Ngành than và câu chuyện 'nửa đời nhìn lại'

Xoay quanh chủ đề bao trùm: Ngành than đứng ở vị trí nào trong tiến trình phát triển của Quảng Ninh 60 năm qua, buổi tiếp xúc giữa chúng tôi với ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Than Quảng Ninh diễn ra cởi mở, với nhiều tâm sự hơn là một cuộc trả lời phỏng vấn.

Ngành than đang trong hành trình bứt phá mạnh mẽ. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty tuyển than Cửa Ông Ảnh: TKV

Ngành than đang trong hành trình bứt phá mạnh mẽ. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty tuyển than Cửa Ông Ảnh: TKV

Ông gọi ngành than những năm trước đổi mới là “nền công nghiệp sơ khai”, thời gian này kéo dài trong bao lâu?

Kéo dài hàng thập kỷ. Theo niên giám của chúng tôi, chính xác là từ năm 1955 đến năm 1986. Bởi vì chiến tranh, hạ tầng công nghiệp mỏ khi ta tiếp quản hết sức lạc hậu, sơ sài. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960 - 1965) khi công cuộc khôi phục vẫn còn bề bộn, ngành than đã phải đối phó với liên tiếp hai đợt chiến tranh phá hoại tàn khốc của không quân Mỹ. Sau năm 1975, đất nước lại phải chống trả liền hai cuộc chiến tranh biên giới. Vậy là, chúng tôi đã lại mất đi vô số cơ hội để rút ngắn thời gian tái thiết, dồn sức cho phát triển.

Vì lẽ ấy, bao nhiêu năm, ngành than vùng vẫy trong cơ chế sản xuất kế hoạch hóa tập trung mà không sao tiếp cận được với những mô hình quản lý tiến bộ. Khốn khó của giai đoạn này là năng suất lao động đã thấp, than lại không bán được, có bán được thì cũng rất rẻ mạt. Câu chuyện "con gà đá bay tấn than", tức giá bán cả tấn than không mua nổi con gà là sự thật đau lòng. Có mỏ ngân khố cạn kiệt, phải trả lương công nhân bằng chính hòn than mà họ đào ra. Đấy là những chuyện buồn không thể tin được của một thời cách đây 30 năm. Nhìn lại một cách điềm tĩnh thì đó chính là giai đoạn lửa thử vàng.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Than Quảng Ninh

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Than Quảng Ninh

Vậy thì giai đoạn tiếp theo của ngành than diễn ra như thế nào, thưa ông?

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới, thay thế chế độ bao cấp bằng nền kinh tế thị trường. Ngành than luôn chờ đợi cơ hội này, nhưng khi nó xuất hiện lại không đủ tiềm lực để đón nhận. Trước nhất là nguồn tài chính thiếu hụt trầm trọng. Cầm cự sản xuất, ổn định việc làm và đồng lương cho thợ mỏ trong điều kiện mọi tiêu chuẩn: lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đều không còn bao cấp, trở thành gánh nặng cực kỳ nan giải. Áp lực của đời sống chung đã đẻ ra vô vàn hệ lụy. Tình trạng khai thác, kinh doanh than trái phép tàn phá môi trường, xâm hại tài nguyên và lũng đoạn trật tự xã hội là những vấn nạn nhức nhối ở vùng mỏ. Đây không phải là câu chuyện của một ngày.

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, đến năm 1884, vùng than Hòn Gai, Cẩm Phả cùng nhiều khu vực khoáng sản giàu có thuộc vòng cung Đông Bắc lần lượt trở thành nhượng địa của chủ thực dân người Pháp. Giai cấp thợ mỏ hình thành và cuộc tranh đấu mất còn để giành giật áo cơm, quyền sống kéo dài suốt 111 năm, tận đến ngày vùng mỏ hoàn toàn giải phóng (25/4/1955).

Tiếp quản chưa đầy 1 tháng, Xí nghiệp quốc doanh Than Hòn Gai - đơn vị đầu tiên của ngành mỏ chịu trách nhiệm quản lý tài nguyên và khai thác tại hai vùng Hòn Gai - Cẩm Phả được gấp rút thành lập, vừa bắt tay ngay vào khôi phục hạ tầng, vừa cung cấp sản phẩm cho nền công nghiệp sơ khai của đất nước.

