Ngành Tài chính Gia Lai góp phần thực hiện thắng lợi 'mục tiêu kép'
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, ngay từ đầu năm 2021, ngành Tài chính đề ra các giải pháp điều hành hiệu quả dự toán tài chính ngân sách nhà nước. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Anh Dũng-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính.
* P.V: Năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn đối với kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng, song ngành Tài chính vẫn hoàn thành mục tiêu đề ra. Vậy, đâu là điểm nổi bật nhất, thưa ông?
- Ông NGUYỄN ANH DŨNG: Năm 2020, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 kéo dài và thời tiết diễn biến bất thường. Bên cạnh đó, Chính phủ thực hiện các giải pháp miễn, giảm thuế, giãn thuế, phí nên ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách.
Dự lường các yếu tố trên, Sở Tài chính đã tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kịch bản quản lý, điều hành ngân sách, trong đó, tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai các giải pháp thực hiện thu ngân sách: theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, phân tích, đánh giá cụ thể từng địa bàn, từng lĩnh vực, từng sắc thuế để thực hiện việc khai thác có hiệu quả các nguồn thu. Tổng thu ngân sách năm 2020 là 4.582 tỷ đồng, đạt 100,3% kế hoạch Trung ương giao, tăng 0,6% so với năm 2019, đạt 88,1% so với Nghị quyết HĐND tỉnh giao.
Sở Tài chính cũng đã đề xuất UBND tỉnh thực hiện việc cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, chủ động bố trí nguồn kinh phí đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên, chi đột xuất, đặc biệt là chi cho công tác phòng-chống dịch bệnh, chi an sinh xã hội, chi hỗ trợ người dân gặp thiên tai, xây dựng phương án điều hành ngân sách để đảm bảo cân đối ngân sách trong điều kiện số thu không đạt so với Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Tổng chi ngân sách đã thực hiện gần 12.912,8 tỷ đồng, đạt 99,9% dự toán Trung ương giao, tăng 1,9% so với năm 2019. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công đạt tới 90,1% so với kế hoạch vốn giao.
* P.V: Tuy nhiên, so với dự toán HĐND tỉnh giao thì chưa đạt. Ông có thể chia sẻ gì về điều này?
- Ông NGUYỄN ANH DŨNG: Năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Do đó, các khoản thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương, khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân giảm sút, dẫn đến thu ngân sách chỉ đạt 88,4% so với dự toán HĐND tỉnh giao, giảm thu ngân sách tới 618 tỷ đồng.
Dự lường ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiên tai xảy ra trên địa bàn, Sở Tài chính đã tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai các giải pháp điều hành ngân sách, các giải pháp tăng thu ngân sách, gắn với việc rà soát, lồng ghép, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 thực hiện 4.582 tỷ đồng, đạt 88,4% so với Nghị quyết HĐND tỉnh. Trên cơ sở thực tế nguồn thu và nhu cầu chi trên địa bàn, Sở Tài chính tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng phương án điều hành ngân sách trong điều kiện số thu không đạt so với nghị quyết HĐND tỉnh giao.
Trong năm qua, Sở Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo có hiệu quả các giải pháp tăng thu ngân sách gắn với nhu cầu chi thường xuyên, chi đột xuất, đặc biệt là chi cho phòng-chống dịch Covid-19, hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội.
* P.V: Theo dự báo, năm 2021 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Vậy ngành Tài chính đã chuẩn bị những gì để có thể đạt mục tiêu đề ra, thưa ông?
- Ông NGUYỄN ANH DŨNG: Dự toán thu ngân sách năm 2021 là 5.047 tỷ đồng. Do đó, ngành Tài chính tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện các giải pháp thu nội địa nhằm nuôi dưỡng nguồn thu bền vững, tích cực khai thác nguồn thu từ các dự án đầu tư mới, có giải pháp đối với từng địa bàn, khoản thu, sắc thuế, quyết liệt xử lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế.
Đối với các dự án của tỉnh, Sở Tài chính phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án nông nghiệp công nghệ cao, dự án năng lượng tái tạo… nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên, góp phần tạo ra sản phẩm, tạo nguồn thu ổn định.
Đối với chi ngân sách nhà nước, căn cứ vào dự toán phân bổ ngân sách nhà nước thực hiện chi đúng, chi đủ, chi hiệu quả các nguồn ngân sách phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung đầu tư các dự án cấp bách, công trình trọng điểm nhằm khai thác tạo lập nguồn thu, sớm phát huy nguồn thu cho ngân sách, đảm bảo nhu cầu nhiệm vụ chi quốc phòng-an ninh và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách, đảm bảo triệt để tiết kiệm-chống lãng phí.
* P.V: Xin cảm ơn ông!