Ngành Tài chính thực hiện cải cách trong phòng chống tham nhũng

Thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng số 36/2018/QH14 ngày 20/11/2018 và các nghị định, thông tư hướng dẫn, Bộ Tài chính đã tích cực cải cách hành chính trong công tác phòng chống tham nhũng và triển khai với nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Phòng chống tham nhũng trong mọi lĩnh vực hoạt động

Ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN), Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện nghiêm túc kết luận của Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN, tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm phát hiện, xử lý tình trạng “tham nhũng vặt” và đẩy nhanh tiến độ công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra đối với các vụ án tham nhũng về kinh tế.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập trung vào lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng như thuế, hải quan, công tác tổ chức cán bộ, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm; công khai số liệu về nợ công, công tác thanh tra, kiểm tra… trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính và các hình thức công khai khác theo quy định của Luật PCTN. Các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành, thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính cũng được đăng tải kịp thời trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và các đơn vị trong ngành để người dân thuận tiện tiếp cận, tra cứu và giám sát.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính đều xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhằm giúp cho cán bộ, công chức chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Ngay từ cuối năm 2021, Bộ Tài chính đã xác định công tác cải cách hành chính là một trong những giải pháp hàng đầu, đóng vai trò thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển của ngành năm 2022. Theo đó, Bộ Tài chính đã xây dựng và ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 với những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm tiếp tục đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả công tác cải cách hành chính. Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 của Bộ Tài chính đã bám sát 7 nội dung của công tác cải cách hành chính, đề ra 63 nhóm nhiệm vụ với 159 sản phẩm, hoạt động đầu ra cụ thể, xác định rõ căn cứ, trách nhiệm của từng đơn vị chủ trì, phối hợp cũng như tiến độ rõ ràng.

Việc PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước cũng được triển khai kịp thời. Theo đó, Bộ Tài chính đã thể chế hóa qua các nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán về ngăn ngừa, kiểm soát xung đột trong công ty đại chúng, việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị liên quan đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử nhằm tuyên truyền, phổ biến Luật PCTN quy định về các biện pháp PCTN trong doanh nghiệp; công ty đại chúng, doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức mình.

Đẩy mạnh kiểm soát nội bộ tránh tình trạng nhũng nhiễu

Ông Trần Huy Trường cho biết, để công tác PCTN ngày càng đi vào thực chất, giúp công tác quản lý nội ngành minh bạch, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách, chú trọng phát hiện những sơ hở, bất cập trong thể chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thủ tục hành chính; đồng thời tăng cường kiểm soát quyền lực trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở địa phương và các đơn vị ngành dọc thuộc trung ương quản lý trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN; xác định rõ cơ chế quản lý, cơ chế chịu trách nhiệm và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy đảng, cơ quan, tổ chức đơn vị.

Đẩy mạnh các biện pháp quản lý, kiểm soát nội bộ, để khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý của cơ quan, đơn vị mình.

Các đơn vị kiểm tra, kiểm soát việc thi hành công vụ, nhiệm vụ, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình để phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng “tham nhũng vặt”.

Trong quý I/2022, toàn ngành Tài chính đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 130 đơn vị (11 đơn vị thuế, 16 đơn vị kho bạc nhà nước). Kết quả cho thấy, cán bộ, công chức đều nghiêm túc chấp hành đúng quy định trong thực thi công vụ, không có thái độ cửa quyền, hách dịch gây phiền hà cho đơn vị.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-tai-chinh-thuc-hien-cai-cach-trong-phong-chong-tham-nhung-103922.html