Năm 1963, tỉnh Quảng Ninh được thành lập. Tên gọi này đã đi vào tiềm thức và niềm tự hào của vùng đất rộng 6.000 km2, nơi chung sống của 21 dân tộc anh em. Đặc biệt là cộng đồng thợ mỏ rất trung kiên, với sức cống hiến bền bỉ vì sự vẹn toàn, phồn thịnh của Quảng Ninh trong suốt 60 năm qua.

Trên thực tế, nó đã kéo dài gần một thập kỷ. Năm 1994, Tổng công ty Than Việt Nam (TVN) ra đời. Việc làm đầu tiên là tổ chức lại mô hình sản xuất - kinh doanh, lấy thị trường làm thước đo tiêu chuẩn. Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu; huy động mọi nguồn vốn xúc tiến đầu tư, không ngừng đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất; phối hợp với các địa phương thực hiện phân vùng, quy hoạch lại ranh giới mỏ để tăng cường quản lý, xóa sổ nạn than thổ phỉ. TVN cũng đã dành hẳn mức đầu tư cố định trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm cho công tác trồng rừng bảo vệ môi trường; khép kín mạng lưới đường vận tải mỏ; thiết lập hoàn chỉnh hệ thống trạm xử lý nước thải trên tất cả các khu vực sản xuất trực thuộc ngành...

Rất khó liệt kê đầy đủ những gì ngành than đã đổ vào để làm thay đổi cục diện mang tính nền tảng ở giai đoạn này. Biết rằng, trước năm 1995, tổng sản lượng than khai thác của toàn ngành mới ở mức 7,5 triệu tấn/năm. Năm 2005 vọt lên 31,3 triệu tấn. Những giai đoạn sau này, sản lượng than trung bình của TVN đều không dưới 40 triệu tấn/năm. Doanh thu tăng gấp 40 lần vào năm 2015 và nộp ngân sách nhà nước 1.600 tỷ đồng mỗi năm.

Như vậy là cuộc cách tân về mô hình quản lý vận hành và nền tảng công nghệ tiên tiến đã đưa TVN lên một lộ trình mới thật sự phong quang. Có một con số khá thú vị dù người ta ít nhắc tới, đó là trong khoảng thời gian sau năm 1995, TVN đã thu nạp trên 5.000 lao động vốn là "tàn binh than thổ phỉ". Họ được kèm cặp, giáo dục, gửi vào các trường dạy nghề và khi tung vào thực tiễn đã trở thành một lớp thợ mỏ vững vàng thực thụ.

Ông có thể khái quát chi tiết hơn về tổng thể phát triển của TKV giai đoạn hiện nay?

Tháng 8/2005, Tổng công ty Than được nâng cấp thành Tập đoàn Than Việt Nam. Ngày 26/12/2005, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định sáp nhập Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam vào Tập đoàn Than và tên gọi Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chính thức trở thành thương hiệu mới mang tầm vóc của một tập đoàn kinh tế đa ngành và hùng hậu. TKV đã hội đủ những điều kiện cốt lõi nhất về tiềm lực kinh tế - kỹ thuật; về đội ngũ con người và chiến lược phát triển có tầm nhìn rộng lớn.

Có thể thấy, giai đoạn hiện nay, TKV đang vững bước trên hành trình đã chọn.

Về than, trên cơ sở tổng trữ lượng tài nguyên đã khảo sát (xấp xỉ 49 tỷ tấn), chúng tôi đang thực hiện theo biểu đồ khai thác đến năm 2030 với mức sản lượng 55 - 57 triệu tấn, đáp ứng cơ bản nhu cầu an ninh năng lượng quốc gia. Cùng với việc đẩy mạnh chương trình cơ giới hóa hầm lò, kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, nỗ lực đưa sản xuất xuống sâu, tiến tới khép lại toàn bộ mảng khai thác lộ thiên, nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng bất lợi tới môi trường.

Ở một bình diện khác, TKV khẩn trương lên phương án sáp nhập các mỏ lớn giáp ranh tương đồng về vỉa nhằm hợp lý hóa sản xuất, tinh giản bộ máy quản lý, đồng thời đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, tạo ra sức cạnh tranh chủ động, bảo đảm công bằng cho tất cả doanh nghiệp thành viên cùng phát triển.

