Ngành Quản lý thị trường sẽ được đào tạo ở đại học chính quy
Chương trình học ngành Quản lý thị trường sẽ được xây dựng và thực hiện theo các tiêu chuẩn hội nhập và quốc tế. 2/3 chương trình đào tạo là lí thuyết, 1/3 là nghiệp vụ.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thuộc Bộ Công Thương, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, hơn 60 năm thành lập, lực lượng quản lý thị trường hiện nay vẫn chưa được đào tạo chính quy mà chủ yếu là tự học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình làm việc. Hiện Tổng cục QLTT đã đặt hàng Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, ĐH Kinh tế Quốc dân xây dựng chương trình học và triển khai từ năm nay.
Theo thỏa thuận, hai đơn vị sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo đại học và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quản lý thị trường phục vụ hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường; chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại nói riêng, phục vụ sự nghiệp nguồn nhân lực kinh tế nói chung.
Về chương trình học, PGS.TS Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, 2/3 chương trình đào tạo là lí thuyết, 1/3 là nghiệp vụ. Chính các cán bộ QLTT hiện tại cũng sẽ là những người thầy truyền đạt nghiệp vụ cho các sinh viên chuyên ngành. Chương trình được xây dựng và thực hiện theo các tiêu chuẩn hội nhập và quốc tế. "Bắt đầu từ năm nay, Viện sẽ tích hợp các chứng chỉ kiểm soát viên, kiểm soát viên cao cấp trong chương trình đào tạo" - PGS.TS Tạ Văn Lợi nói thêm.
"Cửa khẩu nằm ở cửa nhà của mỗi người dân"
Cũng tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cũng cho biết, trong năm tới, nhiệm vụ chính của QLTT sẽ là đấu tranh chống hàng gian, hàng giả trên môi trường mạng, chứ không phải đi bắt, đi kiểm tra ở ngoài phố.
Ông Trần Hữu Linh cho rằng với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội thì hiện nay "cửa khẩu nằm ở cửa nhà của mỗi người dân". Theo ông Linh, một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử, tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất.
Về vấn đề này, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết thêm: "Hầu như ngày nào đơn vị cũng nhận được thông tin khiếu kiện của người dân về mua hàng online, mua phải hàng kém chất lượng, không giống sản phẩm...",
Được biết, trong năm 2020, lực lượng QLTT trên cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 66 nghìn vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 352 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu chưa bán ước tính hơn 136 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 392 tỷ đồng. Trong đó, đã chuyển cơ quan điều tra, xem xét trách nhiệm hình sự đối với 157 vụ; đã xử lý 26 vụ; đang xem xét 81; 50 vụ được chuyển trả để xử lý vi phạm hành chính.
Về vấn đề chống buôn lậu gian lận hàng giả, hàng nhái, thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An yêu cầu lực lượng QLTT cần xây dựng các phương án, kế hoạch, giải pháp cụ thể và tổ chức triển khai có hiệu quả để bảo đảm trong năm 2021 tiếp tục tạo được sự chuyển biến rõ rệt về công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.