Ngành thời trang toàn cầu điêu đứng
Nền công nghiệp thời trang thế giới đang rơi vào tình trạng khủng hoảng bởi Covid-19 bùng phát toàn cầu
Để góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, thương hiệu H&M (Thụy Điển) vừa đưa ra thông báo tạm thời đóng cửa toàn bộ cửa hàng tại Mỹ và Canada cho tới ngày 2-4. Mới đây, Công ty Inditex - chủ sở hữu của hàng loạt thương hiệu thời trang như Zara, Pull&Bear, Bershka… đóng cửa hàng loạt cửa hàng tại 39 quốc gia, đặc biệt tại Tây Ban Nha và Ý đóng cửa vô thời hạn.
Bóng đen bao phủ
Các thương hiệu Louis Vuitton, Dior, Celine, Marc Jacobs, Givenchy và Prada của Tập đoàn LVMH cũng đồng loạt thông báo tạm đóng cửa hàng từ ngày 18-3. Nhiều thương hiệu thời trang khác như Kate Spade, Stuart Weitzman, IKEA, Gap, Old Navy, Victoria’s Secret… cũng như các công ty bán lẻ: Macy’s, Saks Fifth Avenue, Nordstrom... đều thông báo đóng cửa tiệm tại Mỹ và châu Âu để góp phần ngăn chặn đại dịch Covid-19 phát triển. Với những tín đồ yêu thích thời trang, sẽ là tin buồn khi Sephora và Ulta cũng vừa thông báo sẽ đóng cửa toàn bộ cửa hàng tại Mỹ và Canada để hạn chế dịch bệnh phát triển, trong thời gian này chỉ hỗ trợ khách hàng vận chuyển miễn phí khi đặt hàng online.
Tuần lễ thời trang Rakuten, dự kiến bắt đầu ngày 16-3 ở Tokyo, đã bị hủy bỏ. Những tuần lễ thời trang sau đó ở Thượng Hải và Bắc Kinh cũng bị hoãn. Ralph Lauren có kế hoạch tổ chức sô diễn ở New York vào tháng 4 này cũng đã hủy bỏ. Burberry hoãn vô thời hạn sô diễn của họ ở Thượng Hải. Gucci cũng hủy bỏ sô diễn tại San Francisco (Mỹ) tháng 5 tới, còn Prada cũng sẽ không có sô diễn ở Tokyo trong tháng 5 tới như kế hoạch. Ông Pascal Morand, Chủ tịch Tuần lễ Thời trang Paris, cho rằng: "Những chiếc ghế trống ở các sô diễn không phải là vấn đề, mà các show room và chuỗi cung ứng bị gián đoạn mới là chính yếu. Vấn đề nằm ở sự không chắc chắn và việc không biết tình hình sẽ kéo dài bao lâu".
Thông thường, hầu hết đơn đặt hàng bộ sưu tập mùa thu 2020 từ châu Âu đến vào tháng 2. Việc sản xuất sẽ diễn ra tại Trung Quốc để kịp giao hàng vào tháng 4. Hiện tại, mọi hoạt động có thể bị trì hoãn đến tháng 5 hoặc tháng 6. Những cảnh tấp nập bán buôn của nền công nghiệp thời trang khắp thế giới không còn nữa. Thay vào đó là sự ảm đạm, buồn bã.
Năm khó khăn
Trước khủng hoảng dịch bệnh, Bernard Arnault (Chủ tịch và Giám đốc điều hành LVMH) phát biểu: "Nếu được giải quyết trong vòng 2 tháng tới, mọi thứ sẽ không khủng khiếp. Còn 2 năm lại là câu chuyện khác".
