Ngành sản xuất Mỹ suy giảm khiến Dow Jones mất 285 điểm

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm khá mạnh, trong khi đó giá vàng lại thăng hoa bởi sự suy giảm của hoạt động sản xuất tại Mỹ trong tháng vừa qua.

 Trong tháng 8, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Mỹ do Viện Quản lý Cung ứng (ISM) khảo sát, giảm về mức 49,1%, mức thấp nhất kể từ tháng 1-2016. Ảnh: Market Watch

Trong tháng 8, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Mỹ do Viện Quản lý Cung ứng (ISM) khảo sát, giảm về mức 49,1%, mức thấp nhất kể từ tháng 1-2016. Ảnh: Market Watch

Chốt phiên giao dịch hôm 3-9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 285,26 điểm (1,1%) về mức 26.118,02 điểm. Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 0,7% và 1,1%. Trong phiên, chỉ số Dow Jones có lúc giảm đến 425 điểm.

Diễn biến của các chỉ số chứng khoán Mỹ chịu tác động lớn bởi dữ liệu xấu của hoạt động sản xuất trong nước. Thị trường mở cửa với sắc đỏ tràn ngập do tâm lý bi quan của giới đầu tư sau khi Mỹ và Trung Quốc áp thuế mới vào hàng hóa của nhau hôm 1-9 và Trung Quốc quyết định kiện Mỹ ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để phản đối các đợt áp thuế gần đây của Mỹ.

Thị trường giảm mạnh hơn trước thông tin hoạt động sản xuất Mỹ suy giảm. Cổ phiếu của các tập đoàn sản xuất khổng lồ ở chỉ số S&P 500 nằm trong nhóm giảm giá mạnh nhất. Cổ phiếu của Caterpillar và Boeing lần lượt giảm 1,7% và 2,7%. Các cổ phiếu ngành công nghệ như Apple, Nvidia và Qualcomm đều giảm mạnh.

Viện Quản lý Cung ứng (ISM) có trụ sở ở bang Arizona cho biết trong tháng 8, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Mỹ do ISM khảo sát giảm về mức 49,1% so với mức 51,2% trong tháng 7 và đây cũng là mức thấp nhất của chỉ số này kể từ tháng 1-2016. Chỉ số PMI dưới 50% cho thấy hoạt động sản xuất đang suy giảm.

Trong tháng 8, đơn hàng mới của các nhà máy của Mỹ giảm 3,6 điểm về mức 47,2% và chỉ số sản xuất cũng giảm 1,3 điểm về mức 49,5%. Chỉ có 9 trong 19 ngành công nghiệp sản xuất ghi nhận tăng trưởng trong tháng trước.
ISM cho biết cuộc khảo sát ý kiến của các nhà quản lý cung ứng trong tháng 8 phản ánh “sự suy giảm đáng chú ý về niềm tin kinh doanh”.

Chỉ số PMI ngành sản xuất Mỹ suy giảm cho thấy ngành sản xuất Mỹ đang chịu tác động mạnh từ các căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Chỉ số này đã mất gần 10 điểm kể từ khi hai nền kinh tế thế giới lao vào cuộc chiến thương mại kể từ mùa hè năm ngoái.

Câu hỏi lớn hơn là liệu tín hiệu suy giảm ở ngành sản xuất Mỹ có dẫn đến sự suy yếu mạnh trong nền kinh tế nước này trên bình diện lớn hơn hay không. Giới phân tích cho rằng điều này có thể xảy ra nếu các doanh nghiệp Mỹ ngừng tuyển dụng và bắt đầu sa thải lao động.

 Hoạt động sản xuất Mỹ suy giảm làm gia tăng các mối lo ngại về nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ. Ảnh: Reuters

Hoạt động sản xuất Mỹ suy giảm làm gia tăng các mối lo ngại về nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ. Ảnh: Reuters

“Sản xuất có lẽ là khu vực bất ổn nhất trong nền kinh tế Mỹ”, Stephen Lee, nhà phân tích của công ty Logan Capital Management, nói.

Chris Rupkey, nhà kinh tế trưởng ở Ngân hàng MUFG Union Bank, nhận định: “Cuộc chiến thương mại của Mỹ với thế giới đã khoét một vết lõm lớn trong niềm tin của các nhà sản xuất”.

Jim O'Sullivan, nhà kinh tế trưởng Mỹ ở công ty High Frequency Economics, cho biết chỉ số PMI nằm sát dưới 50% là chưa đủ để báo hiệu cơn suy thoái kinh tế sắp diễn ra vì thông thường kinh tế Mỹ chỉ suy giảm khi chỉ số này lùi về gần sát 40%. Tuy nhiên, ông cho rằng báo cáo mới của ISM làm gia tăng các lo ngại về khả năng PMI ngành sản xuất Mỹ tiếp tục suy yếu hơn nữa trong những tháng tới.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo trên Twitter rằng, Bắc Kinh sẽ đối mặt với các điều khoản cứng rắn hơn nếu như hai bên không thể giải quyết bất đồng thương mại nếu ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2020.

Một diễn biến đáng chú ý khác trong ngày 3-9 là đồng bảng Anh có lúc giảm về mức thấp nhất so với đồng đô la Mỹ trong 34 năm với mức 1 bảng ăn 1,1789 đô la Mỹ sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson đe dọa tổ chức cuộc tổng tuyển cử sớm vào giữa tháng 10, nếu các nghị sĩ Anh vẫn tìm cách phá vỡ kế hoạch của ông về việc đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU) vào thời hạn cuối 31-10 dù có đạt được thỏa thuận với Brussels hay không.

Các lo ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu khiến giá dầu thô trên thị trường quốc tế giảm mạnh.

Chốt phiên giao dịch hôm 3-9, giá dầu Tây Texas trên thị trường New York giảm 2,1% về mức 53,94 đô la Mỹ/thùng, trong khi đó, giá dầu Brent tại thị trường London mất 0,7%, về mức 58,26 đô la/thùng.

Theo WSJ, Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293579/nganh-san-xuat-my-suy-giam-khien-dow-jones-mat-285-diem.html