Ngành Tài chính tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống tham nhũng

Bằng việc triển khai nghiêm túc các quy tắc ứng xử và liên tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính đã giúp cho công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn ngành Tài chính có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tham nhũng, lãng phí.

Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính chủ động xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp, giúp cán bộ, chấp hành nghiêm quy định. Ảnh tư liệu

Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính chủ động xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp, giúp cán bộ, chấp hành nghiêm quy định. Ảnh tư liệu

Tăng cường thanh tra, kiểm tra và cải cách thủ tục hành chính

Ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, để công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) trong toàn ngành Tài chính ngày càng đi vào nền nếp, mang lại hiệu quả cao, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Thanh tra Bộ và các đơn vị thuộc Bộ được giao thực hiện thanh tra chuyên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (TTKT) trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban chỉ đạo.

Tích cực tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã tổ chức 271 cuộc họp, hội nghị, lớp học tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng với hơn 19.753 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó, tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật. Đẩy mạnh đôn đốc việc thực hiện kết luận, chỉ đạo sau TTKT. Tiếp tục thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình TTKT, kiểm soát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính.

Đặc biệt, để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ đã xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhằm giúp cho cán bộ, công chức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành Tài chính đã tiến hành kiểm tra 320 cơ quan, tổ chức, đơn vị về việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. Kết quả hầu hết các cán bộ, công chức đều nghiêm túc chấp hành đúng quy định trong thực thi công vụ, không có thái độ cửa quyền, hách dịch gây phiền hà cho đơn vị.

Xác định việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là giải pháp cốt lõi giúp ngăn ngừa những hành vi tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt, Bộ Tài chính đã thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC nhằm đề xuất bãi bỏ những TTHC không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện.

Từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/6/2024, Bộ Tài chính đã rà soát và ban hành 7 quyết định công bố bãi bỏ 40 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế 29 TTHC; công bố mới 12 TTHC. Trên cơ sở quyết định công bố, Bộ Tài chính đã thực hiện việc công khai, cập nhật đầy đủ và kịp thời lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng Thông tin điện tử của Bộ và trụ sở cơ quan tiếp nhận, thực hiện TTHC theo đúng quy định.

Ngoài ra, để PCTN, TC tận gốc, Bộ Tài chính đã tăng cường công tác kiểm tra nội bộ tại các đơn vị để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ công chức, người lao động trong toàn ngành. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành Tài chính đã thực hiện 804 cuộc kiểm tra nội bộ, qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính trên 20,2 tỷ đồng. Số tiền đã thu nộp NSNN trên 14 tỷ đồng (bao gồm số thu lũy kế của các kiến nghị trước); đồng thời kiến nghị chấn chỉnh, xử lý kiểm điểm trách nhiệm theo quy định.

Tiếp tục kiểm tra, giám sát người đứng đầu đơn vị

Đánh giá về công tác PCTN, TC của ngành Tài chính trong 6 tháng đầu năm, ông Trần Huy Trường cho biết, đã có những chuyển biến tích cực trong hành động và nhận thức của cán bộ, công chức. Do đó, công tác PCTN, TC đã thu được những kết quả quan trọng, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tham nhũng tiêu cực, lãng phí; đáp ứng kịp thời, hiệu quả theo yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo ông Trường, hiện nay phương thức thanh toán điện tử hạn chế dùng tiền mặt trong xã hội mới chỉ dừng lại ở phạm vi bắt buộc đối với các doanh nghiệp trong các quy định của pháp luật thuế mà chưa có sự khuyến khích việc thanh toán qua ngân hàng trong tiêu dùng của các cá nhân, nên việc kiểm soát phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế.

Do đó, nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh PCTN, TC, khắc phục những hạn chế, yếu kém để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, ông Trường cho biết, ngành Tài chính tiếp tục thực nghiêm các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTN, TC trong công tác cán bộ, điều tra, truy tố xét xử, thi hành án; TTKT, quản lý tài chính, tài sản công.

Đồng thời, toàn ngành tăng cường công tác TTKT việc chấp hành các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng. Đẩy mạnh công tác TTKT công vụ để kịp thời chấn chỉnh các vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với công chức, viên chức vi phạm quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm trong quá trình thực thi công vụ.

Tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát nội bộ để khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết TTHC, giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý của cơ quan, đơn vị mình như: Công bố công khai địa chỉ thư điện tử, số điện thoại tiếp nhận thông tin, phản ánh về hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý.

Đặc biệt, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, toàn ngành tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; việc thực hiện các kết luận, chấn chỉnh sau TTKT; việc thực hiện các quy định, quy chế về công tác tổ chức cán bộ, nhất là trong việc tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với thủ trưởng các đơn vị để xảy ra sai phạm, cá nhân công chức có biểu hiện chuyên quyền, độc đoán, thiếu dân chủ và có sai phạm trong công tác quản lý cán bộ./.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-tai-chinh-tich-cuc-chu-dong-trong-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-154609.html