Ngành Thuế vào cuộc giúp người nộp thuế vượt khó do COVID-19

Cán bộ thuế hướng dẫn người dân thủ tục gia hạn nộp thuế khi gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: VIỆT AN

Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh do tác động của dịch COVID-19, Tổng cục Thuế vừa yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành trên toàn quốc thực hiện gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp nhằm hỗ trợ người nộp thuế (NNT) bị thiệt hại lớn, gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, không có khả năng nộp thuế đúng hạn.

Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề nói trên, ông Công Văn Lãnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế Phú Yên cho biết:

- Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Cục Thuế Phú Yên đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị trong ngành triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trong đó có việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp cho NNT. Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Cục Thuế đã triển khai góp ý kiến để nghị định sớm ban hành.

* Trường hợp nào được gia hạn nộp thuế, còn trường hợp nào được miễn tiền chậm nộp, thưa ông?

- Theo quy định của Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp, hộ kinh doanh được gia hạn nộp thuế khi bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ. Trong đó, thiệt hại vật chất là những tổn thất về tài sản của NNT, tính được bằng tiền như máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư, hàng hóa, nhà xưởng, trụ sở làm việc, tiền, các giấy tờ có giá trị như tiền. Còn NNT được miễn tiền chậm nộp trong trường hợp gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo hoặc trường hợp bất khả kháng khác.

Theo dự thảo nghị định về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất thì nhóm đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong các ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giày, dép; sản xuất sản phẩm từ cao su; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất, lắp ráp ô tô (trừ sản xuất, lắp ráp ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống); vận tải; dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; hoạt động du lịch.

* Cụ thể việc gia hạn này được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Dự thảo quy định gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) thêm 5 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT đối với số thuế phát sinh của các tháng 3, 4, 5, 6/2020 (nếu NNT khai nộp thuế GTGT theo tháng) và số thuế phát sinh của quý I, quý II/2020 (nếu NNT khai nộp thuế GTGT theo quý). Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn trước ngày 15/12/2020.

Đối với tiền thuê đất, gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm và sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp tiền thuê đất theo quy định của pháp luật. Thời hạn nộp tiền thuê đất được gia hạn chậm nhất là ngày 31/10/2020.

* Để được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, NNT phải chuẩn bị những thủ tục gì, thưa ông?

- Dự thảo nghị định quy định NNT thuộc đối tượng gia hạn chỉ cần gửi cho cơ quan thuế giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất đối với số thuế được gia hạn theo mẫu ban hành kèm theo nghị định. Hình thức gửi theo phương thức điện tử hoặc phương thức khác do NNT lựa chọn.

* Còn trường hợp được miễn tiền chậm nộp được giải quyết như thế nào?

- Theo Luật Quản lý thuế, NNT gặp thiên tai, dịch bệnh... được đề nghị miễn tiền chậm nộp thuế. Hồ sơ bao gồm: Văn bản đề nghị; biên bản xác định mức độ thiệt hại, văn bản xác nhận về việc NNT có thiệt hại tại nơi xảy ra hỏa hoạn của cơ quan có thẩm quyền; văn bản xác nhận mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra cần có hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có); hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).

Ông Công Văn Lãnh

Ông Công Văn Lãnh

* Dịch bệnh COVID-19 làm sụt giảm doanh thu của các hộ kinh doanh, trong khi mức thuế khoán của hộ đã được cơ quan thuế xác định từ đầu năm. Vậy cơ quan thuế có giải pháp nào để hỗ trợ các hộ kinh doanh trên địa bàn, thưa ông?

- Liên quan đến vấn đề này, Cục Thuế đề nghị các chi cục thuế tích cực rà soát các ngành nghề kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trường hợp qua số liệu xác minh, kiểm tra có căn cứ xác định doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên so với mức doanh thu đã khoán, chi cục thuế kịp thời xác định lại doanh thu khoán cho hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó, các chi cục thuế cần tăng cường nắm bắt tình hình kinh doanh của hộ, phân loại hộ kinh doanh trên địa bàn quản lý có thay đổi doanh thu do tác động của dịch bệnh để hướng dẫn, hỗ trợ, rút ngắn thời gian xử lý đối với hồ sơ giảm thuế của hộ kinh doanh. Đối với hộ kinh doanh ở các chợ, trung tâm thương mại hoặc ngành nghề có đơn xin giảm thuế tập thể, qua công tác quản lý, khảo sát doanh thu theo từng ngành nghề, chi cục thuế xin ý kiến tư vấn thuế của hội đồng tư vấn thuế, ban quản lý chợ để thực hiện theo đúng thực tế.

Ngoài ra, Cục Thuế còn yêu cầu các chi cục thuế phải chủ động tham mưu, báo cáo với UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan chức năng liên quan phối hợp với cơ quan thuế trong quá trình thực hiện công tác quản lý thuế. Chi cục thuế và các phòng liên quan tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, vận động hộ kinh doanh ổn định và an tâm sản xuất kinh doanh, đảm bảo ổn định tình hình trật tự xã hội trên địa bàn quản lý. Các chi cục thuế cũng cần thành lập các đội phản ứng nhanh để kịp thời nắm bắt, tổng hợp, đề xuất các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế nhằm giảm thiểu các tác động, ảnh hưởng, bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh gây ra.

* Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn. Trong khi đó, dự toán thu ngân sách năm nay HĐND tỉnh giao cao hơn 3.500 tỉ đồng so với năm ngoái. Vậy theo ông, ngành Thuế sẽ làm gì để hoàn thành nhiệm vụ này?

- Qua phản ánh và nắm bắt tình hình của các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh, những ngành nghề chịu tác động lớn bởi dịch bệnh COVID-19 là vận tải, kinh doanh dịch vụ, ăn uống, nhà hàng, khách sạn, sản xuất thủy hải sản, mua bán hàng nông sản. Những ngành nghề này chiếm tỉ trọng số thu không lớn trong tổng thu ngân sách của tỉnh, do đó dịch bệnh COVID-19 sẽ ảnh hưởng không lớn đến tình hình thu ngân sách năm 2020. Thu ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý I vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước; dự kiến số thu ngân sách các tháng tiếp theo có giảm nhưng không nhiều.

Trước tình hình đó, khi nghị định về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất được ban hành, Cục Thuế sẽ thực hiện ngay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh tập trung nguồn vốn ổn định sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, ngành Thuế sẽ tập trung các giải pháp thu ngân sách trong thời gian tới như: khai thác các nguồn thu phát sinh mới; tăng cường quản lý các ngành nghề, lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; đẩy mạnh công tác giám sát kê khai thuế của NNT, chú trọng kiểm tra tại trụ sở NNT, phát hiện các rủi ro trong việc kê khai thuế, sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp, kịp thời chống thất thu thuế, gian lận thương mại; tăng cường phối hợp với các cơ quan ban ngành có liên quan tham mưu đề xuất các giải pháp có hiệu quả nhằm khai thác nguồn thu từ tiền sử dụng đất... để kịp thời bù đắp phần thiếu hụt do dịch bệnh COVID-19 gây ra, phấn đấu hoàn thành dự toán Trung ương và tỉnh giao.

* Xin cảm ơn ông!

VIỆT AN (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/236442/nganh-thue-vao-cuoc-giup-nguoi-nop-thue-vuot-kho-do-covid-19.html