Ngành Tài chính: Bước đột phá của cải cách hành chính và hiện đại hóa

Dấu ấn trong cải cách hiện đại hóa của ngành Tài chính nhiệm kỳ qua đã đem lại hiệu quả rõ rệt, không chỉ cho công tác quản lý mà còn hỗ trợ rất lớn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo đà tăng trưởng bền vững.

Bộ Tài chính tiếp tục triển khai đẩy mạnh cải cách hành chính với trọng tâm là tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ Tài chính tiếp tục triển khai đẩy mạnh cải cách hành chính với trọng tâm là tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Ứng dụng công nghệ hỗ trợ tối đa lĩnh vực thuế, hải quan

Áp lực phải thay đổi, phải cải cách là hiện hữu đối với ngành Tài chính từ hàng chục năm qua, nhưng giai đoạn gần đây, công tác cải cách hiện đại hóa đã ngày càng thực chất hơn, đảm bảo hiện đại, bao quát đầy đủ các lĩnh vực nghiệp vụ của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, đưa các quy trình quản lý hiện đại vào công tác quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN).

Bộ Tài chính là đơn vị đầu tiên trong khối bộ, ngành đã ban hành Nghị quyết và kế hoạch hành động triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Bộ Tài chính đã ứng dụng sâu, rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính như: quản lý điều hành NSNN, hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis), thanh toán điện tử và quản lý trái phiếu chính phủ, quản lý trong lĩnh vực thuế - hải quan, triển khai thuế điện tử, hải quan điện tử, Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, quản lý nợ công, quản lý giá, quản lý tài sản công...

Kết quả của nỗ lực đó là Bộ Tài chính 8 năm liền dẫn đầu khối các bộ, ngành về chỉ số mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT Index). Đặc biệt, năm 2018 Bộ Tài chính đã được Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) trao giải thưởng ASOCIO trong hạng mục Tổ chức ứng dụng CNTT xuất sắc. Đây là lần đầu tiên một cơ quan của Chính phủ Việt Nam nhận được giải thưởng danh giá này. Kết quả thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về những nỗ lực triển khai ứng dụng CNTT của Bộ Tài chính nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Đặc biệt là trong lĩnh vực thuế và hải quan đã có quyết tâm và nỗ lực lớn để triển khai tốt các nghị quyết của Chính phủ như triển khai ứng dụng CNTT hỗ trợ kê khai thuế, hải quan điện tử đều vượt chỉ tiêu đề ra: số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử đã đạt 99,98% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong cả nước; 99% doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; 94,73% số hồ sơ thực hiện theo phương thức hoàn thuế điện tử; hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc.

Cải cách đột phá để phát triển

Những cải cách mạnh mẽ đối với lĩnh vực thuế trong giai đoạn 2016 - 2020 đã giúp nâng 64 bậc xếp hạng về chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội của Việt Nam theo đánh giá của World Bank tại báo cáo Doing Business từ vị trí 173 (năm 2015) lên vị trí 109 (năm 2020).

Theo Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC) thì chi phí tuân thủ thuế, hải quan thuộc 3 nhóm tốt nhất trong 8 nhóm thủ tục. Theo Báo cáo môi trường kinh doanh được Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 10/2019 thì Chỉ số về thuế của Việt Nam đã tăng 22 bậc, từ vị trí 131 lên thứ 109/190. Những kết quả cải cách hành chính của Bộ Tài chính từ năm 2016 đến nay luôn nằm trong nhóm 3 bộ, ngành có chỉ số cải cách hành chính (Par Index) tốt nhất và gần đây nhất, năm 2019 giữ vị trí thứ 2/17 bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số cải cách hành chính.

Dành sự quan tâm đặc biệt đối với ngành Tài chính, những phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng là động lực để ngành phấn đấu từng ngày. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Chính phủ, các cấp, các ngành, cả nước đều kỳ vọng, muốn các đồng chí đổi mới mạnh mẽ, chỉ đạo đột phá trong tư duy phát triển để chính sách tài khóa nói riêng, chính sách tài chính nói chung thực sự tạo ra những động lực to lớn cho nền kinh tế phục hồi, phát triển”. Muốn đổi mới mạnh mẽ, tạo bước đột phá, ngành Tài chính phải nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đề ra. Một trong những định hướng xuyên suốt, được Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm đó là đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Chỉ có coi doanh nghiệp là trung tâm, từ đó mới cải thiện được sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và quay trở lại có tăng thu về cho ngân sách.

Trong thời gian tới, một loạt giải pháp sẽ được Bộ Tài chính tiếp tục triển khai, đó là: đẩy mạnh cải cách hành chính với trọng tâm là tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; mở rộng ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; tăng cường cải cách và thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát đối với TTHC...

100% thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát cắt giảm 304 thủ tục hành chính; sửa đổi, đơn giản hóa 265 thủ tục hành chính. Kết quả tính đến tháng 11/2020, tổng số thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 979, cụ thể: lĩnh vực thuế là 304 thủ tục hành chính, lĩnh vực hải quan là 228 thủ tục hành chính, lĩnh vực chứng khoán là 184 thủ tục hành chính, lĩnh vực kho bạc là 11 thủ tục hành chính, lĩnh vực dự trữ là 7 thủ tục hành chính và lĩnh vực tài chính khác là 245 thủ tục hành chính. Trong đó, 100% thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tổng số thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 là 585 thủ tục, đạt gần 60% tổng số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2020-12-12/nganh-tai-chinh-buoc-dot-pha-cua-cai-cach-hanh-chinh-va-hien-dai-hoa-96753.aspx