Ngành thép hồi phục tích cực

Ngành thép đang có những chuyển biến tích cực, thể hiện qua kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý đầu năm nay, tạo động lực để dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu thép.

Ngành thép đã đi qua giai đoạn đáy 2022 - 2023

Ngành thép đã đi qua giai đoạn đáy 2022 - 2023

Chuyển động từ doanh nghiệp

Kết thúc quý I/2024, Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán NKG) đạt 5.300 tỷ đồng doanh thu, 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ trước thuế hơn 49 tỷ đồng.

Lãnh đạo Thép Nam Kim kỳ vọng, trong quý II/2024, sản lượng tiêu thụ sẽ tăng thêm 10%, giúp Công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cao hơn so với quý I.

Năm 2024, Thép Nam Kim đặt mục tiêu đạt tổng sản lượng 1 triệu tấn, tăng 16%; doanh thu 21.000 tỷ đồng, tăng gần 13% và lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng, tăng 137% so với năm 2023.

Về dự án Nhà máy Thép Tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ, ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thép Nam Kim cho biết, Công ty đã có giấy phép. Theo thiết kế, dự án có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng (gồm 30% vốn góp của nhà đầu tư, 70% là nợ vay). Dự án sẽ có dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, 2 dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm. Trong đó, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 4.500 tỷ đồng. Công ty đã góp 500 tỷ đồng, dự kiến khởi công dự án trong quý II/2024, đến quý IV/2025 hoặc quý I/2026 bắt đầu hoạt động và dần nâng lên 100% công suất đến năm 2027. Khi nhà máy mới đi vào hoạt động, tổng công suất sản xuất sẽ được nâng lên 1,6 triệu tấn/năm.

“Việc đầu tư vào nhà máy mới là cách Thép Nam Kim tập trung đi theo chuỗi giá trị ngành, chúng tôi vẫn còn thấy dư địa tham gia cả trong nước và xuất khẩu”, ông Hồ Minh Quang nói.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Thép Nam Kim nhận xét, ngành thép đang có những tín hiệu phục hồi, song năm nay khó có thể đạt được mức đột phá, đặc biệt trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ duy trì nền lãi suất cao. Trong nước, dù đã có một số chuyển động tích cực hơn từ thị trường, nhưng sức mua của người dân vẫn đang là dấu hỏi, vì thị trường bất động sản cần thêm thời gian để “ngấm” các chính sách hỗ trợ.

Đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG), quý I/2024 ghi nhận hiệu quả hoạt động vượt trội khi đạt 2.869 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương 28,7% kế hoạch năm. Trong đó, lĩnh vực sản xuất gang thép và sản phẩm thép đóng góp khoảng 90% kết quả này.

Lãnh đạo Hòa Phát cho hay, dự án Dung Quất 2 có tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao/năm. Dự án được triển khai từ quý I/2022, đến đầu năm 2024 đã đạt hơn 50% toàn bộ các hạng mục chính. Dự kiến, khi hoàn thành dự án Dung Quất 2 vào năm 2025, tổng năng lực sản xuất HRC của Hòa Phát tăng lên 8,6 triệu tấn/năm.

Lãnh đạo Hòa Phát cũng nhận định, năm 2024 khó có thể tăng trưởng đột biến, dù giai đoạn 2022 - 2023 là đáy, do kinh tế toàn cầu vẫn đang gặp không ít khó khăn. Lĩnh vực bất động sản, đặc biệt tại Trung Quốc chưa “ấm lên”. Mỹ và châu Âu duy trì chính sách tiền tệ “cứng rắn”. Kinh tế Việt Nam và thế giới còn nhiều ẩn số như biến động tỷ giá, lãi suất.

Mặc dù vậy, Hòa Phát đặt mục tiêu năm nay đạt doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 47% so với năm ngoái.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG), trong quý II niên độ tài chính 2024 (từ 1/1 - 31/3/2024), cả giá bán lẫn sản lượng tiêu thụ qua kênh xuất khẩu đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, sản lượng tiêu thụ tăng 51% so với cùng kỳ niên độ trước. Theo đó, Công ty đạt doanh thu 9.248 tỷ đồng, tăng 32,5% và lợi nhuận sau thuế hơn 422 tỷ đồng, trong kỳ cùng kỳ niên độ trước lỗ 424 tỷ đồng.

