Ngành thể dục thể thao trước bài toán 'không ngân sách'
Câu chuyện ngành thể dục thể thao bị siết các khoản chi ngân sách không dừng lại ở mức tin đồn nữa. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã hiện thực hóa việc này trên văn bản. Ngành thể thao cần tự chủ tài chính, nhưng điều đó dường như chưa thể giải quyết trong tương lai gần.
Phải thay đổi từ bên trong
Trong bản báo cáo dự toán ngân sách nhà nước 2024 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, mục chi sự nghiệp thể dục thể thao ở mức 826,7 tỷ. Con số này thấp hơn nhiều so với dự toán năm 2023 (893 tỷ) và quyết toán năm 2022 (1.242 tỷ). Đằng sau việc ngân sách không tăng, thậm chí giảm là một câu chuyện dài của ngành thể thao.
Khác với 2 năm 2022 - 2023, nơi ASIAD và SEA Games được tổ chức, thể thao Việt Nam chỉ có một đấu trường lớn là Olympic. Là sân chơi thiên về chất lượng thực sự, Thế vận hội không thể tiếp nhận quá nhiều VĐV từ mỗi quốc gia. Vì thế, thể thao Việt Nam không thể tăng "lượng" và khiến ngân sách phải tăng thêm như những năm trước.
Câu chuyện dùng ngân sách đầu tư cho thể thao của Việt Nam đã gây rất nhiều tranh cãi trong 2 năm qua. Việc giành ngôi nhất toàn đoàn trong 2 kỳ SEA Games liên tiếp của Việt Nam không còn nhiều ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh thành tích tại Á vận hội ở mức kỳ vọng tối thiểu.
Tại sân chơi SEA Games, Việt Nam bỏ xa các quốc gia Đông Nam Á. Nhưng đến ASIAD, nơi các môn thể thao được chuẩn hóa theo hướng Olympic nhiều hơn, Việt Nam nhanh chóng bộc lộ khuyết điểm. Thành tích 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ của Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực, sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.
Đáng chú ý hơn, 2/3 HCV của Việt Nam đến từ những môn không thuộc Olympic, và những người làm chuyên môn cũng thừa nhận có may mắn. Với môn Cầu mây, Việt Nam giành HCV ở nội dung không có Thái Lan thi đấu. Trong môn Karate, HLV Nguyễn Hoàng Ngân cũng thừa nhận Việt Nam sẽ khó giành HCV nếu đối thủ là Nhật Bản, Iran.
4 quốc gia tham dự nội dung Kata đồng đội nữ ở ASIAD 19 là Việt Nam, Malaysia, Brunei và Campuchia. Đây dường như là một nội dung được đặc cách để các quốc gia Đông Nam Á có thành tích. Nếu chương trình thi đấu không giới hạn nội dung cho các quốc gia, giống như Olympic, số HCV Việt Nam giành được có thể sẽ thấp hơn con số 3.
Những chỉ dấu trên là minh chứng rõ nhất cho thấy nguồn ngân sách Việt Nam dành cho ngành thể thao không được sử dụng hiệu quả. Con số này đã tăng một cách đáng kể trong nhiều năm qua, trên cả hai phương diện Trung ương và địa phương. Nhưng thành tích của các đội tuyển lại không cải thiện, thậm chí có phần thụt lùi theo thời gian.
Vì vậy, việc kinh phí bị giảm đi sẽ trở thành động lực, buộc những người làm thể thao phải điều chỉnh để thích nghi với xu hướng mới.
Huy động nguồn lực bên ngoài
Bên cạnh việc định hướng ngành thể dục thể thao phải tự lực cánh sinh, sử dụng nguồn ngân sách hiệu quả và tránh thất thoát, có một lý do khác để Bộ không tăng kinh phí. Nếu những người làm thể thao muốn có thêm tiền, họ buộc phải huy động các nguồn xã hội hóa bằng nhiều cách.
Giống như bóng đá, nhiều môn thể thao của Việt Nam có thể huy động nguồn xã hội hóa theo hướng tổ chức giải đấu, kêu gọi tài trợ và các hoạt động xã hội khác. Việc này được thực hiện qua một kênh là các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia. Thành công của VFF là minh chứng rõ nhất cho thấy sức mạnh từ nguồn lực xã hội hóa.
Sau bóng đá, nhiều môn thể thao khác đã bước đầu gặt hái thành công khi huy động nguồn lực bên ngoài. Golf, bóng chuyền, bóng rổ, võ tổng hợp (MMA) là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy tính đúng đắn của xã hội hóa thể thao. Các môn này được phổ biến rộng rãi đến công chúng hơn; VĐV, HLV cũng có thu nhập tốt hơn, thi đấu thường xuyên hơn.
