Ngành thuế đồng hành với người dân, DN thích ứng với tình hình mới

Người dân và doanh nghiệp (DN) đang phải 'thích ứng' với khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cùng với đó, ngành thuế đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, quyết tâm không đứng ngoài cuộc mà luôn đồng hành với DN.

Ông Vũ Xuân Bách, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế: Ngành thuế đang chủ động triển khai nhiều giải pháp, tích cực đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn

Ông Vũ Xuân Bách, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế: Ngành thuế đang chủ động triển khai nhiều giải pháp, tích cực đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn

Đó là ý kiến của ông Vũ Xuân Bách, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khi trao đổi với báo chí về các giải pháp ngành thuế đồng hành với DN.

Ông Vũ Xuân Bách cho hay năm 2021, Bộ Tài chính đã báo cáo các cấp thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí để tiếp tục hỗ trợ về nguồn vốn, dòng tiền cho DN.

Đó là việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2021; tiếp tục thực hiện giảm mức thu hơn 30 khoản phí, lệ phí. Tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, áp dụng trong năm 2020 và 2021; Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân), tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19...

Đặc biệt, ngành thuế tham mưu trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 về một số giải pháp hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

Tại Nghị quyết 406, có 4 giải pháp hỗ trợ, gồm: Giảm 30% thuế thu nhập DN; miễn thuế cho hộ và cá nhân kinh doanh; giảm 30% thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa, dịch vụ; miễn tiền chậm nộp của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Ước tính các giải pháp về thuế, phí đã ban hành trong năm 2021 sẽ hỗ trợ cho DN, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khoảng 138 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm là 23 nghìn tỷ đồng).

Bên cạnh đó, ngành thuế đã thực hiện kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính kết hợp hiện đại hóa trong lĩnh vực quản lý thuế nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và DN, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...

Một trong những giải pháp mang tính đột phá của ngành thuế, góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, DN, tạo thuận lợi, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN cũng như chuyển đổi cách thức tổ chức, quản lý của cơ quan thuế để thích ứng với điều kiện mới đó là việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử. Hiện việc này đã thực hiện thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ, Hải Phòng.

Việc này mang lại nhiều lợi ích, khi DN sử dụng hóa đơn điện tử theo chuẩn định dạng của cơ quan thuế và chuyển dữ liệu về cơ quan thuế thì giúp DN giảm chi phí giấy, mực in, vận chuyển và đặc biệt chi phí lưu trữ hóa đơn.

DN không phải lập báo cáo sử dụng hóa đơn, dữ liệu từ hóa đơn điện tử được kết nối tự động với phần mềm khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) nên DN không mất thời gian lập Tờ khai thuế GTGT. Khi nộp hồ sơ hoàn thuế, DN không phải gửi Bảng kê hóa đơn liên quan đến việc xác định số thuế GTGT được hoàn. Hóa đơn điện tử có tính bảo mật cao vì sử dụng chữ ký số của người bán nên việc sử dụng hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy đã góp phần ngăn chặn, khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn.

Việc áp dụng hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh sau đó mở rộng trên cả nước sẽ đáp ứng mục tiêu thực hiện chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ, tạo thuận lợi cho cộng đồng DN, người dân góp phần xây dựng cơ quan thuế hiện đại, minh bạch, cung cấp dịch vụ thuế chuyên nghiệp.

Phó Tổng cục trưởng Vũ Xuân Bách cho hay mỗi giải pháp hỗ trợ về thuế, phí đều quy định rõ đối tượng áp dụng và có thời gian áp dụng cụ thể, rõ ràng, thủ tục đơn giản, thuận lợi nhất cho người nộp thuế. Mặc dù cơ quan thuế đã thực hiện tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ, nhưng để tận dụng được những hỗ trợ thì DN cũng cần chủ động trong việc theo dõi, tìm hiểu về nội dung chính sách và thủ tục áp dụng các chính sách đã được đặc biệt lưu ý các biện pháp có thời hạn nộp hồ sơ, đề nghị thì cần phải thực hiện theo đúng quy định.

Thực tế, kết quả thực hiện các chính sách gia hạn về thuế và tiền thuê đất thời gian qua thấp hơn so với dự kiến, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch đã tác động tiêu cực đến kết quả sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề và đặc biệt là DN tại các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, dẫn đến số thuế phát sinh để được gia hạn thấp hơn dự kiến. Nhiều DN có số thuế phát sinh thấp hoặc không phát sinh thuế do phải tạm ngừng kinh doanh đã không làm thủ tục đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Về dài hạn, DN cần phát huy sự năng động, sáng tạo, ứng dụng các hình thức kinh doanh mới, chuyển đổi số để vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cộng đồng DN cần đồng hành với chính quyền, người dân phòng chống dịch hiệu quả để nhanh chóng phục hồi và phát triển trong bối cảnh “bình thường mới”.

Huy Thắng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/nganh-thue-dong-hanh-voi-nguoi-dan-dn-thich-ung-voi-tinh-hinh-moi/451082.vgp