Ngành Thanh tra nỗ lực giải quyết tốt đơn thư khiếu tố
Năm 2022 là năm còn nhiều khó khăn, thách thức với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vào đầu năm, nhưng ngành Thanh tra Bình Thuận giải quyết tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo, đạt và vượt chỉ tiêu so kế hoạch đề ra.
Kết quả sau những nỗ lực
Xác định tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm ngành Thanh tra Bình Thuận nỗ lực thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.
Ngành Thanh tra nỗ lực giải quyết tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo (ảnh minh họa)
Theo đó, năm 2022 ngành duy trì tổ chức tiếp công dân thường xuyên và định kỳ theo quy định. Kết quả đã tiếp 5.813 lượt/6.167 người/5.602 vụ việc, tăng cả số lượt và số người hơn so với năm trước, trong đó tiếp đông người 11 lượt/136 người. Các cuộc tiếp công dân đăng ký theo lịch của thủ trưởng các cấp, ngành được thực hiện đầy đủ, đưa ra những hướng chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật.
Qua phân loại, xử lý 4.518 đơn, trong đó có 680 đơn khiếu nại, tố cáo, còn lại là kiến nghị, phản ánh. Nội dung chủ yếu liên quan việc cấp và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chậm thi hành án dân sự; đòi lại đất cũ; việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất thực hiện đường cao tốc Bắc - Nam, đường ĐT 719, đầu tư mới đường ĐT 719B và đường Hàm Kiệm - Tiến Thành; lấn chiếm đất công; UBND một số xã chậm giải quyết đơn...
Kết quả đã giải quyết 234/259 vụ khiếu tố, đạt 90,35% vượt chỉ tiêu kế hoạch của năm; 2.511/ 2.855 vụ kiến nghị, phản ánh, đạt 87,95%. Số vụ việc còn lại còn đang trong thời hạn thụ lý, xác minh.
Vẫn còn nỗi lo
Bên cạnh kết quả đạt được, còn những mối lo ngại như tình trạng công dân gửi đơn vượt cấp đến các cơ quan, đơn vị còn xảy ra. Có những vụ việc đang được giải quyết nhưng công dân vẫn tiếp tục gửi gây khó khăn cho quá trình giải quyết. Tình trạng xác định, phân loại đơn thư còn lúng túng, chưa chính xác được khiếu nại hay phản ánh, kiến nghị hay tranh chấp, dẫn đến việc áp dụng trình tự, thủ tục giải quyết chưa đúng quy định của pháp luật…
Theo Thanh tra tỉnh, nguyên nhân do một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ khi thực hiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo nên cố tình hiểu sai, gửi đơn khiếu tố nhiều nơi, vượt cấp. Có trường hợp đã giải quyết nhiều lần hoặc quyết định giải quyết của cấp có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật nhưng người dân vẫn không đồng tình, tiếp tục khiếu kiện hoặc chuyển từ hình thức khiếu nại sang tố cáo dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo không có điểm dừng.
Trên địa bàn tỉnh hiện đang triển khai thực hiện nhiều dự án nên phải giải tỏa, thu hồi đất của nhiều hộ dân, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Nhưng chủ trương, chính sách về đền bù, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thường xuyên thay đổi, việc nghiên cứu áp dụng để thực hiện chưa được kịp thời, đồng bộ. Mặt khác, do thiếu sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương để người dân lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép đất công, đất dự án nên khi triển khai dự án phát sinh khiếu nại, tố cáo…
Trước những khó khăn, Thanh tra tỉnh đã kiến nghị với Thanh tra Chính phủ tháo gỡ một số vướng mắc, đồng thời triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo tinh thần chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng tại Hội nghị Tổng kết ngành Thanh tra năm 2022. Đó là: "Cần quan tâm hơn việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là người đứng đầu địa phương phải đặc biệt chú ý. Nếu không thì người dân gửi đơn nhiều lần khiến lãnh đạo tỉnh, sở, ngành mất thời gian ban hành văn bản chỉ đạo giải quyết... kéo theo nhiều hệ lụy, làm chậm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.