Bắn súng, một môn thể thao tưởng như "thuần túy thành tích cao" nhất, cũng gặt hái thành quả nhất định từ hoạt động xã hội hóa. Ở giải vô địch bắn súng châu Á 2024, nơi Lê Thị Mộng Tuyền giành vé tham dự Olympic, đội tuyển có mặt trước giải 2 tuần. Toàn bộ kinh phí của đội trong khoảng thời gian này do một doanh nghiệp tài trợ.
Về khía cạnh địa phương, một số đội thể thao của TP Hồ Chí Minh đã huy động kinh phí xã hội hóa 100% để thi đấu các giải quốc gia trong thời gian qua. Những người phụ trách thể thao của TP Hồ Chí Minh biết đây là việc không đơn giản, nhưng họ vẫn nhận trách nhiệm, vẫn cố gắng làm, vì những lợi ích lớn lao hơn trong tương lai.
Ở một góc độ nào đó, việc huy động nguồn xã hội hóa để phát triển thể thao không phải câu chuyện "khó" hay "dễ", "có thể" hay "không thể". Đáp án phải là thực hiện "như thế nào" và "làm gì". Đó mới thực sự là những vướng mắc cần giải quyết để nguồn tiền xã hội hóa đến với ngành thể thao một cách trực tiếp, hiệu quả.
Điều đáng tiếc ở thời điểm hiện tại là phần lớn liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia lại không thể hoạt động độc lập đúng với vai trò của một tổ chức, xã hội nghề nghiệp. Phần lớn liên đoàn vẫn hoạt động dựa trên nguồn ngân sách nhà nước, cụ thể là Cục Thể dục thể thao. Mọi thứ, vì thế, không thể thoát khỏi việc thiếu kinh phí.
Vì sao khó xã hội hóa thể thao?
Thể thao điện tử (esports) được du nhập vào Việt Nam trên dưới 10 năm và có những bước phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, nguồn lực xã hội hóa được dành cho esports trong những năm gần đây bắt đầu có sự bất ổn. Câu chuyện sâu xa xuất phát từ hoạt động thiếu minh bạch của những người trong ngành, đặc biệt là dàn xếp tỷ số.
Mới đây, giải Liên Minh Huyền Thoại (một môn esports) Việt Nam đã chứng kiến tin chấn động. Giai đoạn vòng bảng của giải đấu được kết thúc sớm hơn thường lệ, vì nhà phát hành môn này yêu cầu điều tra hoạt động dàn xếp tỷ số. 8/8 đội esports đều bị thẩm vấn, lấy lời khai từ các bên liên quan trước khi có kết luận chính thức.
Chia sẻ trên mạng xã hội, một doanh nhân từng đầu tư vào esports cho biết, việc không kiểm soát được những hoạt động như dàn xếp tỷ số là nguyên nhân chính khiến người này "rời cuộc chơi". Hơn 1 thập niên trước, Tập đoàn Hòa Phát cũng rút lui khỏi bóng đá, khi ông chủ CLB chứng kiến đội bóng của mình bị xử ép tại V.League.
Câu chuyện của esports hay bóng đá cũng tương tự với những môn thể thao khác của Việt Nam: Nguồn lực xã hội hóa chỉ xuất hiện khi hoạt động diễn ra công khai, minh bạch. Các doanh nhân bỏ ra không ít tiền để đầu tư vào thể thao. Đổi lại, họ mong muốn được tham gia một cuộc chơi công bằng, không bị điều khiển bởi mua bán, dàn xếp.
"Trung thực, cao thượng" là khẩu hiệu thường được xướng lên ở các giải đấu thể thao. Tuy nhiên, việc biến câu nói đó trở thành hiện thực không hề dễ. Bóng đá Việt Nam mới đây cũng chứng kiến một vụ dàn xếp tỷ số của nhóm cầu thủ Bà Rịa Vũng Tàu. Những người này hiện đã bị khởi tố, đồng thời nhận án cấm thi đấu vô thời hạn từ VFF.
Một điểm khó khác trong hoạt động xã hội hóa đến từ chính ngành Thể dục thể thao. Vì một số nguyên nhân nào đó, những cán bộ của Cục Thể dục thể thao chưa đủ tin tưởng để giao các phần việc quan trong cho Liên đoàn Thể thao quốc gia. Ngoài VFF, việc triệu tập các đội tuyển thể thao luôn do Cục Thể dục thể thao quyết định, chứ không phải Liên đoàn.
Ở chiều ngược lại, nhân sự trực thuộc Liên đoàn thể thao quốc gia cần có sự cầu thị, hợp tác với Cục Thể dục thể thao để hướng đến mục tiêu chung. Những người trực tiếp mang lại thành tích như VĐV, HLV cần được quan tâm, động viên cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Bởi, họ chính là những người trực tiếp mang lại thành quả, bộ mặt cho ngành thể thao.