Ngành Thuế thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Thu thuế phải thu được lòng dân'

Ông Mai Xuân Thành – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho biết, tiếp thu lời căn dặn sâu sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho ngành Thuế: 'Thu thuế phải thu được lòng dân', trong suốt 79 năm xây dựng và phát triển, ngành Thuế luôn phấn đấu thực hiện kịp thời, hiệu quả các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính về các giải pháp chính sách hỗ trợ thuế cho người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu vững chắc cho đất nước.

Sắc lệnh số 27 ngày 10/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc đặt ra Sở Thuế quan và thuế gián thu. Ảnh: CTV

Sắc lệnh số 27 ngày 10/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc đặt ra Sở Thuế quan và thuế gián thu. Ảnh: CTV

Ngày 10/9/1945, chỉ sau 1 tuần Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 27/SL về việc đặt ra Sở Thuế quan và thuế gián thu.

Điều này thể hiện tầm quan trọng của công tác thuế đối với chính quyền của nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Sắc lệnh số 27 được coi là cơ sở pháp lý và cũng là mốc son đánh dấu sự ra đời của ngành Thuế Việt Nam.

Đến năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1370/QĐ-TTg lấy ngày 10/9 hằng năm là “Ngày Truyền thống ngành Thuế Việt Nam”.

Những ngày đầu mới thành lập, chính quyền mới còn non trẻ, nạn đói hoành hành, ngân khố hầu như trống rỗng… đe dọa sự tồn vong của đất nước. Tuy nhiên, với trách nhiệm xây dựng nguồn thu chủ yếu cho ngân sách, cùng với tinh thần chịu khó, năng động, sáng tạo, ngành Tài chính - Thuế đã vận động người dân tự nguyện đóng góp “Quỹ độc lập”, “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo nuôi quân”.

Với sự đóng góp của nhân dân, chỉ trong 1 tuần đầu (từ 16/9 đến 22/9/1945) đã huy động được 370 kg vàng, 20 triệu đồng cho “Quỹ độc lập” cùng gạo, nhu yếu phẩm… bước đầu hình thành ngân khố quốc gia, góp phần quan trọng cho công cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc.

Từ khi đất nước được giải phóng đến nay, ngành Thuế đã triển khai nhiều chương trình cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý và luôn hoàn thành và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong đó, số thu ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước.

Năm 2010, thu ngân sách do ngành Thuế thực hiện mới đạt trên 400.000 tỷ đồng thì đến năm 2017 số thu đã đạt trên 1 triệu tỷ đồng. Đến hết năm 2023, thu ngân sách đã đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng và chỉ trong 7 tháng năm 2024 thu ngân sách tiếp tục cán mốc trên 1 triệu tỷ đồng.

Cùng với việc thực hiện tốt công tác thu ngân sách, hệ thống chính sách thuế đã được xây dựng đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, vừa bao quát được các nguồn thu, vừa là cơ sở pháp lý để Nhà nước thực hiện khuyến khích đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Từ đó, giúp huy động tối đa mọi nguồn lực để phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển đất nước.

Công tác quản lý thuế từng bước được cải cách theo hướng người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp vào ngân sách và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan thuế đóng vai trò kiến tạo mọi điều kiện thuận lợi, đơn giản thủ tục, hiện đại hóa công tác kê khai nộp thuế và thực hiện quản lý chặt chẽ trên nguyên tắc phân tích đánh giá rủi ro...

Người đứng đầu ngành Thuế cho biết, ngành đang quyết liệt triển khai Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 nhằm thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Theo đó, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra với ngành Thuế là vừa phải thực hiện các mục tiêu, kế hoạch cải cách, vừa phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tạo thuận lợi cho người nộp thuế…

Điều này đòi hỏi hệ thống thuế phải nỗ lực, hoàn thiện hệ thống chính sách thuế phù hợp với thông lệ quốc tế; cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới; bảo đảm tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng giữa thuế gián thu và thuế trực thu ở mức hợp lý, khai thác tốt thuế, phí và lệ phí; bảo đảm tính trung lập của thuế, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, thu hồi tiền thuế nợ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai nộp thuế, hoàn thuế; thực hiện đổi mới phương thức quản lý hộ kinh doanh để quản lý chặt chẽ cả về số lượng người nộp thuế và số tiền thuế; tăng cường chống thất thu qua việc triển khai mạnh mẽ hóa đơn điện tử, quản lý thu chặt chẽ đối với các sàn thương mại điện tử; kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành nghĩa vụ đối với các lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao... đôn đốc thu kịp thời các khoản tăng thu NSNN theo kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán vào NSNN.

“Với truyền thống vẻ vang đã gây dựng trong suốt 79 năm qua, tôi tin tưởng rằng, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Thuế sẽ tiếp tục đoàn kết, lao động sáng tạo, đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong giai đoạn mới để giữ gìn và phát huy các giá trị đã cam kết trong Tuyên ngôn ngành Thuế Việt Nam là "Minh bạch, Chuyên nghiệp, Liêm chính, Đổi mới” - ông Mai Xuân Thành – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - nhấn mạnh./.

MINH ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/nganh-thue-thuc-hien-loi-can-dan-cua-chu-tich-ho-chi-minh-thu-thue-phai-thu-duoc-long-dan-34439.html