Ngành thống kê đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Cụ thể hóa Đề án ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông trong hoạt động thống kê của Chính phủ, thời gian qua, Cục Thống kê tỉnh đã chủ động đổi mới tư duy, đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Qua đó, không chỉ rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm thống kê mà còn đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê trong thời kỳ đổi mới.
Kết quả nổi bật có thể kế đến đó là cuộc Tổng điều tra (TĐT) dân số và nhà ở năm 2019 là cuộc TĐT đầu tiên của Việt Nam nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng thực hiện ứng dụng CNTT trong tất cả các công đoạn.
Trên địa bàn tỉnh, 100% điều tra viên ứng dụng phiếu điện tử (CAPI) trong thu thập thông tin và cuộc TĐT đã hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra, đảm bảo thông tin chính xác, đầy đủ.
Kết thúc TĐT, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho 1 cá nhân; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 4 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 16 tập thể và 20 cá nhân; 27 tập thể và 115 cá nhân được nhận Giấy khen của Cục Thống kê.
Năm 2021, Vĩnh Phúc chịu tác động không nhỏ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội, có thời điểm cán bộ, nhân viên Cục Thống kê được khuyến khích làm việc trực tuyến tại nhà.
Thế nhưng, công việc vẫn được thực hiện đầy đủ, kịp thời bởi đơn vị đã ứng dụng CNTT từ quản lý, điều hành đến chuyên môn nghiệp vụ thông qua các phần mềm như Taskgov để quản lý công việc; Misa (nghiệp vụ kế toán) cùng phần mềm hội thảo, hội nghị, phần mềm chuyên ngành và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015...
Đến nay, 100% công chức của ngành thống kê được trang bị, sử dụng thành thạo máy vi tính, ứng dụng tốt CNTT trong công việc, khai thác thông tin qua mạng diện rộng, mạng internet, sử dụng dịch vụ thư điện tử để trao đổi thông tin, xử lý công việc.
Nhờ đó, Cục Thống kê tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được Tổng Cục Thống kê tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc.
Cùng với đó, trong năm, Cục Thống kê đã tổ chức, triển khai thực hiện có kết quả 30 cuộc điều tra thống kê theo kế hoạch của Tổng cục Thống kê như điều tra công nghiệp, xây dựng, vốn đầu tư, năng suất lúa, sản lượng cây hàng năm, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản hay khảo sát mức sống, lao động, việc làm, giá nông sản, giá xuất nhập khẩu… đảm bảo chất lượng.
Đặc biệt, cuộc TĐT kinh tế năm 2021 được ứng dụng triệt để công nghệ thông tin theo hình thức trực tuyến từ khâu tập huấn, thu thập thông tin, xử lý số liệu đến công bố kết quả và lưu trữ dữ liệu.
Với khối lượng công việc lớn, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ngành thống kê đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo thông tin thu thập chính xác, hiệu quả. Công tác nghiên cứu khoa học cũng được tăng cường, trong đó tập trung giải quyết các vướng mắc trong hoạt động thống kê, chỉ đạo điều hành của ngành.
Năm 2021, có 13 sáng kiến của 21 cá nhân được Hội đồng sáng kiến Cục Thống kê công nhận. Các sáng kiến cải tiến, giải pháp hữu ích được đưa vào thực hiện có hiệu quả góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn lãnh đạo, quản lý, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác chuyên môn nghiệp vụ của các phòng, chi cục thống kê các huyện, thành phố trên địa bàn.
Với phương châm “Chủ động đổi mới và thích ứng, tạo động lực đột phá cho hoạt động thống kê”, thời gian tới, Cục Thống kê tỉnh tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nâng cao chất lượng thông tin đầu vào, nhất là chất lượng thông tin của các cuộc điều tra, TĐT, góp phần phục vụ tốt trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành, xây dựng và hoạch định các chính sách phát triển KT-XH.
Đồng thời, bảo đảm tốt thông tin KT-XH định kỳ và đột xuất phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng và chính quyền các cấp; đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê; biên soạn các tài liệu phân tích trên cơ sở dữ liệu của các cuộc điều tra, TĐT...
Bài, ảnh: Hồng Liên