Hiện tại, TKV quản lý, vận hành 7 nhà máy điện công suất 1.550 MW do Tập đoàn đầu tư xây dựng, chiếm 5% tổng sản lượng của điện lưới quốc gia. Công nghiệp hóa chất mỏ, ngoài cung cấp các loại vật liệu nổ phục vụ cho ngành than, còn đáp ứng nhu cầu quốc phòng cùng 29 đầu mối kinh tế quan trọng trong cả nước. Ngành công nghiệp cơ khí của TKV cũng đã chuyển hướng chuyên hóa, tạo ra các sản phẩm độc quyền dùng cho hầm lò, đồng thời liên doanh với nước ngoài lắp ráp, chế tạo các loại thiết bị mỏ hiện đại và đóng thành công cỡ tàu biển trọng tải lớn.

Với công nghiệp khoáng sản, hiện nay TKV đã có cả một hệ thống nhà máy, tổ hợp chuyên khai thác quặng, sản xuất sắt thép và tinh luyện kim loại màu phân bố dọc 2/3 chiều dài đất nước. Điều quan trọng là TKV luôn giữ vai trò động lực trong giải quyết việc làm và góp phần ổn định đời sống xã hội các cộng đồng khu vực nơi mà họ có mặt.

Trở lại vùng đất ra đời của giai cấp công nhân mỏ, theo ông, TKV đứng ở vị trí nào trên hành trình xây dựng và phát triển của Quảng Ninh 60 năm qua?

Hiển nhiên, nếu không có vùng mỏ, sẽ không có giai cấp công nhân mỏ. Càng không có ngọn cờ "Kỷ luật - Đồng tâm" mà những người cộng sản trung kiên đã giương cao, làm nên những cuộc đình công rung trời chuyển đất cho tới ngày vùng mỏ hoàn toàn giải phóng. Đấy chính là phẩm chất “vàng ròng” được hun đúc từ nguồn cội đã sản sinh ra giai cấp thợ mỏ và nó bền bỉ như một dòng chảy ngầm bất diệt.

Tên gọi Quảng Ninh chính thức ra đời trên sự hợp nhất giữa tỉnh Hải Ninh và Khu mỏ Hồng Quảng. Năm 1965, chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ bắt đầu tàn phá miền Bắc. Ngay trong thời khắc này, lập tức 2.000 tự vệ mỏ thuộc Binh đoàn Than đã cầm súng tình nguyện ra mặt trận. Người Quảng Ninh vẫn làm than, cấy lúa, trồng rừng, đánh cá.

Đặc biệt là khu vực vùng mỏ, công nhân trở thành lực lượng "tay búa - tay súng", vừa sản xuất, vừa đánh trả kẻ thù, bắn rơi 200 máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái trong cuộc chiến tranh phá hoại. Nhiều thợ mỏ đã hy sinh trong chiến đấu, nhiều người trở thành anh hùng. Sau chiến tranh là giai đoạn đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế kéo dài, thợ mỏ là tầng lớp chịu đựng đói khổ, gian truân nhiều nhất. Họ phải san sẻ cho nhau việc làm, ngày công, bữa ăn thường nhật để không ai phải rời bỏ vị trí và từng bước vượt lên hoàn cảnh ngặt nghèo.

Sau năm 1995, ngành than đồng loạt chuyển qua một thời kỳ bứt phá mạnh mẽ, toàn cục từ phương thức quản lý sản xuất kinh doanh, công nghệ khai thác cơ giới hóa, môi trường làm việc, đến chất lượng nguồn lao động. Năm 2011, sản lượng than toàn ngành đã đạt kỷ lục 42 triệu tấn. Mức thu nhập bình của thợ mỏ hiện nay là 16 triệu đồng/tháng. Riêng thợ lò từ 30 đến 43,5 triệu đồng/tháng. Dĩ nhiên, đây chưa phải là vạch giới hạn sau cùng. Thành tựu lớn nhất là TKV đã làm thay đổi tận căn nguyên đời sống vật chất, văn hóa tinh thần và tương lai của hàng chục vạn thợ mỏ cùng gia đình của họ.

Trên mỗi bước trưởng thành, Đảng bộ Than Quảng Ninh và đội ngũ 74.000 thợ mỏ chưa bao giờ buông lơi vai trò chủ nhân đang nắm giữ của một ngành kinh tế động lực trong sự nghiệp kiến thiết, bảo vệ môi trường, hỗ trợ an sinh xã hội, góp phần xứng đáng đưa Quảng Ninh tiến nhanh hơn, gần hơn tới mục tiêu trở thành một tỉnh công nghiệp lớn mạnh, văn minh và phồn thịnh.

Ngô Mai Phong thực hiện

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nganh-than-va-cau-chuyen-nua-doi-nhin-lai-d201724.html