2020 là 358 nghìn tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với thời điểm cuối năm 2015.
Sự tăng trưởng này xuất phát từ sự phát triển về quy mô của thị trường và nỗ lực của các công ty quản lý quỹ, trong bối cảnh ngành quản lý quỹ là một ngành mới, nhà đầu tư trong nước chưa có thói quen ủy thác đầu tư mà thường tự đầu tư.
Sự phát triển của các quỹ đầu tư chứng khoán cũng đóng góp một phần đáng kể trong sự tăng trưởng tổng tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ.
Thực tế, trước năm 2012, hầu hết các quỹ hoạt động trên thị trường là quỹ thành viên, chỉ có 4 quỹ đóng đại chúng, chiếm khoảng 20% số lượng quỹ.
Giai đoạn 2012-2020, các quỹ đầu tư đã có sự thay đổi về chất, quỹ thành viên, quỹ đóng dần được thay thế bằng các thế hệ quỹ đại chúng mới như quỹ mở, quỹ ETF, quỹ đầu tư bất động sản.
Đây là các sản phẩm quỹ đầu tư hiện đại, theo thông lệ quốc tế và được đánh giá cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt quỹ mở, quỹ ETF là các loại hình quỹ hoạt động hiệu quả do có phương thức huy động vốn linh hoạt, minh bạch và an toàn hơn cho nhà đầu tư.
Năm 2014, thị trường chứng khoán đánh dấu sự ra đời của quỹ ETF đầu tiên là quỹ ETF VFMVN30. Đến năm 2020, ngành quỹ đã có 5 quỹ ETF; trong đó có 3 quỹ ETF được thành lập mới là quỹ ETF VFM DIAMOND, quỹ ETF SSI FINLEAD và quỹ ETF VinaCapital VN100.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, NAV của quỹ ETF VFM DIAMOND tăng đáng kể từ 102 tỷ đồng lên 1.300 tỷ đồng và quỹ ETF SSI FINLEAD tăng từ 262 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng. Tháng 6/2020, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ ETF là 7.250 tỷ đồng.
Năm 2020, thị trường có 51 quỹ đầu tư chứng khoán, tăng gần gấp hai lần so với năm 2015 là 28 quỹ; trong đó có 41 quỹ đại chúng, chiếm 80% bao gồm 2 quỹ đóng, 33 quỹ mở, 5 quỹ ETF, 1 quỹ đầu tư bất động sản.
Sự tham gia của các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đầu năm 2020 đạt gần 37 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với năm 2015 đạt 14,7 tỷ USD. Trong đó, theo mã số giao dịch đăng ký thì có 2.600 quỹ đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sự tham gia của nhiều quỹ đầu tư nước ngoài góp phần đa dạng hóa cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức.
Việc thu hút được sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư nước ngoài trong thời gian vừa qua là do những chính sách của cơ quan quản lý, cụ thể như sau: Chính sách về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP; Các cải cách thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2015 đến nay; Các hội nghị xúc tiến đầu tư được Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai thành công năm 2018, 2019.
Trong giai đoạn đại dịch vừa qua, nhiều quỹ nước ngoài đã thực hiện cơ cấu lại danh mục đầu tư do giá nhiều cổ phiếu giảm, tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, không có hiện tượng các quỹ đầu tư nước ngoài rút vốn nhiều khỏi Việt Nam.
Một số quỹ nước ngoài có mục tiêu đầu tư lâu dài tại Việt Nam như VEIL của Dragon Capital, VOF VinaCapital, một số quỹ có danh mục đầu tư chủ yếu là cổ phiếu Việt Nam như Vaneck Vietnam Vector ETF, JP Morgan Vietnam Opportunities Fund tiếp tục nắm giữ danh mục đầu tư tại Việt Nam, cho thấy chiến lược đầu tư dài hạn của các quỹ này vào Việt Nam và và sự tin tưởng của họ vào tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Một số thay đổi của Luật Chứng khoán
Những bước phát triển của ngành quản lý quỹ trong giai đoạn 2003-2020 một phần là nhờ hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến lĩnh vực quản lý quỹ đã được ban hành đầy đủ, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan, phù hợp thông lệ quốc tế.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý quỹ đầu tư chứng khoán về cơ bản đã được FSAP đánh giá là đáp ứng hầu hết các chuẩn mực thị trường chứng khoán của IOSCO về quỹ đầu tư chứng khoán và hoàn toàn tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam gia nhập.
Việc ban hành đồng bộ, đầy đủ các văn bản hướng dẫn hoạt động quỹ đầu tư chứng khoán nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu lớn do Chính phủ đặt ra và đã có những tác động tích cực đến thị trường chứng khoán nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên để phát triển hơn nữa ngành quỹ trong tương lai, thực hiện cơ cấu lại các công ty quản lý quỹ theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019, Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính đã soạn thảo các chính sách mới bao gồm Luật Chứng khoán 2019 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Những nội dung sửa đổi tại Luật Chứng khoán 2019 sẽ có những tác động tích cực đối với triển vọng phát triển của ngành quỹ những năm tiếp theo, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Luật Chứng khoán 2019 bổ sung quy định về duy trì điều kiện cấp Giấy phép hoạt động của công ty quản lý quỹ phù hợp với nguyên tắc 30 của IOSCO, theo đó công ty quản lý quỹ luôn phải duy trì vốn chủ sở hữu lớn hơn mức vốn điều lệ tối thiểu và các điều kiện cấp phép về nhân sự và trụ sở.
Thứ hai, Luật Chứng khoán 2019 cũng bổ sung quy định về việc thu hồi Giấy phép hoạt động của công ty quản lý quỹ khi không tiến hành nghiệp vụ quản lý quỹ trong thời hạn 2 năm liên tục. Quy định này sẽ khuyến khích các công ty quản lý quỹ tập trung vào hoạt động kinh doanh chính là thành lập và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về hạn mức đầu tư của quỹ đại chúng nhằm nâng cao tính đa dạng hóa trong danh mục đầu tư của quỹ, giảm mức độ rủi ro và bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn, các hạn mức đầu tư theo sát quy định của UCITs, mở rộng cho phép quỹ đầu tư được đầu tư vào quỹ khác theo hạn mức quy định.
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung quy định khái niệm về quỹ thành viên: nâng mức tối đa số nhà đầu tư tham gia góp vốn lên 99 nhà đầu tư và chỉ là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để phù hợp với mức độ rủi ro của loại hình quỹ thành viên, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ năm, quy định về tách biệt tài sản của khách hàng ủy thác trong hoạt động quản lý danh mục đầu tư và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.
Theo quy định này, tài sản ủy thác của khách hàng ủy thác được đăng ký sở hữu và lưu ký trên tài khoản lưu ký dưới tên của công ty quản lý quỹ nhưng thuộc sở hữu của khách hàng ủy thác, tách biệt với tài khoản của công ty quản lý quỹ và không phải là tài sản của công ty quản lý quỹ. Việc sửa đổi nội dung này sẽ giúp bảo vệ tài sản của nhà đầu tư.
Những sửa đổi bổ sung trên nhằm hoàn thiện hơn khung pháp lý về ngành quỹ, phù hợp với thông lệ quốc tế và trên cơ sở đó thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước, cũng như nguồn vốn đầu tư nước ngoài để phát triển hơn nữa các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, hình thành hệ thống nhà đầu tư có tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, tạo sự ổn định cho thị trường chứng khoán Việt Nam.