Theo các nhà tạo mẫu, các đơn hàng đặt mua đồ hiệu từ các nhà bán lẻ lớn ở Mỹ như Nordstrom và Bloomingdale hoặc các nền tảng thương mại điện tử như Net-a-Porter hay Matches Fashion đã giảm hẳn trong thời gian vừa qua. "Thường đến cuối Tuần lễ Thời trang Paris, những khách hàng giàu có sẽ trở lại Milan để thực hiện các cuộc hẹn may đồ với các nhà mốt và show room của Ý. Năm nay, những cuộc hẹn như vậy đã bị hủy bỏ. Milan giờ đây nhìn giống như một thành phố ma" - một chủ cửa hàng bày tỏ.
Thị trường thời trang Việt cũng không khá hơn. Các nhà thiết kế thừa nhận khách đến cửa hàng giảm đáng kể. Một số cửa hàng may mắn còn buôn bán online nhưng không phải thương hiệu nào cũng may mắn như vậy. Với tình hình dịch bệnh bùng phát ngay đúng thời điểm này càng khiến cho công việc kinh doanh trì trệ hơn. Việc buôn bán chậm lại do nhu cầu của khách hàng giảm xuống và nhiều người hạn chế ra ngoài mua sắm.
Nhiều nhà thiết kế khác cũng cho biết thường các cửa hàng thời trang nằm ở vị trí trung tâm đắc địa không chỉ đón khách nội địa mà cả du khách. Nhưng nay, du khách không còn vì dịch bệnh, tình hình kinh doanh vì thế cũng ế ẩm.
Các nhà thiết kế như Adrian Anh Tuấn, Lê Thanh Hòa, Đỗ Long... quyết định hoãn fashion show dự định tổ chức vào tháng 4 tới. Nhiều nhà tạo mẫu dời lịch cho ra mắt bộ sưu tập để theo dõi tình hình khống chế bệnh dịch và đưa ra phương án phù hợp.
Nhà thiết kế Adrian Anh Tuấn hay Lê Thanh Hòa đều nhìn nhận năm nay sẽ là một năm khó khăn với hầu hết các doanh nghiệp ngành thời trang trong và ngoài nước.
Cuộc khủng hoảng thực sự
Một năm 2 lần, các thương hiệu thời trang xa xỉ trên thế giới lại tất bật cho các buổi trình diễn thời trang, giới thiệu những bộ sưu tập mới nhất ra thị trường. Những người có ảnh hưởng lớn trên thế giới, giới truyền thông, những nhà bán lẻ… nô nức tham dự sự kiện thời trang, từ New York (Mỹ) đến London (Anh), Milan (Ý), Paris (Pháp)…
Nhưng nay, thực tế khác hẳn khi Covid-19 xuất hiện. "Covid-19 được ví là "thần chết" truy đuổi các nhãn hiệu thời trang từ xa xỉ đến bình dân. Một cuộc khủng hoảng thực sự xuất hiện khắp nơi, tạo nên áp lực không nhỏ cho các nhà thiết kế, đơn vị bán lẻ và cả người mua sắm" - tờ The New York Times nhận định. Khách của các sô diễn thời trang hủy lịch tham dự. Các cửa hàng thời trang đìu hiu đến không tưởng. "Một ngày có thể đón 5 người khách, đó là một điều nằm ngoài tưởng tượng của các cửa hàng thời trang danh tiếng ở thời điểm này" - một chủ cửa hàng bán lẻ ở Ý bày tỏ thất vọng. Vào cuối năm 2019, nhãn hiệu thời trang bình dân Zara thu về mức lợi nhuận 4 tỉ USD, nằm ở vị trí đầu trong tốp 10 thương hiệu có siêu lợi nhuận kinh tế trong năm, theo thống kê của tạp chí Forbes. Nhưng chỉ bước sang vài tháng đầu năm 2020, với tình hình dịch bệnh hoành hành, ở thời điểm hiện tại, Zara đã đóng cửa hơn 3.700 cửa hàng trên khắp thế giới.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/nganh-thoi-trang-toan-cau-dieu-dung-20200325211314381.htm