Ngành sắn: Nhiều nhà máy không đủ nguyên liệu để hoạt động

'Hiện cả nước có 13 nhà máy cồn sinh học, 66 nhà máy chế biến tinh bột và hơn 2000 cơ sở chế biến nhỏ lẻ khác. Khi thị trường 'ăn hàng' thì thương lái thu gom xuất cho Trung Quốc, nhiều nhà máy nếu không có hợp đồng liên kết và tổ chức sản xuất nguyên liệu thì hầu như không đủ nguyên liệu để hoạt động' – trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục trồng trọt Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết về bức tranh chung của ngành sắn hiện nay.

Thị trường trồi sụt, xuất khẩu gặp khó

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, từ đầu tháng 7/2019 đến nay, giá sắn nguyên liệu tại các vùng giảm nhẹ, do đầu ra xuất khẩu gặp khó khăn. Hiện nhiều nhà máy chế biến tinh bột sắn đã nghỉ vụ 2018-2019 và triển khai việc bảo dưỡng máy móc, thiết bị.

Tại Tây Ninh, giá sắn thu mua tại nhà máy dao động quanh mức 2.300 – 2.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với cuối tháng 6/2019. Tại Kon Tum, giá sắn thu mua tại nhà máy dao động quanh mức 2.200 – 2400 đồng/kg.

Tồn kho sắn lát hiện đạt khoảng hơn 100.000 tấn. Do giá sắn lát nội địa tăng cao nên các doanh nghiệp chào giá xuất khẩu lên mức 255 USD/tấn FOB Quy Nhơn cho hàng giao tháng 7/2019. Trong khi, các nhà máy Việt Nam đang chào bán giá xuất khẩu tinh bột sắn ổn định so với cuối tháng 6/2019, với mức giá khoảng 420 – 430 USD/tấn FOB cảng TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, số lượng giao dịch không nhiều.

Tháng 6/2019, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều giảm, trừ Hàn Quốc và Philippines. Trong đó, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc giảm 12,6% về lượng và giảm 11,3% về trị giá.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc giảm nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn từ Việt Nam và Thái Lan, trong khi lại tăng nhập từ Campuchia và Lào. Việt Nam là thị trường cung cấp mặt hàng tinh bột sắn lớn thứ 2 cho Trung Quốc, chiếm 21,2% thị phần trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của Trung Quốc, đứng đầu là Thái Lan chiếm 74,8%, Campuchia chiếm 3,9%.

Nhiều nhà máy chế biến sắn không đủ nguyên liệu để hoạt động. (Ảnh Internet)

Nhiều nhà máy chế biến sắn không đủ nguyên liệu để hoạt động. (Ảnh Internet)

Giảm diện tích, tăng năng suất cây trồng

Sắn được đánh giá là cây lương thực có thế mạnh ở Việt Nam, đứng hàng thứ ba sau lúa và ngô. Tuy nhiên, vai trò của cây sắn đã và đang chuyển đổi nhanh chóng, trở thành cây công nghiệp và là cây nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học với tốc độ phát triển cao trong những năm qua. Tinh bột sắn và sắn lát Việt Nam đã trở thành một trong bảy mặt hàng xuất khẩu có triển vọng, được Chính phủ và các địa phương quan tâm phát triển.

Tại Đề án phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định, giảm dần diện tích trồng sắn xuống còn 500 ngàn ha vào năm 2015 và ổn định diện tích 450 ngàn ha vào năm 2020; thâm canh sắn để đạt sản lượng khoảng 11 triệu tấn để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học; sử dụng đất có độ dốc dưới 15o, tầng dày trên 35cm chủ yếu ở Trung du miền núi phía Bắc, Duyên hải Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ để sản xuất.

Tuy nhiên, theo ông Định, sắn là cây hàng năm, diện tích sắn tăng giảm cũng phụ thuộc và giá cả, chủ yếu là giá xuất khẩu sắn lát hoặc tinh bột sắn.

Năm 2016 diện tích sắn cả nước đạt 570 nghìn ha (tăng 12 nghìn ha so năm 2015, vượt so quy hoạch trên 100 ngàn ha); năng suất đạt 191,8 tạ/ha (tăng 2,7 tạ/ha so năm 2007), sản lượng đạt trên 10,9 triệu tấn (tăng 191,9 nghìn tấn so năm 2007). Do cây sắn có lợi thế thấp so các cây trồng nông nghiệp khác, hiện nay và chủ yếu trồng ở vùng đất dốc, sói mòn đất cao, vì vậy định hướng không tăng diện tích sắn, chủ yếu tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng đáp ứng nhu cầu nguyên liệu công nghiệp chế biến trong đó sản xuất cồn chiến khoảng 10 đến 15% sản lượng sắn hàng năm, thức ăn chăn nuôi.

“Để đảm bảo diện tích, tăng sản lượng sắn theo kế hoạch, trong thời gian tới cần tập trung nghiên cứu chuyển giao giống mới năng suất, chất lượng tốt kết hợp đầu tư thâm canh tăng năng suất đồng thời hoàn thiện qui trình canh tác sắn bền vững nhằm phát triển sản xuất sắn ổn định, đảm bảo đủ nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn và Ethanol” – ông Định nói.

Cần bám sát quy hoạch khi xây dựng các nhà máy mới

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Định cho biết, hiện cả nước có 13 nhà máy cồn sinh học với công suất 1.067,7 triệu lít/năm và 66 nhà máy chế biến tinh bột với công suất > 100 tấn bột khô/ ngày cùng hơn 2000 cơ sở chế biến nhỏ lẻ khác. Một số dự án lớn sản xuất Etanol thua lỗ và sản xuất cầm chừng, không đủ nguyên liệu để sản xuất. Khi thị trường “ăn hàng” và giá sắn lát khô cao thì thương lái thu gom xuất cho Trung Quốc và nguồn cung sắn cho chế biến trong nước sẽ bị cạnh tranh mạnh, nhiều nhà máy nếu không có hợp đồng liên kết và tổ chức sản xuất nguyên liệu thì hầu như không đủ nguyên liệu để hoạt động.

Trước tình trạng các nhà máy không đủ nguyên liệu để hoạt động tại một số địa phương như Cao Bằng (Nhà máy chế biến tinh bột sắn Cao Bằng kêu cứu vì không đủ nguyên liệu sản xuất), Tây Ninh (nhiều nhà máy khủng hoảng thiếu nguyên liệu, dừng sản xuất), hay mới đây tại Sơn La – UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn Thuận Châu đã vấp phải sự phản ứng của dư luận về việc đền bù giải phóng mặt bằng và nguyên liệu hiện đang thiếu cho 3 nhà máy đang hoạt động, việc đầu tư thêm nhà máy mới sẽ thêm gánh nặng về vùng nguyên liệu; ông Định cho rằng, việc tiếp tục cấp phép các địa phương cần bám sát quy hoạch và đặc biệt các nhà đầu tư khi xây dựng dự án cần xem xét đánh giá kỹ, đặc biệt vùng nguyên liệu để đảm bảo hiệu quả, khi đã đầu tư mà khả năng hoạt động không đáp ứng công suất, điều đó đồng nghĩa với thua lỗ và phá sản.

“Việc này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến nông dân, đến an ninh kinh tế và xã hội trên địa bàn” – ông Định nhấn mạnh.

Thu Hằng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-san-nhieu-nha-may-khong-du-nguyen-lieu-de-hoat-dong-122771.html