So với quý I niên độ tài chính 2024, lợi nhuận sau thuế quý II niên độ này của Hoa Sen tăng hơn 300%, ngoài đến từ doanh thu tăng còn đến từ việc cải thiện biên lợi nhuận gộp khi trước đó tích trữ được HRC giá rẻ.

Tương tự Thép Nam Kim, lãnh đạo Hoa Sen dự báo, kết quả kinh doanh quý III niên độ tài chính 2024 (1/4 - 30/6/2024) sẽ tiếp tục khả quan, trong đó sản lượng thép tiêu thụ tăng thêm 10 - 12% do nhu cầu nội địa dần hồi phục.

Triển vọng cả năm 2024

Hai doanh nghiệp đang có lợi thế lớn trong ngành thép là Hòa Phát và Hoa Sen, kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm 2024.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong năm 2024, giá thép xây dựng công trình nội địa có thể phục hồi lên mức 15 triệu đồng/tấn, nhờ diễn biến tăng giá thép trên thế giới và nhu cầu gia tăng ở thị trường Việt Nam. Triển vọng sản xuất thép của Việt Nam dự kiến tăng khoảng 10% năm 2024 và 8% năm 2025, khi nhu cầu sử dụng thép các ngành kinh tế trong nước hồi phục. Dự báo, sản xuất thép thành phẩm giai đoạn 2024 - 2025 đạt 28 - 30 triệu tấn và nhu cầu tiêu thụ thép trong nước đạt 21 - 22,5 triệu tấn.

Trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu thép có nhịp tăng giá kể từ đầu tháng 5/2024, nhưng có sự phân hóa mạnh.

Ông Nguyễn Quang Hinh, Phụ trách phân tích cổ phiếu, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, nhóm cổ phiếu thép vẫn còn dư địa tăng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lựa chọn kỹ cổ phiếu, tập trung vào các một yếu tố như lợi thế cạnh tranh thể hiện qua vị thế của doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng với doanh thu ổn định, định giá P/E ở mức hấp dẫn.

Cụ thể hơn, ông Hinh đánh giá, hai doanh nghiệp đang có lợi thế lớn trong ngành thép là Hòa Phát và Hoa Sen, kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm 2024.

Với Hòa Phát, kỳ vọng lợi nhuận năm 2024 sẽ tăng 80% so với năm 2023, nhờ triển vọng nguồn cung bất động sản gia tăng. Cùng với đó, giá than cốc tăng chậm, không còn áp lực tỷ giá và môi trường lãi suất tăng như năm 2023. Biên EBITDA mảng thép dự kiến tăng thêm 2%, lên mức 16%. Trong dài hạn, Khu liên hợp Thép Dung Quất 2 sẽ củng cố triển vọng tăng trưởng lợi nhuận. Sau khi đi vào hoạt động, dự kiến trong nửa cuối năm 2025, Dung Quất 2 có thể giúp lợi nhuận giai đoạn 2025 - 2027 của Hòa Phát đạt tốc độ tăng trưởng kép 30%. Việc gia tăng sản lượng HRC với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận 50 - 80% trong năm 2025 sẽ điều chỉnh định giá P/E của cổ phiếu HPG lên mức cao hơn.

Trong khi đó, lợi nhuận của Hoa Sen có thể tăng trưởng 98% trong năm 2024, nhờ thị trường bất động sản trong nước phục hồi và xuất khẩu tăng trở lại sau khi chu kỳ giảm hàng tồn kho toàn cầu kết thúc. Điều này sẽ thúc đẩy sản lượng tiêu thụ, dự kiến tăng 14% và biên lợi nhuận gộp tiếp tục cải thiện khi Hoa Sen chuyển một phần chi phí sang người mua.

Cổ phiếu HSG được dự báo có định giá P/E năm 2024 - 2025 lần lượt là 7,5 - 4,5 lần, so với mức 15 lần từng được giao dịch trong lịch sử.

Đối với Thép Nam Kim, động lực chính của doanh nghiệp này đến từ xuất khẩu vào thị trường Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó, biên lãi gộp dự báo được cải thiện nhờ hàng tồn kho giá rẻ trong quý I/2024. Ngoài ra, dự án Nam Kim Phú Mỹ dự kiến triển khai từ quý II/2024 và hoàn thành vào năm 2027 giúp nâng tổng công suất lên 2,2 triệu tấn/năm sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp.

Hoàng Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nganh-thep-hoi-phuc-tich-cuc-post345950.html