Ngành Tài nguyên và Môi trường triển khai 3 trọng tâm trong xây dựng Chính phủ số
Thực hiện lộ trình xây dựng Chính phủ số, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung vào 3 trọng tâm chính là kết nối liên thông trong quản lý điều hành, số hóa cơ sở dữ liệu và an toàn thông tin.
Theo ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), 84 dịch vụ công trực tuyến của Bộ đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 100 %. Đến nay danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình gồm 60 thủ tục; trong đó danh mục đủ điều kiện thực hiện cấp trung ương là 41 thủ tục, danh mục đủ điều kiện thực hiện cấp tỉnh là 19 thủ tục.
Cụ thể, 41 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình cấp trung ương gồm: 9 thủ tục thuộc lĩnh vực môi trường; 13 thủ tục thuộc lĩnh vực biến đổi khí hậu; 2 thủ tục lĩnh vực khí tượng thủy văn; 10 thủ tục lĩnh vực tài nguyên nước; lĩnh vực đo đạc và bản đồ có 3 thủ tục; lĩnh vực đất đai 2 thủ tục; lĩnh vực biển và hải đảo 1 thủ tục; lĩnh vực địa chất và khoáng sản 1 thủ tục.
Để xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, Bộ đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Trong đó cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng thống nhất từ Trung ương đến địa phương và được triển khai mạnh mẽ nhất, nhằm hướng đến xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu; tập trung, thống nhất để dự kiến hoàn thành vào năm 2025 theo Luật Đất đai năm 2024.
Cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng ở 2 cấp trung ương và địa phương. Ở cấp trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng xong 4 dữ liệu thành phần gồm dữ liệu về hiện trạng sử dụng đất cấp vùng và cả nước; dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; dữ liệu về khung giá đất; dữ liệu về điều tra cơ bản về đất đai cấp vùng và cả nước.